Giảm nghèo bền vững ở Hàm Thuận Nam:Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình giảm nghèo

Cùng với việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giảm nghèo, huyện Hàm Thuận Nam cũng đặc biệt chú trọng công tác nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhằm kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để có giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ
Trong năm 2023, ông Trần Văn Phước – Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Dân Thuận, xã Hàm Thạnh được tham gia hội nghị tập huấn nâng cao năng lực công tác giảm nghèo do UBND huyện Hàm Thuận Nam tổ chức. Tại lớp tập huấn, ông Phước được truyền đạt những kiến thức cần thiết về công tác giảm nghèo như công tác giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam; chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025; quy trình rà soát hộ nghèo, cận nghèo đình kỳ hàng năm, thường xuyên hàng năm; quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình...

Ông Phước cho biết: “Hội nghị tập huấn đã trang bị cho tôi nhiều thông tin mới, cần thiết về công tác giảm nghèo mà trước đây tôi chưa được tiếp cận. Từ kiến thức được tập huấn, tôi đã trao đổi lại với Bí thư Chi bộ thôn và các cán bộ đoàn thể trong thôn nhằm triển khai thực hiện công tác giảm nghèo tại địa phương hiệu quả hơn trong thời gian tới”.

Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023

Theo UBND huyện Hàm Thuận Nam, thực hiện công tác giảm nghèo bền vững năm 2023, trong đó thực hiện tiểu dự án 1 về nâng cao năng lực thực hiện Chương trình. Năm 2022, tổng kinh phí là 225,4 triệu đồng đã phân khai cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và đã tổ chức 2 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực công tác giảm nghèo năm 2023 cho 263 cán bộ là Tổ thực hiện công tác giảm nghèo của huyện, lãnh đạo UBND, UBMTTQ, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và cán bộ làm công tác giảm nghèo các xã, thị trấn, trưởng, phó thôn và trưởng ban công tác Mặt trận các thôn, khu phố với kinh phí 107,88 triệu đồng đạt 47,86%. Đồng thời, tổ chức 1 lớp tập huấn công tác điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cho 142 cán bộ và điều tra viên cấp xã. Kinh phí thực hiện hơn 104 triệu đồng, đạt 87%. Thông qua các lớp tập huấn đã giúp cán bộ làm công tác giảm nghèo từ huyện đến cơ sở, nâng cao năng lực, vận dụng những kiến thức đã được tập huấn vào công tác giảm nghèo, qua đó triển khai có hiệu quả kế hoạch giảm nghèo trên địa bàn.

Bà con nông dân huyện Hàm Thuận Nam tích cực sản xuất phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững

Giám sát, đánh giá giảm nghèoBên cạnh đó, UBND huyện Hàm Thuận Nam đã triển khai thực hiện giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện. Theo đó, với tổng kinh phí 119,6 triệu đồng đã phân khai cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và đã thành lập 1 tổ kiểm tra, 1 đoàn giám sát tiến hành kiểm tra, giám sát tại các địa phương về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023.

Qua đó đã kiểm tra, giám sát được 13/13 xã, thị trấn, trong đó kiểm tra 3 xã Mỹ Thạnh, Hàm Cần, Hàm Thạnh và giám sát 13 xã, thị trấn. Theo đó, các nội dung được kiểm tra, giám sát như công tác chuẩn bị, công tác chỉ đạo triển khai thực hiện; công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; kết quả thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi…Qua giám sát, nhìn chung các xã, thị trấn khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trong thời gian qua tương đối tốt, đúng theo trình tự thủ tục quy định.

Giám sát, đánh giá chương trình giảm nghèo tại các xã, thị trấn huyện Hàm Thuận Nam

Tuy nhiên, qua giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong năm 2023 ở các xã, thị trấn vẫn còn tồn tại, hạn chế. Đó là công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách về giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương còn hạn chế, chưa có giải pháp nhằm làm thay đổi nhận thức để người dân vươn lên thoát nghèo. Vẫn còn một số hộ nghèo chưa phát huy tính chủ động để vươn lên thoát nghèo có tư tưởng, tâm lý “không muốn thoát nghèo”, trông chờ, ỷ lại để hưởng chính sách của Nhà nước. Bên cạnh, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hàng năm, Mặt trận và các đoàn thể chưa xây dựng kế hoạch phối hợp công tác kiểm tra, giám sát theo chỉ đạo của cấp trên. Các biểu mẫu bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm tại các thôn chấm điểm chưa đầy đủ đúng theo quy định.

Ngoài ra, hoạt động trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm còn thiếu sự quan tâm phối hợp giữa các cơ quan. Công tác rà soát nhu cầu học nghề chưa sát thực tế dẫn đến kết quả đào tạo nghề chưa đạt yêu cầu…Thông qua công tác kiểm tra, đánh giá đã kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 ở các địa phương. Qua đó, đề xuất các giải pháp và kiến nghị trong tổ chức thực hiện và theo dõi việc thực hiện kiến nghị đã đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý. Đồng thời, xác định mức độ đạt được theo mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể so với quyết định đầu tư hoặc tiêu chuẩn đánh giá quy định của Nhà nước tại một thời điểm nhất định.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/giam-ngheo-ben-vung-o-ham-thuan-nam-nang-cao-nang-luc-va-giam-sat-danh-gia-thuc-hien-chuong-trinh-giam-ngheo-115683.html