Giảm giờ làm việc tăng hiệu suất công việc | Hà Nội tin mỗi chiều

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa đề xuất các cấp nghiên cứu giảm giờ làm việc của người lao động trong doanh nghiệp dưới 48 giờ mỗi tuần. Tuy nhiên, điều này cần tính đến yếu tố sức khỏe, an toàn của người lao động, năng suất lao động và vấn đề xã hội khác.

Luật lao động hiện hành quy định lao động làm việc trong điều kiện bình thường không quá 8h mỗi ngày và 48h mỗi tuần. Tuy nhiên, theo đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội, việc giảm giờ làm là việc hết sức cần thiết. Bởi chúng ta áp dụng chế độ 48h/tuần tức là 6 ngày/tuần từ rất lâu. Ở khu vực công đã giảm xuống chế độ 40h/tuần từ năm 1999. Theo thống kê của tổ chức lao động quốc tế, khảo sát 154 nước chỉ có hai nước có số giờ làm việc trên 48h/tuần; 1/3 số nước áp dụng là 48h giống Việt Nam và khoảng 2/3 các nước có 48h trở xuống. Mặt khác, ở Việt Nam thời giờ làm thêm tương đối cao. Chúng ta có quy định giờ làm thêm từ 200 – 300h/năm. Như vậy, tổng thời gian làm việc thực tế của người lao động bằng thời gian làm việc tiêu chuẩn cộng giờ làm thêm là tương đối cao so với mặt bằng chung của lao động các nước.

Kết quả khảo sát, điều tra đời sống công nhân lao động của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho thấy thời giờ làm việc kéo dài đang ảnh hưởng xấu đến đời sống của người lao động, từ mất cơ hội tìm bạn đời, thể hiện tình cảm, quan tâm chăm sóc giữa vợ chồng đến thực hiện trách nhiệm chăm sóc con cái, tác động đặc biệt lớn đến nhóm lao động có con nhỏ. Chính vì vậy, không có lý do gì khi đất nước phát triển mà người lao động phải làm việc số giờ cao. Đây cũng là xu hướng tiến bộ của đa số các quốc gia trên thế giới.

Trước đó, đề xuất cũng được đưa ra khi góp ý dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2019. Tuy nhiên, trước phản ứng gay gắt của các doanh nghiệp, khung giờ làm việc vẫn được giữ nguyên như quy định hiện hành là không quá 48 giờ/tuần. Sau 4 năm, một lần nữa đề xuất lại được đưa ra, Quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là giảm giờ làm việc, tăng thời gian nghỉ ngơi và cần xác định thời giờ làm việc cho người lao động. Tuy nhiên, điều này cần tính đến yếu tố sức khỏe, an toàn của người lao động, năng suất lao động và vấn đề xã hội khác.

Ông Đặng Tuấn Vũ, Chủ tịch công đoàn Công ty Changshin, doanh nghiệp sử dụng 37.000 lao động, đông nhất tỉnh Đồng Nai cho biết, lộ trình giảm giờ làm việc tiến tới 40 giờ mỗi tuần là mong mỏi của nhiều công nhân. Lao động trông chờ được giảm giờ làm việc để cuối tuần được nghỉ ngơi, nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực.

Ảnh minh họa

Một câu hỏi đặt ra, nếu giảm giờ làm thì có làm giảm thu nhập cho người lao động? Trong bối cảnh tiền lương còn thấp, giảm giờ làm việc thì liệu người lao động có dành thời gian đó để nghỉ ngơi tái tạo sức lao động, hay họ sẽ làm thêm như chạy Grab, làm giúp việc... để có thêm thu nhập. Và quan trọng năng suất lao động có được cải thiện ngang bằng với các nước thực hiện giảm giờ làm việc dưới 48h/tuần?

Trước thắc mắc này, ông Lại Hoàng Dũng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Samsung Electronic cho biết, việc giảm giờ làm rất cần thiết cho người lao động. Khi các doanh nghiệp cần huy động làm thêm giờ, người lao động luôn sẵn sàng nhằm nâng cao thu nhập và giúp doanh nghiệp đáp ứng đơn hàng. Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, không phải người lao động nào, nhóm người lao động nào cũng mong giảm giờ làm, khi giảm giờ làm là giảm thu nhập. Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, việc giảm thời gian làm việc bình thường sẽ tạo động lực để doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, thích nghi với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đổi mới quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/giam-gio-lam-viec-tang-hieu-suat-cong-viec-ha-noi-tin-moi-chieu-206881.htm