Giai thoại buồn về vua Khải Định

(ĐVO) Theo một số tài liệu, thời niên thiếu, vua Khải Định là người ham chơi, mê cờ bạc, có khi phải bán cả những đồ dùng nhà cửa, kẻ hầu người hạ.

Vua Khải Định sinh ngày 8/10/1885, là vị vua đời thứ 12 của triều đại nhà Nguyễn. Ông tên Nguyễn Phúc Tuấn (còn gọi là Nguyễn Phúc Bửu Đảo), con trưởng của vua Đồng Khánh và bà Dương Thị Thục. Nǎm 1906, ông được phong tước Công nên người đương thời gọi ông là Phụng Hóa Công. Ngày 18/5/1916, ông lên ngôi, lấy niên hiệu là Khải Định và lúc ấy vừa đúng 32 tuổi, trị vì đến năm 1925. Quá mê cờ bạc... bị vợ bỏ Vua Khải Định có tất cả 12 bà vợ. Trong đó, người được nhắc đến nhiều nhất là Đệ nhất Giai phi họ Trương, Ân phi Hồ Thị Chỉ và Huệ phi Hoàng Thị Cúc (tức bà Từ Cung). Theo sách Chuyện các bà trong cung Nguyễn của Nguyễn Đắc Xuân, Đệ nhất Gia phi họ Trương là ái nữ quan đại thần Trương Như Cương, được cưới làm phủ thiếp khi vua Khải Định còn là Phụng Hóa Công ở Tiềm đế (sau xây thành cung An Định). Lúc đó, ”ngài” Phụng Hóa Công còn hàm vĩ nhưng lại ham chơi cờ bạc thâu đêm suốt sáng. Cứ mỗi lần thua bạc là một lần bắt bà vợ họ Trương về xin tiền cha mẹ để “ngài” gỡ… Vì thương con gái, ông bà Trương Như phải bấm bụng chiều theo, thỏa mãn mọi yêu sách của chàng rể vương tôn. Thấy thế, Phụng Hóa Công đinh ninh của cải nhà nhạc gia là vô tận nên càng cờ bạc ăn chơi đã đời…Thế nên, nhiều lần, bà phủ thiếp Phụng Hóa Công đã bị cha mẹ quở trách nặng nề… Một hôm, vào khoảng năm 1915, Phụng Hóa Công nảy ý định mở một chén bạc lớn để thử thời vận. Khi thấy Công hô lớn, nhưng trên chiếu đã sạch tiền, các con bạc chận tay Công lại, đòi phải trưng đủ tiền chung mới được mở chén. Thâm tâm Công đã muốn mở liều, không ngờ bị lật tẩy… Một phần vì muốn ăn to, phần vì sợ mất mặt, Phụng Hóa Công liền bảo vợ về nhà xin tiền… Bà phủ thiếp họ Trương đau đớn vì thấy đức ông chồng đã bất lực, mà chẳng còn biết liêm sỉ, bà dùng dằng không muốn đi… Phụng Hóa Công nổi nóng la lối om sòm, dọa sẽ có thái độ với bà. Cuối cùng, bà đã đi và đó cũng là lần cuối cùng bà về nhà xin tiền cha mẹ cho chồng cờ bạc… Ngán ngẩm sự đời, bà họ Trương quyết định dứt áo ra đi, giã từ cuộc đời làm phù thiếp. Bà lập một cảnh chùa tại độn Sầm, làng Thanh Thủy, huyện Hương Thủy (cách kinh thành Huế chừng 3km về phía Nam) để tu thiền, lấy pháp hiệu là Đạm Thanh, biệt hiệu là Tuyết Nhan. "Phục sức lố lăng" Trong Thất điều trần, Phan Chu Trinh đã trách vua Khải Định 7 tội, trong đó có tội "phục sức lố lăng". Về điều này, sử sách chép rằng, việc tiếp xúc với Tây phương, trực tiếp là người Pháp, đã ảnh hưởng lớn đến cảm quan của vua Khải Định. Trong cách ăn mặc của vua, ảnh hưởng này thấy rất rõ. Chỉ có bộ phẩm phục đại triều là thuộc về lễ nghi truyền thống, có tính cách thiêng liêng, nên vua không dám đụng tới, còn tất cả thứ khác thì vua chế tác thoải mái. Vua đã tạo mẫu, vẽ kiểu, thiết kế làm ra những bộ trang phục riêng cho mình dùng trong lúc thiết triều, đi vi hành, du lịch, thường phục hằng ngày và cho cả các quan lại. Vua chuộng và coi trọng việc trang điểm, phối hợp màu sắc điểm xuyết bằng cách đính các viên ngọc quý, vàng bạc, kim cương … trên áo quần, giày, ủng, mũ nón, bao kiếm…Vua chế ra một số y phục long bào vượt qua các mẫu mã qui định truyền thống của các vua chúa thời trước. Chỉ cần nhìn xem một số hình ảnh và tượng đồng của hoàng đế Khải Định là chúng ta có thể thấy sự khác biệt đó rất rõ ràng nhất là áo bào, cổ áo, gù vai, chóp mũ, quai nón, huân chương, kiếm, giày ống… Điển hình là bộ võ phục, chiếc áo dài được may chẽn, nhưng là áo vua nên phải thuộc loại gấm vóc, thêu rồng vẽ phượng khác hơn người thường, rồi cho gắn thêm hai cái ngù vai (épaulette, còn gọi là khiên chương), là thứ thường thấy trên lễ phục của sĩ quan Pháp. Ngoài ra, thay vì mang hia, vua đi ủng da láng bóng, có trang trí hoa văn bằng bạc, ngang lưng mang đai cẩn ngọc, mang kiếm Pháp, đeo bao tay trắng, quần tây trắng, nhưng đầu vẫn bịt khăn đóng và có khi đội nón chóp. Cái nón này lợp bằng lông vũ, bọc lụa vàng, có chóp bằng vàng. Vua cũng có một cái nón chóp khác màu đen. Không dừng ở đó, vua còn cải cách cả cách ăn mặc của các cận thần. Chẳng hạn, với thị vệ, thay vì mang hia, vua cho mang giày ống. Đồng phục của kỵ binh cũng được đổi mới, bỏ mặc áo trấn thủ, chân đất quấn xà cạp, mà được mặc áo nỉ đỏ, mặc quần trắng, đi giày, đội nón kiểu Tây. Có thể nói, chính lối phục sức nửa Tây nửa ta này cùng với hai bàn tay mang tám chiếc nhẫn mặt ngọc, đã làm cho nhiều người đương thời dè bỉu, bài bác vua Khải Định.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/Home/congdongviet/Giai-thoai-buon-ve-vua-Khai-Dinh/20119/166092.datviet