Giảm phí, lệ phí tác động tích cực tới doanh nghiệp

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 44/2023/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Theo các chuyên gia kinh tế, quyết định của Bộ Tài chính sẽ tác động tích cực đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như người dân, bởi trong khó khăn thì có thêm 'một đồng cũng quý'.

Việc giảm các loại phí, lệ phí trong thời gian qua có tác động khá tích cực đến hoạt động của doanh nghiệp. Ảnh: TL

Giảm đến 50% nhiều khoản phí, lệ phí

Để tiếp tục hỗ trợ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong năm 2023, Bộ Tài chính đã quyết định tiếp tục thực hiện việc giảm các khoản phí, lệ phí trong năm 2023. Cụ thể: tiếp tục giảm mức thu từ 10% - 50% so với mức thu hiện hành đối với 36 khoản phí, lệ phí. Thời gian áp dụng từ 1/7/2023 đến hết 31/12/2023.

Nối dài chính sách giảm thuế, phí tạo động lực để doanh nghiệp nhanh phục hồi

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc giảm các loại phí, lệ phí trong thời gian qua có tác động khá tích cực đến hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là các loại phí, lệ phí liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp đã được giảm mạnh.

Trả lời phỏng vấn TBTCVN, PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Hành chính cho rằng, việc tiếp nối thời gian giảm các khoản phí, lệ phí đã góp phần tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp vực dậy sản xuất và tiêu dùng, đóng góp tích cực trong việc phục hồi nền kinh tế thời điểm “hậu Covid-19”.

Theo đó, nhiều khoản phí, lệ phí được giảm 50%, cụ thể như: lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng; lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; lệ phí cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho tổ chức; lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng cho cá nhân; phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng (phí thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc phí thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng).

Ngoài các khoản phí, lệ phí nêu trên, đáng chú ý, nhiều khoản phí, lệ phí được giảm 50% trên nhiều lĩnh vực như chứng khoán, sở hữu công nghiệp..., như: phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán (trừ 2 khoản phí, lệ phí); lệ phí cấp phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh; lệ phí đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh; lệ phí sở hữu công nghiệp...

Trước đó, liên tục trong các năm 2020 và năm 2021, khi thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát, Bộ Tài chính đã ban hành 2 thông tư quy định giảm mức thu một số khoản (khoảng 37 khoản) phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Giảm hàng nghìn tỷ đồng phí, lệ phí

Theo Bộ Tài chính, dự kiến chính sách giảm phí, lệ phí trong năm 2023 này sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 700 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 120/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 quy định giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí, ước tính giảm thu ngân sách khoảng 900 tỷ đồng. Năm trước đó, việc giảm phí, lệ phí cũng lên đến khoảng 1.000 tỷ đồng.

Như vậy, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện “lời hứa” của mình, liên tục rà soát các chính sách ứng phó kịp thời với tình hình thực tiễn để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Rất nhiều chính sách tài khóa miễn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí đã được thực hiện, với số tiền lên tới hơn 400 nghìn tỷ đồng.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, bên cạnh các giải pháp về miễn, giảm, giãn nhiều khoản thuế, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để tiếp tục thực hiện rà soát, cắt giảm các khoản phí, lệ phí nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân.

Việc giảm trực tiếp nhiều khoản phí, lệ phí thể hiện sự đồng hành, chia sẻ giữa Nhà nước với người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, trong điều hành, Bộ Tài chính tiếp tục cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính cùng với việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đã ban hành để doanh nghiệp, người dân nhanh chóng được hưởng hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi nhất.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Ngô Trí Long, việc kéo dài thời gian giảm các khoản phí, lệ phí sẽ ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi doanh nghiệp đang khát vốn thì “một đồng cũng quý” và đề xuất này của Bộ Tài chính là rất đáng mừng.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính trong đề xuất nhiều chính sách thuế để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Có đại biểu cho rằng, sự hỗ trợ này “là kịp thời, đầy tính nhân văn, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri, người dân và doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Chính phủ, Bộ Tài chính cần cân nhắc kỹ các chính sách làm giảm thu ngân sách, để đảm bảo cân đối ngân sách, cũng như tính công bằng và khả thi cao khi triển khai thực hiện.

Bài toán khó trong điều hành của cơ quan nắm giữ “tay hòm chìa khóa”

Nếu tính từ năm 2020 đến nay, Bộ Tài chính ban hành nhiều thông tư giảm hàng nghìn tỷ đồng tiền phí, lệ phí, nối dài các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, thuế, phí là lĩnh vực hết sức nhạy cảm đối với sản xuất, đời sống kinh tế - xã hội, có tác động rất lớn đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và tác động tới sự ổn định kinh tế vĩ mô (tăng trưởng, lạm phát, công ăn việc làm…). Do đó, những chính sách liên quan đến thuế, phí phù hợp với thực tiễn sẽ góp phần giúp doanh nghiệp ổn định, yên tâm làm ăn, phục hồi sau dịch Covid-19.

Việc giảm các loại phí, lệ phí trong thời gian qua có tác động khá tích cực đến hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Bộ Tài chính phải tính toán để vừa hoàn thành nhiệm vụ điều hành chính sách tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) đề ra, vừa hỗ trợ được doanh nghiệp.

Đây là bài toán khó không dễ tìm lời giải, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng khó khăn. Trong nửa năm nay, mặc dù thu NSNN đạt tiến độ dự toán, nhưng thấp hơn so với cùng kỳ. Nhiều khoản thu sụt giảm liên tục qua các tháng là điều đáng lo ngại đối với bộ nắm giữ “tay hòm chìa khóa”.

Cái khó trong điều hành của Bộ Tài chính đó chính là chính sách tài khóa phải khoan thư sức dân, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh, từ đó mới có nguồn thu nộp về NSNN. Tuy nhiên, cùng với đó thì vẫn phải đảm bảo các cân đối về tài chính - NSNN, đảm bảo thu theo dự toán đề ra để có nguồn chi cho các nhiệm vụ trong dự toán, thậm chí phải có nguồn để chi cho các nhiệm vụ cấp bách phát sinh.

Theo một số chuyên gia, về dài hạn, cần có những sắc thuế phù hợp với thực tiễn để có thể đảm bảo tăng trưởng kinh tế một cách bền vững, ổn định, theo chiều sâu. Cải cách chính sách thuế phải theo hướng nuôi dưỡng nguồn thu, tạo sự công bằng, bình đẳng, tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển, làm ăn có lãi.

Khi ngân sách hiện nay đang còn khó khăn, thu ngân sách những tháng đầu năm có phần chững lại, thì động thái chia sẻ với doanh nghiệp nêu trên đã nhận được sự đồng tình của dư luận. Dù còn mong mỏi được hỗ trợ nhiều thêm, nhưng hầu hết các doanh nghiệp, đại diện hiệp hội doanh nghiệp khi được hỏi đều đánh giá cao Bộ Tài chính. Những mức giảm, giãn thuế, phí và lệ phí giúp doanh nghiệp có thêm nguồn để đầu tư tiếp tục sản xuất kinh doanh vượt qua khó khăn.

Sự thấu hiểu, sẻ chia giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp ở thời nào cũng đúng. Nhìn vấn đề dưới nhiều góc độ, theo chuyên gia kinh tế, ông Ngô Trí Long, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn cũng như để có thể hoàn thành các mục tiêu tài chính - ngân sách đã đặt ra, bên cạnh các chính sách tài khóa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thì cộng đồng doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh đổi mới quản trị doanh nghiệp, cơ cấu lại để vươn lên, đặc biệt ở thời điểm hiện nay.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/giam-phi-le-phi-tac-dong-tich-cuc-toi-doanh-nghiep-131518-131518.html