Giải phóng Long Thành trong Chiến dịch Hồ Chí Minh

Tại nhà riêng của Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Nuôi, nguyên Phó chánh thanh tra Bộ Quốc phòng ở phố Quần Ngựa, Hà Nội, các cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4-1975 trong đội hình của Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) mà ông làm Trưởng ban liên lạc truyền thống đang tích cực chuẩn bị cho ngày hội ngộ hằng năm.

Đều đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng khi cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm xưa, ai cũng thấy mình như trẻ ra để trở về những ngày sục sôi cùng đơn vị tiến quân thần tốc về giải phóng Sài Gòn cách đây 48 năm.

Các cựu chiến binh Trung đoàn 101 trong ngày gặp mặt truyền thống. Ảnh: QUANG THÁI.

Ngày ấy, Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 2 tiến công trên hướng Đông Nam của thành phố Sài Gòn. Trong đó, Sư đoàn 325 phụ trách hướng thứ yếu của Quân đoàn, đồng thời là hướng vu hồi của chiến dịch. Theo kế hoạch, Sư đoàn sẽ đánh chiếm chi khu quân sự Long Thành, Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ, đồng thời mở đường đưa pháo tầm xa bắn phá và khống chế hoạt động đường không của địch ở sân bay Tân Sơn Nhất. Sau đó, hợp với các hướng mũi của Quân đoàn tiến vào nội đô Sài Gòn.

Khi phương án tác chiến được thông qua, Trung đoàn 18 của Sư đoàn 325 đánh mở cửa hành lang cho Trung đoàn 101 cơ động, cùng với quân và dân huyện Long Thành tiến công giải phóng quận lỵ Long Thành, một vị trí chiến lược của miền Đông Nam Bộ. Tại đây, sau khi thất thủ ở Phan Rang, Xuân Lộc, quân ngụy tập trung xây dựng phòng tuyến để bảo vệ phía Đông Nam Sài Gòn, gồm Hố Nai - Biên Hòa - Long Thành và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong đó, Long Thành án ngữ trục Đường 25, chặn một hướng tiến công của ta vào trung tâm thành phố Sài Gòn - Gia Định. “Trận tiến công giải phóng quận lỵ Long Thành là một trong những trận đánh mở màn của Sư đoàn 325 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tại đây, chiến đấu ngoan cường từ ngày 26 đến ngày 28-4-1975, với lực lượng chủ yếu là Trung đoàn 101, được tăng cường xe tăng, pháo binh và sự ủng hộ và giúp đỡ của lực lượng vũ trang địa phương, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ trên giao”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 325 năm 1975 cho biết.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Nuôi (thứ hai, từ phải sang) tại hội thảo về chiến thắng Long Thành, năm 2017. Ảnh: HOÀNG THÀNH

Theo lời kể của các cựu chiến binh, quá trình chiến đấu đơn vị đã gặp không ít khó khăn, tổn thất và cả hy sinh. Chiều 26-4, sau khi đánh chiếm một số điểm tựa phòng ngự của địch, do trời mù sương rất khó quan sát nên ở cả 2 hướng xe tăng dẫn dắt bộ binh tiến công của ta bị lạc đường. Hai xe tăng tiến vào căn cứ Nước Trong bị địch dùng M72 bắn cháy, 3 xe tăng khác thì hành quân nhanh hơn dự định, đã vượt qua ngã ba Phước Thiền tiến xuống Bà Rịa - Vũng Tàu…

“Ngay khi phát hiện tình huống, qua bộ đàm tôi lệnh cho 3 xe này dừng lại ngụy trang chờ lệnh. Cùng lúc đó, tôi nhận được báo cáo 1 xe thiết giáp cùng bộ binh tiến công địch ở khu tháp nước và trung tâm sở chỉ huy bị chúng bắn cháy. Chiếc xe tăng còn lại đang hành tiến thì do pháo địch bắn phá dữ dội làm tảng bê tông của một tòa nhà đổ úp lên tháp pháo, xe buộc phải lùi về phía sau xử lý. Như vậy hỏa lực của ta đã bị tổn thất và phân tán, bộ binh không thể tiến được”, nguyên Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 101 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nuôi kể.

Tiếp lời đồng đội, cựu chiến binh Trịnh Xuân Tính (hiện sống ở Hà Trung, Thanh Hóa), nguyên là chiến sĩ liên lạc bên cạnh chỉ huy Trung đoàn nên được chứng kiến nhiều tấm gương dũng cảm của đồng đội khi chiến đấu với quân thù. Trong đó đặc biệt sâu sắc đối với ông là tình huống anh dũng chiến đấu của Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Nguyễn Ánh Dương.

Ông kể: “Hình ảnh người tiểu đoàn trưởng thân hình nhỏ bé, đôi mắt sáng, rất quả cảm trong chỉ huy chiến đấu luôn in đậm trong trí nhớ tôi. Chiều hôm ấy, anh trực tiếp chỉ huy mũi đột kích chính diện của Trung đoàn đánh vào ấp Thái Lạc, một vị trí phòng ngự ngoan cố của địch. Trong giây phút cam go nhất, anh đã lao lên phía trước tiêu diệt địch cho đồng đội phía sau phát triển tiếp nhưng không may trúng đạn AR15 và anh dũng hy sinh”…

Thiếu tướng Nguyễn Văn Nuôi trình bày diễn biến trận tiến công giải phóng quận lỵ Long Thành trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Ảnh: HOÀNG THÀNH.

Trước những diễn biến không thuận lợi, kế hoạch giải phóng Long Thành trong ngày 27-4 của Trung đoàn 101 không thực hiện được. Ngay sau đó, đồng thời với việc cử một bộ phận đi trinh sát địa hình, chỉ huy Trung đoàn nhanh chóng hội ý, tổ chức lại đội hình tiến công, gọi 3 xe tăng đang tạm dừng ở hướng Bà Rịa-Vũng Tàu quay trở lại theo trục Đường 15. Yêu cầu 3 xe này 12 giờ trưa 28-4 phải tới được ngã ba Phước Thiền hiệp đồng cùng bộ binh tiến công. Tiểu đoàn 2 dự bị của Trung đoàn bước vào chiến đấu, 1 xe tăng sau khi xử lý xong vật cản trên tháp pháo phối hợp cùng Tiểu đoàn 2 dẫn dắt chi viện trực tiếp cho bộ binh tiến công. Qua điện đàm, Trung đoàn đề nghị Sư đoàn tăng cường hỏa lực pháo binh bắn tập trung áp chế vào sở chỉ huy của tên quận trưởng Long Thành.

Ngoài ra, Sư đoàn 325 cũng điều một bộ phận của Trung đoàn 46 lên tăng cường, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Long Thành trong ngày 28-4. Anh hùng Nguyễn Văn Nuôi kể: “Đúng giờ đã định, ta nổ súng tiến công vào trung tâm quận lỵ Long Thành. Sau 15 phút bắn chuẩn bị, pháo chuyển làn bắn vào các mục tiêu sâu bên trong quận lỵ. Sau chưa đầy 2 tiếng, ta làm chủ hoàn toàn quận lỵ Long Thành. 18 giờ cùng ngày, pháo tầm xa của Quân đoàn 2 cũng thành công chiếm lĩnh trận địa ở Nhơn Trạch rồi đến thành Tuy Hạ. Đến 14 giờ chiều hôm sau, 29-4, Trung đoàn 101 giải quyết xong tổng kho vũ khí lớn của địch ở thành tuy Hạ, thu được nhiều chiến lợi phẩm”.

Trung đoàn 101 tại Quận 9, Sài Gòn năm 1975. Ảnh tư liệu.

Theo ước tính của Thiếu tướng Nguyễn Văn Nuôi, trận tiến công giải phóng quận lỵ Long Thành có khoảng 450 tên địch đã bị loại ra khỏi vòng chiến đấu, 500 tên bị bắt sống, gần 1.000 tàn binh tự giải tán. Chiến thắng này đã làm tan rã bộ chỉ huy liên đoàn 933 bảo an và lữ đoàn thủy quân lục chiến 468. Ta cũng đã phá hủy 2 trận địa pháo, bắn cháy 1 máy bay của địch....

Ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ này, Sư đoàn 325 phát triển xuống căn cứ quân sự Cát Lái. Tại bến cảng Cát Lái, sau khi tiêu diệt lực lượng địch án ngữ hai bên bờ, với sự giúp đỡ của địa phương, Sư đoàn 325 nhanh chóng tổ chức vượt sông Đồng Nai bằng sức mạnh ngay trong đêm 29 rạng sáng 30-4-1975. Trung đoàn 101 tiến vào nội đô Sài Gòn chiếm giữ Quận 9, Quận 4, hợp điểm cùng cánh quân của Sư đoàn 304, Lữ đoàn xe tăng 203 trên hướng chủ yếu của Quân đoàn 2 tại Dinh Độc Lập ngay trong buổi trưa ngày chiến thắng 30-4-1975.

MAI PHƯƠNG - HỒNG NHUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/giai-phong-long-thanh-trong-chien-dich-ho-chi-minh-726535