Giảm nghèo nhanh và bền vững nhìn từ 'lõi' nghèo Mường Tè

Vốn là 'lõi' nghèo ở vùng Tây Bắc, nhưng với các dự án hỗ trợ, bộ mặt nông thôn vùng cao của huyện biên giới Mường Tè, tỉnh Lai Châu những năm qua đã có diện mạo mới. Song quy định của bộ tiêu chí giảm nghèo mới đang là thách thức đối với chính quyền và đồng bào các dân tộc địa phương.

Cách đây 5 năm, gia đình chị Ly Lỳ So, dân tộc La Hủ, ở bản Pha Bu, xã Pa Ủ là một trong những hộ đặc biệt khó khăn của bản. Với 6 nhân khẩu, cuộc sống gia đình quanh năm rơi vào cảnh bữa đói, bữa no.

Chị Ly Lỳ So tâm sự, trước đây, thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vào vạt nương gieo lúa 1 vụ và ít nông sản đi rừng kiếm về mỗi ngày. Khi con cái lớn dần thì phải lo cho chúng ăn, mặc nhiều hơn nên đói khổ lắm. Được cán bộ về dạy cho làm lúa nước, đào ao thả cá, chăn nuôi con lợn, con gà nên mới ổn định dần. Có thu nhập rồi, vợ chồng tự bảo nhau làm, giờ không chỉ đủ ăn nữa mà có tới 15 con trâu, bò và trồng cả tam thất, xa nhân tím.

“Tập tục lạc hậu bây giờ cũng đã được đẩy lùi đi nhiều rồi, không phải như trước nữa, người dân cũng hiểu biết hơn rồi. Cán bộ xuống làm việc với dân bà con cũng nghe theo và làm theo; làm kinh tế chịu khó chăn nuôi, làm ăn gà, vịt cũng có nhiều rồi. Cuộc sống của bà con thì khá hơn trước, tốt đẹp hơn trước, không đói nghèo như trước nữa”, chị Ly Lỳ So chia sẻ.

Chăn nuôi hàng hóa tập trung là hướng phát triển kinh tế ở nhiều bản làng vùng cao Mường Tè.

Để giúp bà con đẩy lùi đói nghèo, cấp ủy, chính quyền địa phương đã có hẳn Nghị quyết chuyên đề về “ổn cư, ổn canh”. Công việc đầu tiên là vận động bà con xuống núi sinh sống tập trung, rồi làm công tác tuyên truyền, vận động xóa đói giảm nghèo từ trong nhận thức. Khi bà con đồng thuận và quyết tâm cao, cấp ủy, chính quyền đã phối hợp với lực lượng biên phòng đứng chân trên địa bàn xuống từng bản xây dựng các mô hình phát triển kinh tế.

Ông Lý Phí Giá, Chủ tịch UBND xã Pa Ủ, huyện Mường Tè cho biết: Đến nay chính quyền và lực lượng biên phòng đã thực hiện gần chục mô hình trồng trọt, chăn nuôi để hướng dẫn cho bà con. Các mô hình được làm đều là mô hình dễ và thực hiện theo cách “cầm tay, chỉ việc”, như trồng lúa nước 2 vụ, chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò, cá. Ban đầu các mô hình đều được chuyển giao cho nhóm hộ, rồi dần dần tách ra cho từng hộ làm chủ.

“Trong việc vận động bà con từ các chỏm về thành lập các bản cũng là một quá trình khó khăn. Được sự hỗ trợ từ các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước và của cấp trên, cấp ủy, chính quyền đã phối hợp với các đồng chí lực lượng biên phòng đã vận động bà con làm các mô hình. Hiện tại chúng tôi đã hướng dẫn các mô hình làm lúa nước cho bà con nhân dân, để xóa dần đi những cái khó khăn”, ông Lý Phí Giá cho biết thêm.

Nhiều năm nay cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ thường xuyên bám bản giúp dân. Đây là lực lượng nòng cốt trong công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương giúp dân xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Xác định rõ việc giúp dân ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội là nhiệm vụ quan trọng nơi biên giới, nên các mô hình đều được các anh thực hiện và chuyển giao thành công.

Nhiều giống cây mới như Mắc ca, Quế, Sa nhân... được người dân thay thế các cây trồng truyền thống.

Thiếu tá Trần Hà Nam, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pa Ủ, huyện Mường Tè chia sẻ, từ các mô hình, phong trào “Đoàn kết, giúp nhau xóa đói giảm nghèo” đã cổ vũ, động viên tinh thần, ý chí nghị lực vươn lên xóa đói giảm nghèo trong đồng bào các dân tộc địa phương. Người dân đã tích cực tham dự các lớp dạy nghề để tìm hiểu kiến thức, khoa học kỹ thuật, chia sẻ với nhau kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo để áp dụng vào mô hình kinh tế gia đình.

“Lực lượng cán bộ, chiến sĩ của đơn vị xuống từng địa bàn các bản để bám nắm tình hình địa bàn, tuyên truyền, giúp đỡ nhân dân trong ổn định cuộc sống. Chúng tôi cũng đang triển khai một số mô hình giúp bà con phát triển kinh tế, xã hội theo chương trình, dự án chăn nuôi bò tập trung, trồng lúa nước 2 vụ. Bà con nhân dân cũng đã dần có ý thức hơn, có trách nhiệm hơn trong đảm bảo về an sinh xã hội, cũng như tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia”, Thiếu tá Trần Hà Nam nói.

Cán bộ về tận bản chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng cây Mắc ca cho người dân.

Trong 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, giai đoạn 2016 - 2021, huyện Mường Tè đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là tập trung tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cán bộ đảng viên và nhân dân trên địa bàn trong thực hiện chương trình giảm nghèo. Theo đó, cả giai đoạn mỗi năm địa phương đã giảm từ 5 đến 6% hộ nghèo; thu nhập bình quân năm 2021 đạt 24,5 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống 24,09% theo tiêu chí cũ.

Ông Đao Văn Khánh, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè (Lai Châu) cho biết, các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của Trung ương đã thực sự phát huy hiệu quả khi người dân phát huy ý trí, nội lực, tự nguyện đăng ký cam kết vươn lên thoát nghèo ngày càng nhiều. Giờ đây người dân đã đặt mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng, khi mỗi năm đã nhận được hơn 70 tỷ đồng tiền hỗ trợ dịch vụ môi trường rừng. Các chính sách về giảm nghèo đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác xóa đói giảm nghèo, góp phần chuyển biến tích cực mọi mặt đời sống của người dân.

“Được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và các bộ, ngành, bà con các dân tộc đã được đầu tư hỗ trợ. So với những năm trước đây, đời sống kinh tế - xã hội của bà con nhân dân chuyển biến rất là rõ nét. Hiện nay hạ tầng đã được đầu tư kết nối, tạo ra các vùng phát triển kinh tế, xã hội; các mô hình sản xuất đã giúp cho bà con nhân dân tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào trong sản xuất, trong chăn nuôi”, ông Đao Văn Khánh nói.

Hệ thống đường giao thông từng bước được kết nối liên vùng, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế.

Bức tranh kinh tế - xã hội của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đang ngày càng khởi sắc, khi đời sống người dân được nâng lên. Đây là thành quả của sự nỗ lực, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện trong công tác xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, con số hơn 57% hộ nghèo theo tiêu chí nghèo mới đa chiều, với 6 dịch vụ cơ bản là việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin, nước sinh và vệ sinh đang là thách thức với cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng địa phương. Vì vậy, để giảm nghèo nhanh và bền vững ngoài nỗ lực của địa phương, huyện Mường Tè mong muốn tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ và có những chính sách đặc thù thiết thực, phù hợp với điều kiện của một huyện vùng cao biên giới./.

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giam-ngheo-nhanh-va-ben-vung-nhin-tu-loi-ngheo-muong-te-post940048.vov