Giám sát tối cao với 'quá khứ' hay 'hiện tại'?

Nên giám sát ngay những vấn đề thực tiễn đang diễn ra và Chính phủ đang triển khai thực hiện, hay giám sát khi việc thực hiện đã xong là những “trăn trở” của các đại biểu khi chọn chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội năm 2018.

Sáng 23-5, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018.

Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến kiến nghị của các cơ quan, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định hai trong bốn chuyên đề: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội; Việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; và Việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc, tiêu chí để chọn bốn chuyên đề này gồm: Là vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế-xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm; gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật; không thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật mới có hiệu lực thi hành trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm đề xuất; Không trùng với các chuyên đề giám sát đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian 18 tháng tính đến thời điểm đề xuất; Bảo đảm cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực; Phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan của Quốc hội.

Trong phiên thảo luận tổ, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đề nghị cân nhắc thêm về tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát. Thời hạn 18 tháng là không hợp lý vì có những chuyên đề vừa giám sát lần trước, chưa thực hiện xong kết luận giám sát thì đã tiến hành giám sát lần hai. Bà Mai cho rằng nên lùi thời hạn khoảng hai năm hoặc lâu hơn.

Về việc lựa chọn chuyên đề nào để giám sát tối cao trong năm 2018, tại phiên họp tổ sáng 23-5, có hai luồng ý kiến khác giữa các đại biểu Quốc hội. Một số đại biểu cho rằng, những vấn đề Chính phủ đang triển khai thực hiện thì chưa nên giám sát mà đợi thực hiện xong. Luồng ý kiến ngược lại đề xuất nên giám sát những vấn đề Chính phủ đang thực hiện để phát hiện sai sót và chỉnh sửa ngay.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng cả bốn chuyên đề đều nóng, nhưng có hai ở thời điểm 2018 chưa phù hợp. Chuyên đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước Chính phủ đang thực hiện. Còn chuyên đề sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài đến thời điểm này việc vốn đầu tư công trung hạn liên quan đến hai nguồn trên chưa được phân bổ hết.

“Nếu giám sát một vấn đề mà tiền chưa phân bổ thì giám sát cái gì? Việc giám sát không khả thi, nên giám sát sau khi phân bổ vốn”, bà Mai đề xuất.

Ngược quan điểm này, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, không cần xong việc rồi mới giám sát, mà giám sát để thực hiện tốt hơn. “Tôi cho rằng những việc đang thực hiện cần giám sát hơn là những việc xong rồi”, ông Cường nói.

Theo đại biểu Cường: “Việc cổ phần hóa doanh nghiệp, nếu không giám sát ngay thì không phát hiện ra những sai sót, để xảy ra sai phạm mới giám sát thì xử lý đã muộn”. Vấn đề trái phiếu Chính phủ và vốn vay nước ngoài cũng liên quan đến vấn đề nợ công, nếu không giám sát thì không điều chỉnh vấn đề nợ công tốt được.

Đại biểu Nguyễn Văn Lợi (Bình Phước) cũng đồng tình với quan điểm này khi chọn vấn đề nên giám sát tối cao là việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cũng như vốn vay nước ngoài để đầu tư hạ tầng trong những năm qua.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/32949202-giam-sat-toi-cao-voi-%e2%80%9cqua-khu%e2%80%9d-hay-%e2%80%9chien-tai%e2%80%9d.html