Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Khoa học công nghệ: Khẳng định uy tín theo thời gian

Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước vừa công bố danh sách 16 công trình, cụm công trình được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (HCM), Giải thưởng Nhà nước (NN) về KH&CN – Giải thưởng vinh danh cao quý nhất. Có nhiều điểm mới trong việc xét tặng giải lần này nhằm chọn ra những công trình, cụm công trình tiêu biểu xứng đáng, có đóng góp to lớn vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Vũ Minh Giang- Ủy viên Hội đồng cấp nhà nước xét tặng Giải thưởng- xung quanh những điểm mới trong đợt xét tặng Giải thưởng lần này.

Mức thưởng cao nhất từ trước tới nay

+ Thưa Giáo sư, là một trong những Ủy viên Hội đồng cấp nhà nước xét tặng Giải thưởng HCM, Giải thưởng NN, GS có thể cho biết những điểm mới trong việc xét tặng Giải thưởng lần này?

– GS.TSKH Vũ Minh Giang: Điểm mới đầu tiên là cập nhật những văn bản pháp luật mới được ban hành, trong đó có Luật KH&CN. Theo đó, nhiều công trình của các đơn vị, doanh nghiệp ngoài công lập được đề xuất xét tặng Giải thưởng tạo nên sự đa dạng của các đối tượng tham gia xét tặng.

Việc xét tặng Giải thưởng đợt này cũng chặt chẽ hơn. Khác với trước đây, người tham gia có thể đăng ký Giải thưởng HCM, nếu không đạt thì xuống Giải thưởng NN, nhưng nay theo Nghị định 78, người đăng ký chỉ được lựa chọn một lần cho công trình tham gia xét thưởng của mình.

GS.TSKH Vũ Minh Giang.

Thứ hai, mỗi tác giả chỉ được đăng ký một công trình cho một lần, tức là nếu như đã đăng ký ở nơi khác thì không được tham gia Giải thưởng nữa.

Thứ ba, cũng theo Nghị định 78, người Việt Nam ở nước ngoài, hoặc là người nước ngoài ở Việt Nam nếu như tham gia, đóng góp công trình khoa học có giá trị cho Việt Nam thì đều được đăng ký tham gia xét thưởng.

Thứ tư, việc bình xét Giải thưởng năm nay, Ban tổ chức đã giản lược tối đa các thủ tục từ các tác giả đăng ký. Trước đây, khi tham gia, các tác giả đăng ký phải chuẩn bị gần 20 hồ sơ thì lần này chỉ nộp duy nhất một bộ, còn lại mọi thông tin liên quan được tập hợp vào một đĩa CD nhằm giảm thiểu những thủ tục cho người đăng ký tham gia.

Đặc biệt, điểm mới được nhiều người quan tâm có lẽ là quy định về mức thưởng. Đối với Giải thưởng HCM, mức thưởng gấp 270 lần lương tối thiểu, Giải thưởng NN gấp 170 lần lương tối thiểu được tính ở thời điểm nhận giải, giá trị có thể trên 300 triệu đồng. Có thể xem đây là mức thưởng lớn nhất từ trước tới nay.

+ Lĩnh vực Khoa học xã hội (KHXH) có đóng góp không nhỏ trong công cuộc phát triển và hội nhập của đất nước. Việc bình xét đối với những công trình, cụm công trình thuộc lĩnh vực KHXH được tiến hành như thế nào, thưa Giáo sư?

– GS.TSKH Vũ Minh Giang: KHXH có vị trí đặc biệt trong đời sống xã hội. Tác động của KHXH không phải chỉ là những giải pháp cụ thể nào mà nó có sức lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội. Trong quá trình xét tặng Giải thưởng, các thành viên của Hội đồng nhà nước rất coi trọng các công trình KHXH. Tuy nhiên, Giải thưởng lần này không có nhiều các công trình nghiên cứu KHXH. Tôi cho rằng nguyên nhân xuất phát từ sự phân hóa chưa rõ ràng ở các công trình KHXH, nên chỉ những công trình có yếu tố nổi trội nhất mới đạt giải và ngược lại các công trình chưa có sự phân hóa cao (có số lượng khá nhiều) thì không được Hội đồng đề xuất xét tặng.

Tạo hiệu ứng lớn

+ Nhiều công trình tham gia xét tặng Giải thưởng có đóng góp rất lớn cho xã hội, tuy nhiên, chỉ có 16 công trình, cụm công trình được xét tặng lần này. Theo Giáo sư, con số này có quá ít?

– GS.TSKH Vũ Minh Giang: Từ 61 công trình tham gia chỉ còn 16 công trình được đề xuất xét tặng Giải thưởng, chiếm 21%. Con số này không phải quá thấp mà là bình thường khi so sánh với các cách chọn giải thưởng cao trên thế giới.

Thực tế, sau khi công bố số lượng các công trình được đề xuất xét tặng Giải thưởng, các thành viên Hội đồng có đôi chút bất ngờ, nhưng bình tĩnh suy ngẫm lại thì sự lựa chọn của các Ủy viên Hội đồng là có căn cứ, cơ sở. Mọi sự bình chọn đều trên tinh thần chung được quán triệt là bám sát chặt chẽ các văn bản, quy định của Nhà nước. Do các công trình được xét tặng mức cao nhất về KH&CN ở cấp quốc gia (5 năm một lần), vì vậy phải tính đến chuyện sau khi được công bố, các công trình này nhận được sự “tâm phục, khẩu phục” của không chỉ giới khoa học trong nước mà còn quốc tế.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Hội đồng luôn mong muốn làm sao uy tín của Giải thưởng ngày càng được nâng tầm. Những công trình được lựa chọn lần này xứng đáng nhận sự tôn vinh và chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tốt trên trường quốc tế.

+ Giáo sư có nói tới sự lựa chọn theo định hướng mở trong đợt xét tặng Giải thưởng lần này, đó là ký phiếu xác nhận của mỗi thành viên Hội đồng đối với mỗi công trình. Phương pháp này có tác động như thế nào, thưa Giáo sư?

– GS.TSKH Vũ Minh Giang: Ban đầu khi đưa ra yêu cầu trên cũng ít nhiều gây khó xử cho người tham gia Hội đồng, bởi để ai có hoặc không đồng tình thì ủy viên Hội đồng phải ký vào từng trang. Thực chất là bỏ phiếu công khai thay vì bỏ phiếu kín. Điều này cũng tạo nên sự lo lắng nhất định cho từng thành viên Hội đồng bởi các thành viên Hội đồng sẽ phải chịu trách nhiệm về những lá phiếu họ bỏ và điều đó càng khẳng định kết quả được công bố xét tặng Giải thưởng lần này hoàn toàn khách quan.

Khác với bỏ phiếu kín, họ chỉ chịu trách nhiệm một phần nào đó. Nhưng với việc xét tặng Giải thưởng lần này, chúng ta có thể xem lại tất cả các lá phiếu và mỗi người đều chuẩn bị tinh thần lý giải tại sao mình chọn công trình này mà không chọn công trình khác.

+ Thưa GS, qua các công trình được xét tặng Giải thưởng, thế giới có thể nhìn vào đấy để hiểu được trình độ khoa học nước ta trong 5 năm qua?

– GS.TSKH Vũ Minh Giang: Với những công trình đã được Hội đồng NN đề nghị xét tặng Giải thưởng, tôi tin đều là những công trình xứng đáng là diện mạo của khoa học Việt Nam trong thời gian qua.

Tiêu biểu như cụm công trình “các bất biến và cấu trúc của vành địa phương và vành phân bậc” thuộc lĩnh vực toán học do nhóm nghiên cứu của Giáo sư Ngô Việt Trung là một ví dụ điển hình (Giáo sư Ngô Bảo Châu tham gia với tư cách ủy viên Hội đồng). Những kết quả của cụm công trình này đã được công bố trong hơn 200 bài báo trên các tạp chí quốc tế có uy tín.

Ngoài ra, công trình “Ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh lý mạch não bằng điện quang can thiệp nội mạnh” thuộc lĩnh vực y học do Giáo sư Phạm Minh Thông chủ trì; hay cụm “Công trình nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác” do Giáo sư Mai Trọng Khoa chủ trì đều đã đạt tới những công nghệ tân tiến nhất của thế giới hiện nay.

Bên cạnh đó, công trình “Lịch sử văn hóa Việt Nam – Tiếp cận bộ phận” của Giáo sư Phan Huy Lê trong lĩnh vực KHXH&NV đã từng được giới khoa học quốc tế đánh giá cao. Qua đó, có thể khẳng định những công trình được xét chọn xứng đáng là diện mạo của khoa học nước nhà trên trường quốc tế. Tôi cho rằng, hiệu ứng xã hội của các công trình đó rất tốt và sẽ có tác động rất lớn đối với hoạt động KH&CN nước nhà.

+ Xin trân trọng cám ơn Giáo sư!

Ngũ Hiệp

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/khang-dinh-uy-tin-theo-thoi-gian/