Giải pháp tái canh cây ăn quả có múi theo hướng bền vững, hiệu quả

Ngày 10/5, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp: 'Giải pháp tái canh cây ăn quả có múi theo hướng bền vững và hiệu quả'. Tham dự diễn đàn có lãnh đạo Sở NN&PTNT và 90 nông dân tiêu biểu trồng cây ăn quả có múi (CAQCM) trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu nông dân tham gia diễn đàn trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong trồng cây ăn quả có múi giai đoạn hiện nay.

Đại biểu nông dân tham gia diễn đàn trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong trồng cây ăn quả có múi giai đoạn hiện nay.

Hòa Bình có diện tích CAQCM chiếm 5% diện tích cả nước. Đến năm 2021, diện tích CAQCM của tỉnh đạt 9.687 ha, sản lượng 166,7 nghìn tấn. Tỉnh đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa, trong đó vùng sản xuất cam tại huyện Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy, vùng sản xuất bưởi tại huyện Tân Lạc, Yên Thủy, Lương Sơn… Giá trị trồng CAQCM đạt từ 300 - 350 triệu đồng/ha/năm. Diện tích, sản lượng tăng nhanh ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững, phá vỡ quy hoạch của tỉnh.

Diễn đàn tạo điều kiện để các đại biểu và hộ dân trồng CAQCM trao đổi, thảo luận với chuyên gia nông nghiệp, doanh nghiệp về thực trạng, thuận lợi và khó khăn trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm CAQCM. Đại diện Sở NN&PTNT cung cấp tới bà con nông dân những chủ trương, chính sách của tỉnh về phát triển CAQCM.

Từ thực tế trên, việc triển khai thực hiện đề án "Tái canh CAQCM tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2023” là rất cần thiết. Đề án nhằm phát triển bền vững và gia tăng chuỗi giá trị trong sản xuất CAQCM tập trung, đồng bộ từ khâu tổ chức sản xuất đến thu hái, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Giai đoạn 2021 - 2025 tập trung tái canh CAQCM tại huyện Cao Phong; giai đoạn 2026 - 2030 mở rộng diện tích tái canh tại huyện Kim Bôi, Tân Lạc, Yên Thủy, Lương Sơn, Lạc Sơn… Theo các đại biểu tham dự diễn đàn, để đề án đạt hiệu quả cao cần tập trung vào một số giải pháp: Củng cố, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức sản xuất của doanh nghiệp, HTX sản xuất CAQCM; tạo nguồn giống sạch bệnh, quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên đất, nước; triển khai thực hiện đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách hiện có của T.Ư, địa phương; đẩy mạnh đầu tư vào chế biến nông sản, đa dạng hóa sản phẩm; áp dụng KH-KT vào sản xuất…

Thu Thủy

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/249/165745/giai-phap-tai-canh-cay-an-qua-co-mui-theo-huong-ben-vung,-hieu-qua.htm