Giám đốc CA Hà Tĩnh xử lý nồng độ cồn: Mục đích cao nhất của Pháp luật là giáo dục

Đại tá Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho rằng pháp luật phải đi vào cuộc sống, mục đích cao nhất của Pháp luật là giáo dục ý thức tuân theo pháp luật chứ không phải là trừng phạt.

Tối 16/1, ông Nguyễn Văn Sử ở Hà Tĩnh làm nghề thợ xây bị chốt CSGT Công an TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) yêu cầu dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn. Ông Sử thừa nhận đã uống rượu và say tới mức lạc đường đến 3 lần. Đại tá Nguyễn Hồng Phong trực tiếp hỏi nguyên nhân và được ông Sử cho biết, ông và tổ thợ xây vừa hoàn thiện ngôi nhà nên gia chủ làm cơm thết đãi. Do quá vui vì hoàn thành công việc nên ông đã uống quá chén đến mức quên cả đường về nhà.

"Mục đích cao nhất của Pháp luật là giáo dục chứ không phải là trừng phạt" - Đại tá Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh.

Đại tá Phong nhắc nhở ông Sử không nên uống rượu khi tham gia giao thông vì sẽ ảnh hưởng đến bản thân, gia đình và nguy hiểm cho người khác. Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng quyết định "đặc cách" không đo nồng độ cồn bác thợ xây và yêu cầu người này gọi điện thoại cho người thân xuống đón về.

Sau đó, clip ghi lại hình ảnh sự việc được đăng tải và lan truyền trên mạng xã hội. Hành động "đặc cách" không đo nồng độ cồn bác thợ xây của Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh được nhiều người đánh giá là nhân văn! Xét ở góc độ tình người thì thật ấm lòng.

Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”. Điều này được quy định rõ tại khoản 1, Điều 16 Hiến pháp năm 2013. Tại Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư; Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt: "Xử lý vi phạm nồng độ cồn, không có vùng cấm, ngoại lệ."

Trong bối cảnh nước ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa lấy pháp luật làm cơ sở nền tảng để điều chỉnh các hành vi cá nhân, các quan hệ xã hội, bảo đảm cho xã hội ổn định và phát triển bền vững. Không có pháp luật thì không thể xây dựng được Nhà nước pháp quyền, không có Nhà nước pháp quyền thì không thể đảm bảo trật tự kỷ cương, ổn định xã hội, bảo vệ quyền con người, làm cho người dân có cuộc sống an toàn, ấm no, hạnh phúc.

Trả lời Báo Tri thức và Cuộc sống về những vấn đề dư luận nêu trên, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, về lý, trường hợp bác thợ xây vi phạm là rất rõ ràng. Tại chốt kiểm tra, bác luôn chấp hành yêu cầu của tổ công tác, thẳng thắn thừa nhận và nhận thức về hành vi sai phạm của mình.

Theo quy định, tổ công tác hoàn toàn có thể xử lý trường hợp bác thợ xây nhưng thực tế cho thấy, thời điểm đó bác thợ xây rất say, việc cứng nhắc xử lý người vi phạm sẽ không đạt được hiệu quả cao về tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Nếu luật pháp mà cứ vận dụng cứng nhắc không đi vào cuộc sống, hình thành ý thức pháp luật của người dân thì không những xã hội không phát triển mà pháp luật vô hình trở thành lực cản, kìm hãm việc tự nhận thức của người dân.

“Nếu có xử phạt, nặng nhẹ gì thì cuối cùng cũng phải đặt yếu tố nhân văn, ý thức của người dân về tính mạng, sức khỏe của mình, của cộng đồng mới là quan trọng. Nếu xử phạt họ trong hoàn cảnh đó, họ có hiểu, có phục, có ý thức không?” - Giám đốc công an Hà Tĩnh bộc bạch.

Đại tá Phong nói tiếp: "Trong tình huống đó, tôi đã xử lý mềm mỏng nhưng không có nghĩa là bỏ qua vi phạm. Tôi đã cho vợ của bác đón về vì khi đó mưa lạnh, bác đã uống rượu, nếu cảm lạnh hoặc đột quỵ thì ân hận cả đời. Chúng tôi đã giữ lại phương tiện để sáng hôm sau mời bác đến làm việc, kiểm điểm, nhắc nhở và có hình thức xử lý phù hợp.

Xét về tình, mặc dù việc xử lý nồng độ cồn là mục tiêu trọng điểm, song pháp luật cũng cần phải có thời gian để người dân thẩm thấu, thấm nhuần và thay đổi hành vi của bản thân. Cần phải nói thêm, đặc điểm văn hóa, tập quán của các vùng miền, đặc biệt là các vùng quê là khác nhau. Vậy nên, trong vấn đề vận dụng xử lý, đặc biệt là đây chỉ là vi phạm hành chính thì cần xét cả những yếu tố đó."

Tại Điều 31 Bộ luật hình sự có quy định: “Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc cùa cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm”. Đại tá Phong cho rằng: "Luật Hình sự còn có những điều khoản khoan hồng, huống hồ đây là hành vi vi phạm hành chính. Chắc chắn bác thợ xây cũng đã nhận được một bài học nhớ đời, để từ đó sẽ tự giác nâng cao ý thức tuân thủ luật pháp và tuyên truyền cho những người xung quanh."

Đức Thuận

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/giam-doc-ca-ha-tinh-xu-ly-nong-do-con-muc-dich-cao-nhat-cua-phap-luat-la-giao-duc-1947020.html