Giám đốc BV Chợ Rẫy: 'Áp lực kinh khủng khi thiếu thiết bị y tế'

Bệnh viện Chợ Rẫy đã sửa chữa số lượng máy CT phải 'đắp chiếu', người bệnh được điều trị tốt hơn và không còn tình trạng ùn ứ, chờ đợi.

"Lúc thiếu thiết bị y tế, áp lực kinh khủng đè nặng lên người quản lý bệnh viện, không chỉ là vấn đề chuyên môn, còn vấn đề xã hội".

"Để thiếu thiết bị là lỗi của giám đốc bệnh viện, người bệnh không có lỗi nên không thể nào để bà con chịu thiệt thòi vì lỗi của mình".

Trong buổi gặp mặt với báo chí sáng 23/3, TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), đã chia sẻ nhiều về những áp lực, khó khăn trong nhiều tháng qua khi vì thiếu thiết bị y tế mà nhiều người bệnh không được phục vụ một cách tốt nhất.

Con đường đầu thầu mua sắm được tháo gỡ "thênh thang"

Nhớ lại giai đoạn khó khăn trong 2 tháng qua, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết từng có thời điểm ông như "ngồi trên đống lửa khi cả viện chỉ còn 2 máy CT hoạt động". Các máy móc còn lại hư hỏng nhưng không sửa chữa được.

"Đã có khoảng 2 tuần, bệnh viện không đặt stent theo chương trình cho bệnh nhân mạch vành. Tất cả stent được ưu tiên cho người bệnh nhồi máu cơ tim hoặc cấp cứu", TS Thức nói.

TS.BS Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Ung bướu, chia sẻ thời điểm bệnh viện thiếu máy xạ trị, cả khoa chỉ còn một máy hoạt động, nhân viên y tế và người bệnh phải thức đêm và chờ đợi đến 2h sáng.

Người bệnh được chụp CT tại khu Cấp cứu. Ảnh: Bích Huệ.

Khoa Xạ trị của Trung tâm Ung bướu có tổng cộng 5 máy xạ. Chiếc máy đầu tiên hoạt động đến nay đã hơn 10 năm. Bốn máy tiếp theo hoạt động từ năm 2017 và 2019. Khi 4 máy đều bị hư hỏng, nằm đắp chiếu do không được bảo trì, một máy “gồng gánh” quá công suất để thay các công việc.

Ngoài ra, theo quy định, mỗi ngày, máy xạ chỉ phục vụ 60-70 bệnh nhân. Nếu dồn tất cả bệnh nhân vào một máy, thậm chí, vì quá công suất, máy có thể hư hỏng, đây là thảm họa.

Đến nay, khi có thể đấu thầu đơn vị sửa chữa, bảo hành, bệnh viện đã có thêm 2 máy xạ hoạt động trở lại. Bệnh nhân vui mừng một, bác sĩ mừng gấp 10.

"May mắn là khó khăn này đã qua. Hiện tại, khoa Xạ trị đã có 3 trên tổng số 5 máy hoạt động trở lại. Đây là tín hiệu rất mừng", bác sĩ Tuấn Anh nói thêm.

Lãnh đạo Trung tâm Ung bướu đã liên hệ với người bệnh để tiếp tục liệu trình điều trị sau khi có thêm máy móc tăng công suất.

Về vấn đề mua sắm hóa chất xét nghiệm, thạc sĩ Tôn Văn Tài, Trưởng đơn vị Đấu thầu, Phó phòng Tài chính kế toán, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho hay bệnh viện đang trong quá trình đấu thầu mua sắm, cần thêm thời gian để dần dần đi vào quỹ đạo.

"Các gói thầu đang chạy tốt nên con đường phía trước của chúng tôi đang thênh thang", ông Tài nói thêm.

Lo ngại giá mua cao hơn giá niêm yết

Bên cạnh vui mừng, thạc sĩ Tôn Văn Tài cũng bày tỏ băn khoăn về việc giá các giá thiết mua sắm. Cụ thể, Nghị quyết 30 cho phép bệnh viện dùng một báo giá để đấu thầu (thay vì 3 báo giá như trước). Tuy nhiên, đắn đo là hầu hết trang thiết bị y tế vẫn chưa được công khai giá.

"Dù hiện nay chỉ cần một báo giá, người làm công tác mua sắm cũng rơi vào lo ngại, không biết giá này có phù hợp, có cao hơn giá niêm yết hay không", ông Tài bày tỏ.

TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Bích Huệ.

Phân tích rõ hơn, TS Thức cho rằng nhà quản lý vẫn rất e ngại, không biết bảng báo giá có sát với giá trị thực hay không. Trong khi đó, nhà quản lý cũng không thể biết được giá niêm yết lẫn giá nhà cung cấp nhập về tại hải quan.

"Do đó mà chúng tôi lo ngại tình huống hậu kiểm, phát hiện bệnh viện mua vật tư y tế với mức giá cao hơn 5,7 lần với giá gốc, thành ra lại vào thế sai phạm”, TS Thức nói.

Chẳng hạn, bệnh viện mua một bóng đèn cho máy CT cấp cứu dựa trên một báo giá và chọn nhà cung cấp, trong khi giá bóng đèn này chưa được niêm yết.

Sau khi việc mua sắm hoàn tất, giá của thiết bị này mới được niêm yết và thấp hơn mức bệnh viện đã mua trước đó. Trong khi đó, quy định là bệnh viện không được mua thiết bị với giá thành cao hơn giá niêm yết.

"Trong tình huống cấp bách phải mua, thật sự khó khăn cho nhà quản lý bệnh viện. Chúng tôi hy vọng cơ quan chức năng có những quyết định mang tính bắt buộc hơn với nhà quản lý thiết bị y tế như công khai thông tin giá cả rõ ràng, như giá thuốc cũng được công khai trên Cổng thông tin của Cục Quản lý Dược. Điều này giúp tránh rủi ro cho nhà quản lý bệnh viện", TS Thức đề xuất.

Cần tạo hành lang pháp lý vững chắc cho bệnh viện trong mua sắm

Lý giải nguyên nhân khiến Bệnh viện Chợ Rẫy, Việt Đức và nhiều bệnh viện tuyến Trung ương khác rơi vào tình thế khó khăn là việc tập trung số lượng lớn bệnh nhân từ tuyến dưới chuyển lên.

“Chợ Rẫy hay Việt Đức chịu nhiều sức ép, vì là bệnh viện tuyến cuối đa số người bệnh đều tập trung về và đa số bệnh nặng”, TS Thức nói thêm.

Theo TS Thức, Nghị quyết 30 đã tháo gỡ nhiều khó khăn của bệnh viện trong điều kiện cấp bách. Tuy nhiên, Nghị quyết thí điểm đến ngày 31/12. Trong khi vấn đề khó khăn trong quản lý, mua sắm trang thiết bị, thiếu thốn vật tư, máy móc và thuốc đã kéo dài hơn 2 năm qua.

Người bệnh cấp cứu xếp hàng chờ chụp CT tại khu Cấp cứu. Ảnh: Bích Huệ.

“Sự tắc nghẽn này mang tính chất chu kỳ, tức bệnh viện gặp khó khăn thì được tháo gỡ, sau đó rơi vào khó khăn, lại được tháo gỡ. Nhưng vấn đề chưa được giải quyết triệt để”, TS Thức nói.

TS Nguyễn Tri Thức đề nghị xem xét sửa Luật đấu thầu, trong đó, nên chia hàng hóa y tế là nhóm hàng hóa đặc biệt, có định nghĩa riêng vì hàng hóa này liên quan sinh mạng con người.

Bên cạnh đó, TS Thức cũng đề xuất xây dựng chương đấu thầu riêng cho y tế, trong đó, quy định rõ ràng về tình huống khẩn cấp trong y khoa để nhà quản lý được phép mua sắm phục vụ việc cứu người.

Trong thời gian chờ đợi sửa Luật đấu thầu, TS Thức đề xuất Quốc hội ra nghị quyết tạm thời để giải quyết các vấn đề cấp bách.

"Nghị quyết của Quốc hội sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc cho các bệnh viện, tránh tiêu cực trong mua sắm", Giám đốc Bệnh viện Chợ rẫy nói.

Thứ hai, ông cho rằng nên có quy định rõ ràng các gói bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị. Trong khi đó, một hệ thống máy cao cấp gần như chỉ một nhà cung ứng độc quyền. Về mặt sửa chữa, chỉ kỹ sư của hãng đó mới làm được. Do đó, nhà quản lý lại khó khăn khi mua gói bảo trì bảo dưỡng, thậm chí dễ bị quy vào chỉ định thầu dù thực tế là không tìm được hãng khác thay thế.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giam-doc-bv-cho-ray-ap-luc-kinh-khung-khi-thieu-thiet-bi-y-te-post1414624.html