Giảm nghèo bền vững ở Nông Sơn

Từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Nông Sơn đã triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Các mô hình giảm nghèo tại huyện Nông Sơn thành công từ sự hỗ trợ của các Chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: M.T

Tận dụng lợi thế địa phương

Chị Bùi Thị Lai (tổ dân phố Đại Bình, thị trấn Trung Phước, Nông Sơn) nằm trong diện hộ cận nghèo của địa phương. Năm 2019, Hội Nông dân huyện hỗ trợ 4 con heo giống và chi phí làm chuồng trại, thuốc thú y, chị Lai đầu tư xây dựng khu chuồng trại trên 1ha đất gò đồi đồi. Đây là hoạt động nằm trong chương trình hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo và cận nghèo của huyện Nông Sơn.

Tại Quảng Nam, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025 được xây dựng với các tiểu dự án như: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Xây dựng đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; các chính sách khuyến khích thoát nghèo, chính sách hỗ trợ cán bộ giảm nghèo cấp xã theo nghị quyết của HĐND tỉnh...

Năm 2022, tỉnh đã phân bổ ngân sách trung ương cho 6 huyện nghèo với giá trị hơn 375,1 tỷ đồng với 97 công trình/dự án; phân bổ vốn sự nghiệp cho các huyện nghèo để duy tu và bảo dưỡng các công trình phục vụ dân sinh, sản xuất, thiết yếu với giá trị hơn 12 tỷ đồng. Ở dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, tỉnh đã phân bổ kinh phí 28,5 tỷ đồng cho các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố để triển khai thực hiện...

Từ 4 con giống ban đầu, chị Lai tổ chức nhân đàn. Thời điểm đạt đỉnh, chuồng trại của gia đình nuôi được khoảng 40 con. Chị Lai cho biết, chị chọn giống heo của người Ê Đê để nuôi và nhân giống. Đây là giống heo sinh trưởng và phát triển khá tốt ở vùng Nông Sơn, thích hợp với mô hình bán thả rông.

“Tôi tận dụng thức ăn sẵn có của địa phương nên chọn giống heo phù hợp với điều kiện chăn nuôi; thịt heo thả rông rất được thị trường ưa chuộng nên không lo đầu ra” - chị Bùi Thị Lai nói.

Hiện nay, giá heo hơi dao động từ 100 - 120 nghìn đồng/kg, cao gần gấp 2 lần các loại heo thịt thông thường khác.

Do vậy, mỗi năm gia đình chị bán 2 lứa thu được khoảng hơn 100 triệu đồng. Sau khi trừ hết chi phí thì tiền lãi còn khoảng 60 - 70 triệu đồng. Mô hình đã giúp gia đình Chị Lai trả hết nợ vay ngân hàng, xây dựng nhà và có điều kiện nuôi con ăn học.

Bên cạnh chăn nuôi, khí hậu và thổ nhưỡng Nông Sơn rất thích hợp để phát triển kinh tế vườn. Ông Nguyễn Sắc (tổ dân phố Trung An, thị trấn Trung Phước) chia sẻ, trước đây, vợ chồng ông làm nông, nuôi 4 đứa con ăn học nên cuộc sống gia đình có thời điểm rất khó khăn. Để có điều kiện kinh tế khá hơn, 20 năm trước ông xây dựng mô hình kinh tế vườn rộng 6.000m2 cho thu nhập ổn định, giúp gia đình thoát nghèo bền vững.

“Hiện khu vườn gia đình tôi trồng đủ các loại cây như trụ lông, hường, quýt…, mỗi năm thu hoạch từ 70 - 80 triệu đồng từ cây trái” - ông Sắc chia sẻ.

Mở hướng phát triển

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, hiện địa phương còn 722 hộ nghèo, chiếm 7,83%. Nông Sơn phấn đấu đến cuối năm nay giảm từ 16 hộ nghèo trở lên. Huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện đời sống của những hộ này.

Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới cùng các chính sách an sinh xã hội, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động đang được địa phương chú trọng. Đặc biệt, chủ trương phát triển kinh tế vườn từ những lợi thế của địa phương là một trong những đòn bẩy thoát nghèo hiệu quả.

Tính đến thời điểm này, sau hơn một năm triển khai Nghị quyết số 57 hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại giai đoạn 2021 - 2025, cho thấy những hiệu quả nhất định. Ở nghị quyết này, địa phương phấn đấu có khoảng 10% số sản phẩm nông sản từ kinh tế vườn - kinh tế trang trại được truy xuất nguồn gốc và áp dụng các tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp sạch, có ít nhất 3 sản phẩm từ lĩnh vực này đạt sản phẩm OCOP...

Số lượng nhà vườn được hỗ trợ từ Nghị quyết 57 là 200 vườn và 5 trang trại với kinh phí hơn 27 tỷ đồng, từ ngân sách huyện và nguồn hỗ trợ của ngân sách tỉnh. “Nghị quyết này sẽ giúp người dân có cơ hội phát triển kinh tế bằng cách trồng các cây nông nghiệp, đặc biệt là các cây ăn quả bản địa như trụ lông, hường, măng cụt...

Cùng với đó, huyện tạo điều kiện hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, tuyên truyền vận động người dân chỉnh trang vườn tược, xây dựng tường rào cổng ngõ, tạo không gian vườn đẹp vừa phục vụ nông nghiệp vừa phục vụ du khách… Đây là giải pháp rất mạnh cho công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Nông Sơn” - bà Thủy cho biết.

MINH THÔNG

Nguồn Quảng Nam: https://baoquangnam.vn/xa-hoi/giam-ngheo-ben-vung-o-nong-son-151674.html