Giải thích thuật ngữ phát triển bền vững là gì và các tiêu chí hướng tới

Sự phát triển vượt bậc của cuộc cách mạng công nghiệp đã khiến Trái đất rơi vào tình trạng báo động đỏ. Đây cũng là lúc con người phải hướng tới sự phát triển bền vững lấy môi trường và Trái đất là gốc.

Trong xu thế phát triển của toàn cầu, sự phát triển bền vững đang là mối quan tâm của nhân loại. Nó là thuật ngữ phổ biến được nhắc đến xuyên suốt trong các chiến lược phát triển của các quốc gia. Tuy nhiên, có lẽ nhiều người vẫn còn cảm thấy mơ hồ về cụm từ này. Chúng ta cần phải hiểu được ý nghĩa thực sự và tầm quan trọng của phát triển bền vững trong xã hội ngày nay.

Phát triển bền vững là gì?

Trong tiếng anh phát triển bền vững là Sustainable Development. Hiểu đơn giản hơn đó là sự phát triển theo chiều hướng tích cực đem lại lợi ích cho nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Phát triển bền vững được coi là mô hình chuyển đổi có thể tối ưu các lợi ích kinh tế và xã hội trong hiện tại nhưng không gây hại tới tiền năng của những lợi ích kinh tế và xã hội trong tương lai.

Phát triển bền vững là sự phát triển hướng tới tương lai và thế hệ mai sau.

Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu ở hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai. Đây là định nghĩa được trích trong bản báo cáo "Tương lai chung của chúng ta" năm 1987 (Our Common Future hay còn gọi là Brundtland Report) của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới (The World Commission on Environment and Development - WCED).

Thuật ngữ phát triển bền vững ra đời vào những năm 1980 khi Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (International Union for Conservation of Nature and Natural Resources - IUCN) kêu gọi toàn cầu phát triển bền vững bằng cách bảo vệ các tài nguyên sinh vật. Vào thời điểm này, ý nghĩa của phát triển bền vững vẫn chỉ gói gọn trong phạm vi hẹp là hướng tới bảo vệ tài nguyên sinh vật.

Tới năm 2002, định nghĩa hoàn chỉnh của phát triển bền vững đã được bổ sung tại Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững được tổ chức tại thành phố Johannesburg, Cộng hòa Nam Phi. Hiểu theo góc nhìn xa rộng hơn, phát triển bền vững chính là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

Tại sao thế giới phải phát triển bền vững?

Nhân loại đã và đang phải gánh chịu thiệt hại do chính con người gây ra trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội mà không lường trước tới hậu quả tương lai. Đó chính là những cuộc khủng hoảng tài chính quy mô lớn do hoạt động vô trách nhiệm của ngân hàng gây ra hay sự thay đổi khí hậu toàn cầu do con người sử dụng các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than, dầu, khí đốt... Chúng ta gọi đó là sự phát triển không bền vững.

Sự phát triển không bền vững đã gây ra một loạt những vấn đề nghiêm trọng như sự nóng lên của Trái đất, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, bất bình đẳng nền kinh tế và xã hội, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên. Tất cả những hệ lụy này đều ảnh hưởng tới thế hệ tương lai sau này. Vì thế mục tiêu phát triển bền vững ra đời. Nó là mô hình đem tới lợi ích cho hiện tại mà không làm ảnh hưởng tới lợi ích của tương lai.

Mục đích của phát triển bền vững cuối cùng vẫn là hướng tới Trái đất và môi trường sống của nhân loại.

Các tiêu chí của phát triển bền vững

Như đã nói ở phần định nghĩa của phát triển bền vững là quá trình phát triển đòi hỏi sự kết hợp giữa kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Vì vậy, đây cũng là 3 tiêu chí cần đảm bảo của mô hình phát triển bền vững.

Các tiêu chí của phát triển bền vững chỉ được gói gọn trong 3 hạng mục chính.

Bền vững về kinh tế:
Phát triển bền vững về kinh tế đòi hỏi phải đảm bảo đủ các yếu tố như nhanh, an toàn và chất lượng. Một nền kinh tế phát triển bền vững là nền kinh tế đem tới sự thịnh vượng chung cho toàn xã hội và phải trong giới hạn cho phép của hệ sinh thái và quyền cơ bản của con người.

Ngày nay phát triển bền vững về kinh tế được tóm tắt gọn trong 5 hạng mục. Thứ nhất là thay đổi lối sống và áp dụng công nghệ mới tiết kiệm để giảm dần mức tiêu phí năng lượng và tài nguyên. Thứ hai là thay đổi thói quen không gây hại đến môi trường và đa dạng sinh học. Thứ ba là cân bằng việc sử dụng nguồn tài nguyên, mức sống, dịch vụ y tế và giáo dục. Thứ tư là xóa đói, giảm nghèo tuyệt đối. Thứ năm là áp dụng công nghệ sạch và sinh thái hóa công nghiệp như tái chế, tái sử dụng, giảm phát thải, tái tạo năng lượng.

Bền vững về xã hội
Phát triển bền vững xã hội là đảm bảo cho đời sống xã hội trên toàn cầu luôn cân bằng, từ bình đẳng giai cấp xã hội, bình đẳng giới cho tới bình đẳng về khoảng cách giàu nghèo, bình đẳng giữa đời sống của các vùng miền. Mục tiêu hướng tới của phát triển bền vững xã hội sẽ là phúc lợi của người dân, người yếu thế và thế hệ tương lai.

Để phát triển bền vững xã hội, chúng ta cần bám sát 6 mục tiêu chính. Thứ nhất là phát triển nông thôn, giảm sức ép đô thị. Thứ hai là giảm thiểu tác động xấu của môi trường tới đô thị hóa. Thứ ba là xóa mù chữ, nâng cao học vấn. Thứ tư là bảo vệ đa dạng văn hóa. Thứ năm là bình đẳng giới, quan tâm tới nhu cầu và lợi ích của từng giới. Thứ sáu là thu thập ý kiến người dân để đưa ra quyết định.

Bền vững về môi trường
Quá trình phát triển về kinh tế, xã hội... đều tác động và gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường. Vì thế, phát triển bền vững môi trường là phải cân bằng được việc bảo vệ môi trường với khai thác tài nguyên ở giới hạn cho phép.

Trong hạng mục phát triển bền vững về môi trường, cần chú ý những điều sau. Thứ nhất là sử dụng tài nguyên hiệu quả, đặc biệt là tài nguyên không tái tạo. Thứ hai là không được vượt quá mức chịu tải của hệ sinh thái. Thứ ba là bảo vệ đa dạng sinh học và tầng ozon. Thứ tư là kiểm soát và giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Thứ năm là bảo vệ hệ sinh thái nhạy cảm. Thứ sáu là giảm thiểu xả thải, khắc phục ô nhiễm.

Nguồn: Tổng hợp

Gia Tuệ

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/giai-thich-thuat-ngu-phat-trien-ben-vung-la-gi-va-cac-tieu-chi-huong-toi-86790.html