Giai thoại về nét hào hoa phong lưu của Nguyễn Công Trứ

Doãn Kế Thiện nhận xét nếu là kẻ tục tử phàm phu đã thành chuyện bẩn nhơ, nhưng với người tài tình, hào hoa như Nguyễn Công Trứ, lại thành một giai thoại phong lưu.

Khi ông làm tổng đốc Hải Dương, nghe nói có một câu chuyện rất thú, tới nay sĩ phu vẫn cho là giai thoại phong lưu. Nhân lễ sinh nhật, ông làm tiệc ăn mừng, cho gọi ả đào vào hát. Đêm khuya, tiệc rượu càng vui, ông bảo cô đào hát hãm một câu mừng ông, phải là câu hát mới tự ý đặt ra, nếu hay sẽ có trọng thưởng.

Đam mê ca trù và có nhiều sáng tác, Nguyễn Công Trứ được đánh giá là người có công đầu trong việc đưa hát nói vào văn học. Sân đền thờ Nguyễn Công Trứ là nơi sinh hoạt thường xuyên của CLB Ca trù Nguyễn Công Trứ - Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Ảnh: Báo Hà Tĩnh.

Bảo rồi, ông cùng tân khách lắng tai đợi nghe. Nhưng cô đào cứ nấn ná, rụt rè mãi không hát được. Nóng lòng, ông thúc giục luôn mấy câu, bấy giờ cô đào mới đằng hắng, rồi cất tiếng hát:

Một gánh giữa đồng,

Giang sơn một gánh giữa đồng,

Thuyền quyên “ứ hự”, anh hùng nhớ chăng?

Giọng hát rất hay, nhưng trong câu hát có những chữ như ngụ ý bí mật gì. Các khách dự tiệc đều chăm chú nhìn vào cô đào, có vẻ nghi hoặc. Riêng ông, đang tươi cười cũng ngây mặt ra ý nghĩ ngợi. Giây lát, bỗng nhớ ra câu chuyện cũ, ông cười hà hà, rồi vừa nhìn cô đào, vừa bảo:

- “Ứ hự” à? Chuyện năm xưa ấy, lão nhớ ra rồi! Thử lại gần đây, xem có phải là người “ứ hự” không nào.

Cô đào ra vẻ hổ thẹn, cứ đứng im cúi gằm mặt xuống. Ông vừa cười, vừa gọi lại:

- Lại đây xem mặt cho tường, đã hỏi người ta có nhớ không mà lại làm cao không ra mặt à? Lại đây! Mau lên nào!

Bị thúc giục, cô đào rón rén đi lại, đứng gần trước mặt ông. Nhìn kỹ và gạn hỏi mấy lời, bấy giờ ông mới nhận ra là người cũ, cùng ông từng có chút ái ân.

Tranh của họa sĩ Bùi Trọng Dư.

Nguyên cô đào ấy vốn là một danh ca từng nổi tiếng hoa khôi trong xóm bình khang, làm cho biết bao vương tôn công tử lăn lóc mê tơi, ngàn vàng mua một trận cười cũng không tiếc. Ông Trứ lúc chưa làm nên, nhà dù nghèo túng, nhưng tính thích hát xướng, nghe tiếng nàng, muốn được thưởng thức thanh sắc, nhưng trong túi không lúc nào có món tiền đủ chi một chầu nhỏ. Ông liền nghĩ ra một diệu kế, nhân có tài hoa, rất thạo các ngón đàn, nhất là thứ đàn đáy, gảy càng hay lắm, có phần tinh thạo hơn một người kép lành nghề, ông liền đi đến nhà ả, xin vào làm kép đàn. Được như ý muốn, từ đó ả đi hát đám nào, ông lại vác đàn cùng đi với một thằng bé quảy gánh hành trang theo sau.

[...]

Bây giờ ả thấy ông đã làm nên quan lớn, chắc hẳn quên mình, nhân dịp lại được gặp ông và bảo hát hãm, liền đem đoạn tình sử bí mật xưa kia đặt nên câu hát, nhắc lại xem ông còn nhớ không. Quả nhiên, người đa tình như ông, đối với người cũ không bao giờ trở mặt vô tình. Khi ông đã nhận ra rồi, và biết cô ả dù đã đứng tuổi, duyên phận vẫn còn lỡ làng, chưa xe tơ kết tóc cùng ai, ông liền lấy luôn làm thứ thiếp.

Câu chuyện kể trên, nếu quả là một sự thực của ông Trứ, ta cũng cho là một việc cuồng phong, dù là ở trong khi bất đắc chí, chẳng cần gìn giữ mà chơi ngông. Nhưng phải là người tài tình, hào hoa như ông, sự cuồng phong ấy còn có thể gọi là giai thoại phong lưu, nếu lại là kẻ tục tử phàm phu, đời chỉ cho là một chuyện bẩn nhơ không đáng kể.

Doãn Kế Thiện/Nhã Nam/NXB Hồng Đức

Nguồn Znews: https://znews.vn/giai-thoai-ve-net-hao-hoa-phong-luu-cua-nguyen-cong-tru-post1453544.html