Giảm gánh nặng bệnh tật bẩm sinh

Nhằm phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh tật bẩm sinh, giúp trẻ sinh ra có thể phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đẩy mạnh thực hiện chương trình mở rộng tầm soát chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh. Qua nhiều năm thực hiện, đến nay, nhiều người đã chủ động tầm soát, sàng lọc trước sinh và sơ sinh (SLTS&SS) để bảo vệ thế hệ tương lai phát triển khỏe mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Nhân viên y tế Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh lấy máu gót chân cho trẻ sơ sinh để sàng lọc các bệnh rối loạn, chuyển hóa di truyền. Ảnh: Kim Ly

Mang thai an toàn, sinh con khỏe mạnh là mong ước của mọi gia đình. Tuy nhiên, nhiều năm về trước, vì hiểu biết còn hạn chế hoặc vì điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều gia đình trước khi sinh con đã bỏ qua các bước tầm soát, SLTS&SS, đến khi phát hiện con bị bệnh, tật bẩm sinh thì đã quá muộn.

Trường hợp của chị Dương Thị Hiền ở thôn Đạo Trù, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo là một ví dụ điển hình. Chị Hiền sinh được 3 người con thì có 2 cháu mang trong mình bệnh lý Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh).

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, khi mang bầu, chị Hiền không có điều kiện để đi làm các gói sàng lọc tầm soát bệnh, tật bẩm sinh, nên khi sinh con thứ hai được 4 tháng, thấy con có biểu hiện khác lạ như bú kém, hay nôn chớ, vàng da… chị mới đưa con đi khám và biết con mình mắc phải bệnh lý Thalassemia.

Chị Hiền cho biết: “Từ khi con bị bệnh, tháng nào tôi cũng phải đưa con đến bệnh viện điều trị, mỗi lần ở viện khoảng 10 ngày, chi phí điều trị bệnh cho con rất tốn kém khiến kinh tế gia đình khó khăn lại càng trở nên túng thiếu hơn”.

Không chỉ đối với bệnh Thalassemia, hiện tại, nếu trẻ sinh ra bị mắc các bệnh, tật bẩm sinh khác như suy giáp trạng bẩm sinh, thiếu men G6PD, giảm thính lực… đều trở thành gánh nặng về sức khỏe cho chính bản thân trẻ, đồng thời là gánh nặng về kinh tế cho gia đình và xã hội.

Theo bác sĩ CKI Phùng Thị Hải Minh, Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh, để giảm tình trạng trẻ sinh ra bị bệnh, tật bẩm sinh thì việc SLTS&SS có ý nghĩa rất quan trọng. SLTS là hoạt động can thiệp đối với thai phụ thông qua các kỹ thuật siêu âm, xét nghiệm máu để chẩn đoán các dị tật bẩm sinh ở thai nhi như hội chứng Down, dị tật ống thần kinh, di truyền tế bào…

Còn SLSS là hoạt động can thiệp đối với trẻ sơ sinh bằng xét nghiệm lấy máu gót chân trong vòng 48-72 giờ sau khi trẻ chào đời nhằm phát hiện các rối loạn bẩm sinh, di truyền ở trẻ như thiếu men G6PD, thiểu năng trí tuệ, suy giáp trạng bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh… Qua đó, phát hiện sớm để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh.

Từ nhiều năm nay, chương trình SLTS&SS đã được Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh triển khai rộng rãi trên phạm vi toàn tỉnh với nhiều hoạt động và chính sách thiết thực, qua đó giúp chuyển đổi hành vi cho các nhóm đối tượng đích. Đến nay, hầu hết các phụ nữ mang thai đều được quản lý thai nghén từ tuyến xã đến tuyến tỉnh và được tuyên truyền về ý nghĩa cũng như lợi ích của chương trình SLTS&SS.

Công tác phối hợp với các đơn vị y tế như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố được tăng cường nhằm phổ cập dịch vụ SLTS&SS; trong đó, đặc biệt quan tâm đến các nhóm đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ chi phí từ nguồn ngân sách, giúp nhiều trẻ mắc bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Theo thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, hằng năm, tỷ lệ bà mẹ mang thai được SLTS đạt hơn 80%, tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt gần 80%. Riêng 6 tháng đầu năm, có hơn 6.000 bà mẹ mang thai được SLTS (chiếm gần 87% số bà mẹ mang thai), tăng 107 người so với cùng kỳ; gần 6.000 trẻ được SLSS (chiếm gần 87% số trẻ em sinh ra), tăng 1.625 trẻ so với cùng kỳ.

Trong đó, có 468 trẻ thực hiện sàng lọc được hỗ trợ chi phí từ nguồn thực hiện Nghị quyết số 16 của HĐND tỉnh, kết quả phát hiện 26 trẻ nghi ngờ bệnh, trong đó 1 trẻ tăng sản tuyến thượng thận, 3 trẻ suy giáp bẩm sinh, 22 trẻ thiếu men G6PD.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình SLTS&SS nhằm nâng cao chất lượng dân số một cách toàn diện, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Đào Anh Thái cho biết: "Kế hoạch số 10 của UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược dân số Việt Nam của tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025 đã đề ra mục tiêu: Đến năm 2030 có 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 loại bệnh bẩm sinh phổ biến.

Để thực hiện mục tiêu này, thời gian tới, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các đơn vị y tế trong việc thực hiện dịch vụ SLTT&SS cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ chi phí từ nguồn thực hiện Nghị quyết số 16 của HĐND tỉnh, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc SLTS&SS.

Tăng cường công tác xã hội hóa đối với dịch vụ này để các bà mẹ mang thai đều được SLTS&SS, giúp phát hiện sớm và hạn chế tối đa việc để lại di chứng bệnh tật ở trẻ, góp phần nâng cao chất lượng dân số của tỉnh".

Minh Nguyệt

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/97114//giam-ganh-nang-benh-tat-bam-sinh