Giám đốc Xí nghiệp dứa Suối Hai có bao che cho sai phạm?

Ban GĐ Xí nghiệp dứa Suối Hai không đình chỉ việc xây trái phép mà còn tự ý cắm mốc, bao che cho hành vi trái pháp luật?

Như Phapluatplus.vn đã phản ánh, sau khi xảy ra tranh chấp với hàng xóm là Nguyễn Thị Thảo, gia đình bà Đỗ Thị Sâm đã “gõ cửa” cầu cứu Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội - Xí nghiệp dứa Suối Hai (gọi tắt là Xí nghiệp dứa Suối Hai) để giải quyết sự việc được khách quan, minh bạch.

Theo bà Sâm thì gia đình bà Thảo đã hai lần lấn chiếm vào phần đất của gia đình được giao khoán, mặc dù hai bên đã giải quyết nhưng sự việc chưa có dấu hiệu dừng lại.

Tuy nhiên, sau đó, phía lãnh đạo Xí nghiệp Dứa Suối Hai không tổ chức đo đạc đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật, tự dịch chuyển mốc giới sâu vào khoảng 1 mét phần đất gia đình đang canh tác, đồng thời, phá bỏ toàn bộ phần hoa màu trên phần đất này.

Liên quan đến sự việc, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lương Thành Đạt, Công ty TNHH Luật LTD Kingdom (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

Gia đình bà Sâm cho rằng, sau khi xảy ra sự việc, gia đình bà đã báo cáo lên phía Nông trường, ban giám đốc Xí nghiệp, đứng đầu là ông Nguyễn Tiến Dũng (Giám đốc) dù không có bất kì thông báo nào trước đó nhưng vẫn tự ý xây dựng cột mốc thụt vào một mét so với mốc giới cũ (chính là hàng cây găng của gia đình bà Sâm đã trồng sau khi Xí nghiệp giao đất thực địa vào thời điểm năm 1990), cưỡng chế, phá bỏ cây hoa màu trên đất.

Theo Luật sư Đạt, nếu có hành vi như trên xảy ra thì có căn cứ để cho rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật, hủy hoại tài sản hợp pháp của công dân.

Trong toàn bộ quá trình thực hiện hành vi, cán bộ địa chính và giám đốc Xí nghiệp Dứa Suối Hai không đưa ra các tài liệu, sơ đồ, hay bản đồ thể hiện được cụ thể, chính xác vị trí các mốc giới, ranh giới thửa đất cũng như chiều rộng mặt đường chính để tiến hành đo đạc.

Quá trình đo đạc này lại căn cứ vào bức tường đã xây dựng của nhà đối diện bên kia đường để cắm mốc mới lấn vào phần đất gia đình bà Sâm. Ngoài ra, phía Lãnh đạo Nông Trường cũng không có bất kỳ biên bản nào giải quyết vụ việc.

Người dân nông trường dứa Suối Hai kêu cứu vì không được giải quyết thỏa đáng.

Về vấn đề này, luật sư Đạt cho rằng, cách tiến hành đo đạc và xác định ranh giới như vậy của ban giám đốc xí nghiệp là không minh bạch, không khách quan, không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, theo quy định của pháp luật trong khu vực đang có tranh chấp chưa giải quyết xong thì không được thực hiện việc cắm mốc ranh giới.

Luật sư Đạt viện dẫn, việc đo đạc đúng thực tế và bản đồ là nghĩa vụ của bên giao khoán theo điểm b, khoản 1, điều 9, nghị định 135/2005/NĐ-CP:

“Điều 9. Nghĩa vụ và quyền hạn của bên giao khoán:

1. Nghĩa vụ của bên giao khoán:…

b) Xác định đúng diện tích, vị trí ranh giới đất, rừng giao khoán trên bản đồ và thực địa; xác định đúng hiện trạng giá trị cây trồng, vật nuôi, cây rừng, các công trình trên đất, trên mặt nước”.

Tại điểm 1.3 khoản 1 mục III Phần I Thông tư 102/2006/TT-BNN cũng quy định: “1.3. Trích lục bản đồ (đối với nơi đã có bản độ địa chính do cơ quan Tài nguyên và môi trường cung cấp hoặc bản đồ khác được cơ quan Tài nguyên và môi trường cho phép sử dụng) hoặc trích đo địa chính thửa đất (hoặc khu đất) giao khoán, nhận khoán do bên giao khoán thực hiện. Mẫu trích lục bản đồ, trích đo địa chính thửa đất, khu đất theo mẫu số 04a/ĐĐ, 04b/ĐĐ ban hành kèm theo Thông tư này. Những nơi không có bản đồ, thì hai bên thống nhất ranh giới thể hiện bằng các mốc cụ thể để xác định khu đất khoán trên thực địa và vẽ thành sơ đồ lưu trong hồ sơ khoán”.

Theo đó, khi bàn giao đất, gia đình bà Sâm, ban Giám đốc Xí nghiệp cũng như các hộ liền kề đã thống nhất về ranh giới (cọc tre và hàng cây găng). Ranh giới đó cố định từ năm 1990 đến đầu năm 2016, không hề phát sinh tranh chấp nào.

Thứ hai, Điều 265 Bộ luật Dân sự 2005, cũng quy định: “2. Người có quyền sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới trong khuôn viên đất phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất liền kề của người khác.

Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Trụ sở Xí nghiệp Dứa Suối Hai tại xã Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội.

Theo Luật sư Đạt thì nếu trong quá trình sử dụng đất từ những năm 1990 đến nay, hàng cây găng là mốc giới cố định có phát triển vượt quá thời điểm cắm mốc giới ban đầu; thì chỉ phải xén, tỉa phần vượt quá so với ranh giới, còn việc lùi lại mốc giới 1m so với hàng cây găng là không hợp lý và không đúng quy định của pháp luật.

Để ngăn chặn hành vi xây dựng trái phép của bà Thảo trên phần đất của gia đình mình, bà Sâm đã báo cáo lên Ban Giám đốc Xí nghiệp. Tuy nhiên Ban Giám đốc Xí nghiệp Dứa Suối Hai không những không ra thông báo đình chỉ việc xây dựng trái phép của bà Thảo, mà còn tiến hành đo đạc cắm mốc sai quy định, bao che, tạo điều kiện cho bà Thảo tiếp tục hành vi trái pháp luật của mình, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình. Việc làm này hoàn toàn không có căn cứ theo quy định của pháp luật.

Đơn trình bày của bà Phùng Thị Ngân, con gái bà Sâm và Quyết định hưu trí của bà Đỗ Thị Sâm.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Phapluatplus.vn, ông ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội - Xí nghiệp Dứa Suối Hai cho rằng, sau khi xảy ra sự việc, xí nghiệp đã họp và mời tất cả 19 hộ dân có liên quan trong khu vực lên đối thoại và giải quyết.

Theo ông Dũng: "Mọi việc đã được giải quyết rất công minh, về phần diện tích đất tranh chấp của hai gia đình bà Thảo với bà Sâm đã được làm rõ. Tất cả diện tích đo đạc lại hầu như là tương xứng rồi". Tuy nhiên, trao đổi với PV, bà Sâm đã phủ nhận hoàn toàn thông tin trên và khẳng định việc giải quyết chưa được thỏa đáng.

Lý giải về việc bà Sâm không kí vào biên bản vì chưa đồng ý với việc giải quyết của Xí nghiệp, ông Dũng cho biết: “Ký hay không là việc của người ta, nhưng mình thành lập tổ đo đàng hoàng rồi, làm như anh làm rất công minh rồi, không liên quan gì đến sự chỉ đạo gì hết”.

Có nhiều cống hiến cho nông trường, bà Sâm đã được tặng thưởng Huy chương vì sự nghiệp nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Chia sẻ với PV, bà Sâm cho biết, phần diện tích gia đình bị lấn chiếm không đáng kể, nhưng các hộ dân vẫn còn tiếp tục muốn lấn chiếm thêm phần đất gia đình đang sử dụng, không biết tình trạng lấn chiếm bao giờ mới dừng lại nên bà mới yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết.

"Trong quá trình công tác tại Nông trường Suối Hai tôi đã được Bộ NNPT&NT tặng thưởng Huy chương vì sự nghiệp Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Gia đình tôi cũng hoàn cảnh, chồng tôi mất sớm, tôi một mình nuôi ba đứa con ăn học, nay các con đều đi làm ăn xa, chỉ có một mình tôi ở nhà. Cứ mỗi lần xảy ra sự việc, các hộ dân kéo đến ồn ào, gây mất trật tự an ninh khiến tôi không thể tập trung làm gì được.

Tôi chỉ mong được phía Nông trường giải quyết sớm mọi việc thỏa đáng cho gia đình, hàng xóm được yên ổn, tôi yên tâm canh tác, sản xuất. Nhưng đã nhiều lần làm đơn gửi đến Tổng công ty Hadico và UBND thành phố Hà Nội đề nghị giải quyết sự việc, đến nay vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào".

Phapluatplus.vn sẽ tiếp tục thông tin.

Nhóm PV

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/giam-doc-xi-nghiep-dua-suoi-hai-co-bao-che-cho-sai-pham-d34384.html