Giám sát chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sáng 26/1, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Bế Minh Đức, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) giai đoạn 2018 - 2023 tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Tham dự có đồng chí Hà Nhật Lệ, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

Qua 6 năm triển khai Đề án số 12- ĐA/TU, ngày 8/11/2018 của Tỉnh ủy về sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc hệ thống hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, số lượng ĐVSNCL thuộc Sở NN&PTNT được tinh giản từ 10 ĐVSNCL xuống còn 4 đơn vị, giảm 6 đơn vị so với năm 2015; từ 33 trạm trực thuộc chi cục giảm còn 4 trạm trực thuộc chi cục. Số biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước từ 256 biên chế giảm còn 112 biên chế so với năm 2015, giảm 43,75%. Việc thành lập, sắp xếp các tổ chức, đơn vị được thực hiện đảm bảo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Bộ NN&PTNT và văn bản pháp luật khác có liên quan, nhằm đảm bảo phục vụ hoạt động quản lý nhà nước của cơ quan, tổ chức. Đội ngũ viên chức cơ bản đáp ứng được trình độ chuyên môn, công việc đang đảm nhận, ổn định cơ cấu tổ chức theo yêu cầu nhiệm vụ mới.

Tuy nhiên, một số ĐVSNCL sau khi thực hiện sáp nhập, giải thể, giảm các đầu mối dẫn đến thiếu số lượng cấp phó so với quy định, việc bố trí công tác cho viên chức gặp khó khăn. Chỉ tiêu biên chế, số lượng người làm việc tại các ĐVSNCL được giao thấp, chưa đảm bảo theo định mức tối thiểu. Nguồn thu từ phí, thu từ các hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp của một số ĐVSNCL không ổn định, làm ảnh hưởng đến khả năng tăng mức độ tự chủ để tiến tới tự đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên.

Mạng lưới ĐVSNCL cấp huyện không trực thuộc đơn vị, do vậy, việc giám sát, phát hiện, cập nhật tình hình sâu bệnh trên cây trồng, vật nuôi không được thường xuyên và kịp thời gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Ở một số ĐVSNCL, việc sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, viên chức hiệu quả chưa cao.

Sở kiến nghị: HĐND, UBND tỉnh tiếp tục bố trí 3 lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông trên Quốc lộ 3, Quốc lộ 4a hoạt động, thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT. Đầu tư nâng cấp, xây dựng mới cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông trên Quốc lộ 3, Quốc lộ 4a nhằm đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất thực hiện công tác kiểm dịch động vật theo quy định của pháp luật. Xem xét, cho chủ trương kiện toàn lại hệ thống chăn nuôi và thú y cấp huyện trực thuộc Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi quản lý để thuận tiện cho công tác phát hiện và dập dịch bệnh kịp thời. Cấp kinh phí để xây dựng trụ sở, các nhà trạm và các hạng mục công trình của Ban Quản lý Vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bế Minh Đức kết luận buổi giám sát.

Kết luận buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bế Minh Đứcnhận định về một số kết quả đạt được của Sở NN&PTNT trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL. Đề nghị Sở tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương, Đề án số 12 của Tỉnh ủy về sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL thuộc hệ thống hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh; hoàn thiện báo cáo, tổng hợp kiến nghị đề xuất gửi về Đoàn giám sát để trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Xuân Thương

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/giam-sat-chuyen-de-thuc-hien-chinh-sach-phap-luat-ve-doi-moi-he-thong-to-chuc-va-quan-ly-cac-don-vi--3167173.html