Giải pháp thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018

Hiện nay, vai trò, trách nhiệm của người giáo viên đã thay đổi theo hướng phải đảm nhận nhiều chức năng hơn.

Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở vùng dân tộc thiểu số. Ảnh minh họa: ITN

Trong đó, chức năng quan trọng nhất chính là người dẫn đường, định hướng và hỗ trợ học sinh lĩnh hội được tri thức, phát triển các phẩm chất, năng lực hình thành nhân cách.

Vì thế, mỗi giáo viên đều không ngừng trau dồi, học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện và tu dưỡng đạo đức, tác phong nhằm đáp ứng Chương trình GDPT 2018.

Phát triển tri thức về bộ môn đảm nhận

Nhiều giáo viên chưa hiểu đúng về năng lực bản thân, có xu hướng bằng lòng với hiện tại và không tiếp tục phấn đấu, học hỏi chuyên môn nhằm đạt được những tiêu chuẩn cao hơn của người giáo viên trong thời kỳ mới. Thậm chí, ngay cả khi nhu cầu học tập hiện tại của học sinh chưa được đáp ứng họ cũng chưa nhận ra hoặc chưa quan tâm.

Vấn đề ở chỗ, giáo viên hiện nay dễ dàng tiếp cận với các nội dung cũng như phương pháp dạy học mới. Nhưng giữa lý thuyết và thực tế, giữa nhận thức và hành động luôn có khoảng cách lớn. Nếu chưa hiểu đúng bản chất vấn đề thì khi vận dụng thực tế dạy học trên lớp, chúng ta thực sự gặp phải khó khăn.

Nhiều giáo viên có thể biết và hiểu lý thuyết nhưng việc vận dụng lý thuyết để giải quyết các vấn đề thực tế lại là một việc khác. Thậm chí, do giáo viên hiểu chưa đúng, nên còn e ngại và thiếu quyết tâm vận dụng cái mới. Bước vào thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhiều giáo viên tin rằng chỉ cần cố gắng dạy học theo đúng, đủ những gì theo sách giáo khoa, sách giáo viên là tốt rồi.

Từ đó có ý thức thực hiện dạy học theo khuôn mẫu một cách thụ động. Khi muốn thay đổi cho phù hợp thực tế thì không biết phải thay đổi như thế nào và làm cách nào để thay đổi.

Việc vận dụng, điều chỉnh nội dung các bài trong sách giáo khoa cho phù hợp với các đối tượng học sinh lại là trở ngại nếu chúng ta chưa hiểu sâu rộng về nội dung bài học. Do đó nhiều giáo viên chưa dám thay đổi, họ vẫn chỉ dạy những gì có sẵn trong sách giáo khoa.

Sau thời gian áp dụng sách giáo khoa mới tôi nhận thấy: Lý thuyết không những không giảm đi mà còn tăng lên, nhiều kiến thức mới và khó đối với học sinh, cùng một nội dung nhưng sách cũ viết khác, sách mới viết khác, nhiều thuật ngữ rất mới, cách viết cũng rất khác, buộc giáo viên phải đọc, nghiên cứu thật nhiều. Đây là việc làm mất khá nhiều thời gian, trong khi giáo viên gần như đã nắm bắt nhuần nhuyễn kiến thức cũ.

- Chẳng hạn về khái niệm chu kì tế bào trong bài chu kì tế bào và quá trình nguyên phân Sinh học lớp 10:

+ Sách cũ: Chu kì tế bào là khoảng thời gian giữa 2 lần phân bào.

+ Sách Cánh diều: Chu kì tế bào là một vòng tuần hoàn các hoạt động sống xảy ra trong một tế bào từ lần phân bào này cho đến lần kế tiếp.

+ Sách Kết nối: Chu kì tế bào: Là khoảng thời gian từ khi tế bào được sinh ra, lớn lên và phân chia thành 2 tế bào con; gồm: kì trung gian và nguyên phân.

+ Sách Chân trời sáng tạo: Chu kì tế bào là hoạt động sống có tính chu kỳ, diễn ra từ lần phân bào này đến lần phân bào tiếp theo, kết quả từ một tế bào ban đầu hình thành hai tế bào con.

Như vậy sách mới phát biểu mỗi sách mỗi khác trong khi đó không có 1 khái niệm chung trong Chương trình GDPT 2018 (Chương trình mới chỉ có yêu cầu cần đạt và những định hướng chung).

- Hay về thuật ngữ. Trong sách Chương trình 2006 các thuật ngữ người ta đã việt hóa để thuận lợi cho giáo viên và học sinh. Nhưng Chương trình mới đã tiếng anh hóa tất cả các thuật ngữ, điều này đã gây nên không ít khó khăn cho giáo viên chúng ta. Mất nhiều thời gian để tập đọc và tập viết.

Hiện nay ai cũng biết là dạy theo hướng tiếp cận năng lực. Vậy hiểu thế nào cho đúng về dạy học tiếp cận năng lực?

Giải pháp là gì?

Lâu nay chúng ta hay quan niệm hãy yêu lấy học trò mà tăng cường tự học, tự nghiên cứu, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Nhưng theo tôi bản thân mỗi giáo viên phải lấy tự trọng làm gốc, yêu lấy bản thân mình mà cố gắng, tự tạo động lực cho bản thân để làm thật tốt trách nhiệm của mình.

Chúng ta phải nâng mình lên hơn sách giáo khoa, không nói lại những gì giống như trong sách mà phải nhiều hơn thế nữa. Tuyệt đối không được biến mình trở thành “nô lệ” của sách giáo khoa. Hãy để sách giáo khoa thực hiện đúng chức phận của nó đó là phương tiện trong dạy và học.

Thầy cô có thể tự học qua các buổi “chia sẻ chuyên môn” trong sinh hoạt chuyên môn, có cơ hội được học hỏi lẫn nhau từ nội dung, thiết kế giáo án, cách thức tiến hành.

Đó là con đường học tập thiết thực, hiệu quả và phù hợp hiện nay. Nhà trường nên tham mưu cho Sở GD&ĐT tăng cường các đợt tập huấn chuyên sâu chương trình mới hoặc mời chuyên gia nói chuyện về việc hướng dẫn thực hiện, cách tiếp cận trong chương trình mới.

Phát triển năng lực tổ chức các hoạt động dạy học

Nếu tri thức về bộ môn là nền tảng thì phát triển năng lực tổ chức các hoạt động lại là giải pháp then chốt. Thực tế đôi khi trong quá trình tổ chức các hoạt động học tập chúng ta mắc phải một số lỗi như là dạy học theo hướng “Thầy bói xem voi”; thiếu bao quát bài dạy: Sau khi dạy xong bài nào chúng ta phải cho học sinh biết được đó là cái gì? học cái đó để làm gì? tại sao phải học cái đó; phương án đánh giá sản phẩm đầu ra: Dạy học thiếu các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành của học sinh. Xem nhẹ bộ câu hỏi định hướng...

Chúng ta phải biết rằng chương trình là pháp lệnh, sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo. Vậy khi dạy và học chúng ta cần chú ý những vấn đề gì?

Thứ nhất: Khi viết mục tiêu của kế hoạch bài dạy: Sách giáo khoa đã viết mục tiêu cho từng bài, mỗi sách viết theo một hướng khác nhau, các mục cũng khác nhau. Do đó khi dạy chúng ta hãy lấy chương trình làm gốc, có những mục trong sách giáo khoa mà ngoài yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT 2018 thì có thể cho học sinh tự đọc, hoặc hướng dẫn tự học.

Khi viết mục tiêu cơ bản chúng ta quan tâm nhiều đến năng lực nhận thức (kiến thức) mà không chú ý nhiều đến các năng lực khác. Lúc dạy cũng chỉ tập trung kiến thức là chính, nhưng mục tiêu về năng lực thì hay quên? Chưa kể đến việc giữa mục tiêu và tổ chức hoạt động trong từng mục không khớp với nhau? Mục tiêu viết phát triển năng lực A nhưng trong tổ chức hoạt động không thấy A đâu?

Thực tế cho thấy cùng 1 bài, có người dạy hay có người dạy chưa hay một phần vì cái nhìn về mục tiêu khác nhau: Tương tự như khi đi câu cá: Có người chỉ nghĩ đến mục tiêu là câu được nhiều cá (và như vậy người đó sẽ sắm cần tốt, mồi ngon, vị trí thuận lợi...). Có người lại nghĩ khác, trước khi đi câu cá họ nghĩ con cá cần cái gì, cá thích loại mồi nào?

Hình thức, mô hình, phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận năng lực: Chuyển học đi đôi với hành sang học thông qua hành. Chuyển hình thức dạy học từ NGHE, NHÌN sang TỰ TRÌNH BÀY và LÀM.

Một số phương pháp, mô hình, cách thức dạy học như dạy học STEM, dự án, hoạt động trải nghiệm, mô hình lớp học đảo ngược. Các phương pháp này đều có điểm chung là đưa thực tiễn vào bài học, dạy học theo lối ứng dụng ngược.

Trước đây học xong lý thuyết rồi mới ứng dụng, bây giờ học ứng dụng và kiểm nghiệm lý thuyết. Trước đây khi ta ít chú trọng đến phần ứng dụng, nhưng bây giờ phần này trở thành trọng tâm cần phải triển khai cho học sinh trên lớp. Mỗi phương pháp trên đều có quy trình và yêu cầu riêng, nhưng chung quy lại đều phải thực hiện các hoạt động như:

- Xác định vấn đề: Mỗi bài học phải cho học sinh xác định được học bài đó để làm gì? Tại sao mình phải nghiên cứu về kiến thức đó?

- Để thực hiện được điều đó học sinh cần làm gì (ở nhà, trên lớp)? giáo viên cần làm gì? yêu cầu mức độ nào?

- Phải xây dựng được bộ câu hỏi định hướng và các tiêu chí đánh giá.

- Xây dựng phương án tổ chức thực hiện và kiểm tra đánh giá.

Thay đổi tư duy sinh hoạt tổ chuyên môn

Sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc từ phía giáo viên như vấn đề sử dụng hợp lí sách giáo khoa trong dạy học, cải tiến và đổi mới các phương pháp và kĩ thuật dạy học theo hướng phát triển năng lực, sáng tạo đồ dùng dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh, ứng dụng công nghệ thông tin...

Sinh hoạt chuyên môn theo hướng phân tích hoạt động học tập của học sinh: Học sinh học như thế nào, gặp khó khăn gì trong học tập? Kết quả học tập? Trao đổi kinh nghiệm tổ chức các hoạt động phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh; đánh giá quá trình thực hiện và kết quả học tập của học sinh.

Sinh hoạt chuyên môn theo hướng phân tích bài học: Bài học có gì mới so với sách giáo khoa cũ? Nội dung hoạt động học tập có phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh không? Thống nhất nội dung cần điều chỉnh phù hợp với đối tượng học sinh?

Sinh hoạt chuyên môn theo hướng xây dựng nguồn học liệu và hướng dẫn tự học: Các tổ bộ môn nên xây dựng nguồn học liệu như nguồn đề, các bài thao giảng, sáng kiến kinh nghiệm, các mô-đun, chuyên đề kiến thức, video bài giảng. Từ đó, thành lập trang học liệu từng tổ, yêu cầu tổ bộ môn phải đưa lên trang nhà trường trong mục tổ của mình có mã hóa mật khẩu, khi nào ai cần đến thì lấy.

Sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng chuyển đổi số trong dạy học và đánh giá học sinh. Hiện nay các phần mềm ứng dụng trong dạy học và kiểm tra đánh giá rất nhiều, nhưng tính hiệu quả lại chưa được phổ rộng.

Giáo viên cơ bản là mạnh ai nấy làm, chưa có được hướng dẫn cụ thể, những chia sẽ kinh nghiệm chỉ mang tính nhỏ lẻ. Mặt khác một bộ phận giáo viên thiếu tinh thần học hỏi, đổi mới, ngại khó, ngại khổ, ngại bị đánh giá... Tôi thiết nghĩ chúng ta nên tổ chức những buổi trao đổi chia sẻ kinh nghiệm trong dạy học theo hướng chuyên đề, có thể lồng ghép trong họp hội đồng.

Theo tôi để nâng cao chất lượng giáo dục, trước hết cần phải “giải phóng” người dạy, “giải phóng” người học, phát huy được khả năng sáng tạo, tư duy độc lập tích cực của người dạy và người học. Với phương châm đưa cuộc sống vào bài học – Đưa bài học vào cuộc sống.

ThS Nguyễn Văn Hòa (Trường THPT Nguyễn Đổng Chi – Lộc Hà, Hà Tĩnh)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giai-phap-thuc-hien-hieu-qua-chuong-trinh-gdpt-2018-post662180.html