Giảm lãi suất, bài toán không dễ

Dưới góc nhìn của chuyên gia thì hiện tại thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ở trạng thái dồi dào. Đây là một yếu tố tích cực, hỗ trợ giảm lãi suất huy động, từ đó giúp các ngân hàng có điều kiện tiết giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đây là bài toán không hề dễ dàng.

Theo các chuyên gia thì đây là thời điểm để ngân hàng giảm lãi suất, kích thích sản xuất phát triển.

Sóng ngầm lãi suất

Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động USD của tổ chức tín dụng ở mức 0 %/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.

Về lãi suất cho vay bằng VND, hiện, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, các NHTM nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm.

Bước vào những tháng cuối năm, lãi suất huy động ở một số NHTM CP lại đang có dấu hiệu tăng lên. Chẳng hạn, lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng của VietCapital Bank được điều chỉnh tăng 0,1%/năm, lên 7,1%/năm từ ngày 5/9; còn kỳ hạn 13 tháng tăng từ 7,5%/năm lên 7,8%/năm. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất tại ngân hàng này là 8,2%/năm khi khách gửi 18 tháng. VPBank công bố biểu lãi suất tiền gửi mới, áp dụng từ ngày 1/9, tăng nhẹ 0,1-0,2%/năm ở một số kỳ hạn, trong đó mức lãi suất niêm yết cao nhất là 7,7% với kỳ hạn 36 tháng. VietA Bank áp mức lãi suất cao nhất 7,7%/năm cho kỳ hạn 15 tháng. Và tất nhiên điều này không thể mang niềm vui với những người đi vay và đang có nhu cầu vay vốn.

Doanh nghiệp thấp thỏm

Qua trao đổi với nhiều doanh nghiệp, nỗi lo lắng nhất hiện nay của họ là lãi suất đang có dấu hiệu tăng. Anh Nguyễn Ninh - giám đốc một công ty xuất nhập khẩu ở Tân Bình, TPHCM - cho biết, đầu năm nay doanh nghiệp anh có vay ngân hàng hơn chục tỉ đồng để kinh doanh với lãi suất 10% một năm và được điều chỉnh sau một năm. Tuy nhiên, mới đây, anh nhận được thông báo từ ngân hàng là sẽ có sự điều chỉnh lãi suất theo hướng tăng trong thời gian tới. Anh Ninh cho biết, với mức lãi suất hiện tại thì công ty chịu đựng được, nhưng chỉ còn khoảng một tháng nữa là ngân hàng sẽ áp theo mức lãi suất thả nổi thì đây sẽ là áp lực đối với doanh nghiệp và như vậy sẽ tác động tiêu cực đến giá thành sản phẩm, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM phân tích, hiện nay có thể phân ra làm 3 nhóm đối tượng doanh nghiệp là tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp và không được tín nhiệm. Theo đó, nhóm doanh nghiệp không được tín nhiệm thì gần như không thể tiếp cận vốn vay từ ngân hàng nên họ chủ yếu huy động vốn từ nhân viên, bạn bè, người thân... Còn nhóm tín nhiệm cao và thấp thì có thể dễ dàng vay các nhà băng nhưng sẽ chịu những mức lãi suất khác nhau. Với các doanh nghiệp được đánh giá tốt, mặt bằng lãi suất cho vay trong năm đầu tiên hiện dao động quanh 8-10% đối với trung dài hạn (sau đó thì thả nổi theo thị trường). Riêng những doanh nghiệp được đánh giá tín nhiệm thấp thì phải vay với mức bình quân tương đối cao 11-12% một năm.

Hạ lãi suất, bài toán khó

Phần lớn các chuyên gia đều nhận định, thanh khoản của hệ thống quả thực đang có nhiều tín hiệu tích cực thêm vào đó, các điều kiện kinh tế vĩ mô đang thuận lợi cho việc giảm lãi suất nhưng dường như vẫn chưa có tín hiệu phát đi nào từ các ngân hàng. Theo một số lãnh đạo ngân hàng cho biết, thực tế họ chỉ dư thừa vốn trong ngắn hạn và thông thường trạng thái này sẽ tồn tại không dài. Do đó, chính sách lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp và dân cư hầu như ít có thay đổi, đặc biệt đối các khoản vay thường trung và dài hạn.

Dưới góc độ chuyên gia tài chính - ngân hàng, ông Nguyễn Trí Hiếu phân tích, hiện tượng lãi suất tiền gửi tăng ở một số NHTM nhỏ có thể chỉ diễn ra trong ngắn hạn và có tính chất tạm thời. Sự dịch chuyển của các khách hàng gửi tiền trong thời gian qua đã trở thành một trong những nguyên nhân chính, khiến các ngân hàng nhỏ phải điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động. Lãi suất huy động có lẽ khó có thể giảm từ nay đến cuối năm vì càng ngày các ngân hàng càng cần vốn huy động hơn. Tuy nhiên lãi suất huy động tăng bao nhiêu thì rất khó có thể dự đoán được tại thời điểm này, khả năng tăng từ 0,5% trở lên. Nếu mức lãi suất huy động tăng như vậy thì lãi suất cho vay khó có thể duy trì được ở mức hiện tại chưa nói là có thể giảm.

Việc tăng lãi suất huy động sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp đi vay vốn dù các ngân hàng rất muốn thực hiện chủ trương của Chính phủ là giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Thế nhưng trong tình trạng chi phí vốn tăng lên, nếu không tăng lãi suất cho vay lên thì có nghĩa là lợi nhuận của họ sẽ bị ảnh hưởng. Vì hiện tại, lợi nhuận của các ngân hàng đã rất thấp, chỉ khoảng 2%. Nếu giờ mà còn thấp hơn nữa thì khả năng ngân hàng sẽ bị lỗ. Cụ thể, các ngân hàng vẫn đang phải huy động vốn với lãi suất bình quân là 6,7 - 6,8%, nếu không cho vay được thì họ chắc chắn lỗ nguyên mức này, chưa kể đến các chi phí khác. Nếu xét đến việc kinh doanh có lãi thì biên lợi nhuận bình quân phải 2,5% mới có lãi và đủ bù chi phí, tức mức lãi cho vay ra phải 9,2 - 9,3%/năm. Đồng thời, những quy định của NHNN giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống còn 50% cũng khiến cho nhiều ngân hàng thiếu nguồn vốn trung dài hạn để cho vay. Do vậy, khó có hy vọng các NHTM giảm lãi suất cho vay ra nền kinh tế, nhất là vốn trung dài hạn.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác đang ảnh hưởng đến việc điều chỉnh lãi suất đó là công tác quản lý và kiểm soát nợ xấu tại các ngân hàng cũng như việc điều hành chính sách tiền tệ thận trọng để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát của NHNN. Chi phí dự phòng tăng lên, cùng với chi phí đầu vào chưa dừng lại là nguyên nhân được các chuyên gia cho rằng, các ngân hàng khó có thể giảm lãi suất trong bối cảnh hiện nay.

Sự dịch chuyển của các khách hàng gửi tiền trong thời gian qua đã trở thành một trong những nguyên nhân chính, khiến các ngân hàng nhỏ phải điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động. Lãi suất huy động có lẽ khó có thể giảm từ nay đến cuối năm vì càng ngày các ngân hàng càng cần vốn huy động hơn.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/giam-lai-suat-bai-toan-khong-de-594205.bld