Giải phóng mặt bằng Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh - Bài 2: Mô hình kiểu mẫu

Vành đai 3 là dự án rất lớn với diện tích chiếm dụng 410 ha để thực hiện dự án trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.

Thành phố quyết tâm đền bù, giải phóng toàn bộ mặt bằng ngay trong năm 2023, với số vốn giải ngân cao chưa từng có trong lịch sử. Đây cũng sẽ là mô hình “kiểu mẫu” để thành phố triển khai các dự án trong tương lai.

* Linh hoạt trong triển khai

Nhận thức được tầm quan trọng của thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Tp. Hồ Chí Minh đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án bồi thường, hỗ trỗ, tái định cư nhằm đảm bảo bàn giao ít nhất 70% diện tích mặt bằng vào tháng 6/2023 và mục tiêu cao hơn nữa từ 80 – 90% mặt bằng để khởi công.

Công tác chi trả tiền bối thường giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 3 được thực hiện từ đầu tháng 5/2023. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN

Theo ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp. Hồ Chí Minh, sau khi khảo sát cho thấy, diện tích đất nông nghiệp thuộc phạm vi dự án chiếm hơn 90%, nếu làm theo cách thông thường (bồi thường đất nông nghiệp và đất ở cùng một lúc) thì sẽ chậm bàn giao 100% mặt bằng để triển khai dự án.

Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động nghiên cứu quy định pháp luật, xin ý kiến và nhận được sự thống nhất cao của Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về thực hiện việc thu hồi đất nông nghiệp trước và vận động người dân có đất ở chấp thuận cho thu hồi đất, nhận tiền bồi thường và nhận nền tái định cư mà không chờ hết thời hạn 180 ngày như quy định.

Qua đó, UBND Thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn UBND thành phố Thủ Đức, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh cách thức thực hiện. Theo đó, dự án sẽ triển khai thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 áp dụng cho tất cả các trường hợp có đất nông nghiệp bị ảnh hưởng và các trường hợp đất ở, vừa có đất ở vừa có đất nông nghiệp đồng thuận cho thu hồi đất trước hạn theo Điều 67 Luật Đất đai 2013. Sau khi UBND Thành phố phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất, UBND thành phố Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh ban hành Quyết định thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm theo quy định.

Trên cơ sở đó, các địa phương chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong vòng 30 ngày; cùng với chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ đồng thời tiếp nhận bàn giao mặt bằng đối với tất cả các trường hợp có đất nông nghiệp bị ảnh hưởng dự án và các trường hợp đất ở, vừa có đất ở vừa có đất nông nghiệp đồng thuận cho thu hồi đất trước hạn.

Theo ông Võ Trung Trực, dự kiến thu hồi đất của giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trước ngày 15/6 để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư khởi công các gói thầu. Kết quả giai đoạn 1 ước đạt khoảng 70%, tuy nhiên thành phố nỗ lực, phấn đấu đạt 90% diện tích toàn dự án.

Giai đoạn 2 sẽ áp dụng cho các trường hợp còn lại (các trường hợp đất ở, vừa có đất ở vừa có đất nông nghiệp không đồng thuận cho thu hồi đất trước hạn). Dự kiến quyết định phê duyệt về hệ số điều chỉnh giá đất và các chính sách khác sẽ thực hiện trong tháng 7, chi trả trong tháng 8/2023. Thành phố phấn đấu bàn giao 100% diện tích toàn dự án cho chủ đầu tư trước ngày 15/11/2023.

“Đây là cách làm mới so với các dự án khác, có thể tiết kiệm được 90 ngày so với kế hoạch đề ra, đồng thời có thể bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 30/6 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19”, ông Võ Trung Trực chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức Nguyễn Hữu Anh Tứ cho biết, so với các dự án trước đây, dự án Vành đai 3 được địa phương triển khai rất nhanh. Thủ Đức có sự chuẩn bị rất kỹ từ đo đạc kiểm đếm, thẩm định giá đến vận động người dân. Đa phần người dân muốn khi nhà nước thu hồi đất phải bồi thường, hỗ trợ phải thực hiện nhanh chóng để họ nhận được chi phí và tái định cư ổn định cuộc sống.

* Đảm bảo đời sống người dân

Để đảm bảo cuộc sống cho người dân, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp cùng các sở ngành và địa phương chuẩn bị khu tái định cư tại chỗ để bố trí cho các hộ dân bị giải tỏa trắng nhà đất, đủ điều kiện tái định cư, giúp người dân an cư, sớm ổn định cuộc sống. Thành phố yêu cầu các địa phương và chủ đầu tư cần làm tốt xác định giá, các chính sách về bồi thường, hỗ trợ để đảm bảo được quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân có đất bị thu hồi cho các dự án.

Để hỗ trợ người dân, nhân viên ngân hàng trực tiếp xuống mở tài khoản để người dân nhận tiền bồi thường. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN

Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chia sẻ: “Thành phố hướng đến thực hiện dự án Vành đai 3 như một kiểu mẫu, làm sao điều kiện sống của bà con nơi tái định cư thật sự tốt. Có trường hợp có nhà, đất bị giải tỏa trắng nhưng không đủ điều kiện bố trí tái định cư; trường hợp này thành phố đã chuẩn bị đầy đủ quỹ căn hộ chung cư để bố trí tái định cư cho người dân, đảm bảo tất cả người dân phải có chỗ ở ổn định”.

Tại thành phố Thủ Đức, địa phương đã chuẩn bị 239 nền đất tại khu tái định cư Long Bình – Long Thạnh Mỹ (Khu Long Bửu, giai đoạn 2) và 150 căn hộ chung cư C8 Man Thiện để bố trí tái định cư cho các hộ dân trong dự án. Ngoài ra, Thủ Đức còn hỗ trợ người dân các nội dung như: tặng bản vẽ xin phép xây dựng nhà mới và cải tạo nhà cũ, hỗ trợ người dân tháo dỡ và di chuyển đồ đạc đến nơi ở mới, ổn định cuộc sống...

Là một trong những hộ dân bị thu hồi nhà đất, ông Nguyễn Thanh Cần (phường Long Bình, thành phố Thủ Đức) cho biết: "Dự án đi qua ảnh hưởng đến nhà ở, nên có chút xáo trộn nhưng đây là công trình trọng điểm quốc gia nên mình chấp nhận tái định cư. Khu tái định cư cũng gần nên đồng ý và chính quyền địa phương cũng sẽ hỗ trợ thủ tục để người dân chúng tôi xây nhà. Mong muốn bà con sớm có cuộc sống ổn định như xưa và khu nhà cũ của mình sẽ có con đường lớn đẹp".

Trong khi đó, ông Lôi Đại Phong, Trưởng Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh cho biết, địa phương đang nỗ lực giải phóng mặt bằng để đủ điều kiện khởi công. Tổng số tiền đền bù giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Bình Chánh gần 1.500 tỷ đồng cho gần 150 ha đất thu hồi. Đơn giá sát giá thị trường nên bà con sẽ đồng thuận. Huyện đã chuẩn bị nền tái định cư khu dân cư An Hạ với 127 nền cho các hộ đủ điều kiện tái định cư và các căn hộ chung cư sẽ bố trí cho 47 trường hợp không đủ điều kiện tái định cư.

Theo ông Võ Trung Trực, Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh là dự án quan trọng quốc gia, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thực hiện dự án này là “dự án kiểu mẫu”. Sở Tài nguyên và Môi trường đã phát hiện nhiều nội dung bất cập trong các quy định của pháp luật để đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ và được Thường trực UBND Thành phố chấp thuận theo hướng thay đổi cách thức chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện, góp phần vượt tiến độ, kế hoạch đề ra.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã xin ý kiến và nhận được sự thống nhất cao của Tổng cục Quản lý đất đai về áp dụng quy định pháp luật trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án. Đó là phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất tại 2 thời điểm nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện. Hiện Sở vẫn đang khẩn trương phối hợp với 4 địa phương để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhằm đảm bảo đúng tiến độ kế hoạch đã đề ra.

Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự linh hoạt và đồng bộ trong quá trình triển khai, bồi thường giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 3 đang được Tp. Hồ Chí Minh triển khai đúng tiến độ. Sẽ có những khó khăn, vướng mắc phía trước nhưng thành quả đạt được chỉ sau 1 năm dự án được Quốc hội thông qua sẽ là nền tảng để sớm đưa dự án về đích, đáp ứng mong mỏi của người dân và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam./.

Tiến Lực/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giai-phong-mat-bang-vanh-dai-3-tp-ho-chi-minh-bai-2-mo-hinh-kieu-mau/290933.html