Giải pháp ôn tập hiệu quả thi tốt nghiệp THPT

Giáo viên, cán bộ quản lý chia sẻ giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác thi tốt nghiệp THPT sau khi hoàn thành chương trình lớp 12.

Cô trò Trường THPT Mường Chiềng (Đà Bắc, Hòa Bình) trong giờ học.

Cô trò Trường THPT Mường Chiềng (Đà Bắc, Hòa Bình) trong giờ học.

Phân lớp theo trình độ người học

Thầy Trần Quang Tứ, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre cho biết: Để đạt hiệu quả trong quá trình ôn tập cho học sinh thi tốt nghiệp THPT, ngay từ sau khi bắt đầu học kỳ II, Trung tâm Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ba Tri (Bến Tre) đã rà soát, lọc ra những học sinh có điểm trung bình môn thấp, học sinh bị hổng nhiều kiến thức để tổ chức dạy phụ đạo riêng, giúp các em củng cố lại kiến thức cơ bản.

Giáo viên chủ nhiệm lớp thường xuyên liên hệ chặt chẽ với phụ huynh những học sinh này để trao đổi về tình hình học tập, sự chuyên cần trong học tập, kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót của các em.

Sau khi hoàn thành chương trình (ngày 11/5), nhà trường phân chia các lớp 12 theo nhóm/ lớp ôn tập thi tốt nghiệp THPT theo các môn thi mà học sinh đăng ký. Việc đánh giá lại hiệu quả của các lớp phụ đạo được thực hiện để tiếp tục chọn lọc những em chậm tiến bộ, hoặc chưa tiến bộ, thành lập lớp mới để tổ chức ôn tập riêng. Trường cử giáo viên có chuyên môn cao, nhiệt tình và có nhiều kinh nghiệm phụ trách ôn tập lớp này.

Ban Giám hiệu nhà trường cũng chỉ đạo giáo viên bộ môn thường xuyên đánh giá kết quả học tập của học sinh thông qua các lần kiểm tra, tổ chức thi thử để điều chỉnh nội dung và kiến thức giảng dạy cho phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Tại Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp), thông tin từ thầy Phó Hiệu trưởng Trần Văn Hân, nhà trường tổ chức phân chia học sinh theo nhóm có năng lực phù hợp; phân công giáo viên có kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh khá giỏi để tăng cơ hội dùng kết quả tốt nghiệp xét tuyển vào trường đại học uy tín và phụ đạo học sinh yếu để đảm bảo đỗ tốt nghiệp THPT.

Giáo viên phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh ôn tập tại trường và tự học tại nhà; duy trì ổn định nền nếp đảm bảo tỷ lệ học sinh tham gia ôn tập đầy đủ, nghiêm túc. Đồng thời, giúp học sinh xây dựng và tự giám sát tiến độ thực hiện kế hoạch ôn tập với thời gian chi tiết nhất. Đồng hành, hỗ trợ học sinh để các có tinh thần lạc quan và sức khỏe tinh thần tốt nhất chuẩn bị kỳ thi, đặc biệt không dao động dẫn đến lựa chọn thay đổi môn thi.

Cùng giải pháp này, nhà trường duy trì các nhóm học tập, đôi bạn cùng tiến; tổ chức khảo sát kiến thức ôn tập với thời gian, lịch khảo sát gần giống với lịch thi chính thức của Bộ GD&ĐT; tận dụng các đề ôn tập và làm bài trực tuyến do Hội đồng bộ môn của Sở GDĐT tổ chức.

Giáo viên phụ trách ôn tập được yêu cầu thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong ôn thi tốt nghiệp về nội dung, phương pháp và nắm bắt tâm lý và cách động viên, khuyến khích học sinh phù hợp.

Có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa giáo viên chủ nhiệm với giáo viên bộ môn và thông tin kịp thời đến lãnh đạo nhà trường những phát sinh trong quá trình ôn tập.

Thầy trò Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên) trong giờ học.

Thầy trò Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên) trong giờ học.

Tuyệt đối không học tủ, chỉ chú tâm luyện đề

Theo kế hoạch, Trường THPT Hùng Vương (Đắk Lắk) sẽ hoàn thành chương trình trước ngày 24/5. Theo cô Nguyễn Thị Ngân Hà, giáo viên nhà trường, sau khi hoàn thành chương trình, trường thay đổi thời khóa biểu, xếp theo nguyện vọng đăng ký cả học sinh và chỉ tổ chức học những môn học sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học.

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai ôn tập giai đoạn này, cô Nguyễn Thị Ngân Hà đặc biệt nhấn mạnh việc phải tập trung vào kiến thức cơ bản. Thực tế, nhiều học sinh chỉ chú tâm vào giải đề, trong khi kiến thức cơ bản chưa nắm vững, từ đó sẽ bị hổng kiến thức. Điều này rất nguy hiểm bởi đề thi tốt nghiệp THPT bao trùm hệ thống kiến thức trong chương trình. Chỉ khi đã nắm vững kiến thức cơ bản, các em mới nên luyện đề.

Cũng theo cô Nguyễn Thị Ngân Hà, học sinh cần ghi nhớ kiến thức một cách cách hệ thống; phải có mục tiêu và kế hoạch cụ thể cho từng môn học theo từng ngày, từng tuần, từng tháng.

“Là giáo viên dạy Lịch sử, tôi triển khai dạy học sinh kiến thức theo chuyên đề. Cùng với đó, phân chia 4 mức độ câu hỏi (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao); thống kê trong 4 mức độ đó, đề thi, đề tham khảo đề cập đến những kiến thức lịch sử nào.

Từ đó, giúp học sinh nắm khái quát tiến trình lịch sử theo giai đoạn, vẽ sơ đồ tư duy để nắm nội dung và ý nghĩa lịch sử. Tuyệt đối không dạy tủ bất kỳ phần kiến thức nào”, cô Nguyễn Thị Ngân Hà lưu ý.

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giai-phap-on-tap-hieu-qua-thi-tot-nghiep-thpt-post684157.html