Giải pháp nào phát triển bền vững ngành hàng 'vua trái cây'?

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, sầu riêng đã mang về cho đất nước hơn 1 tỉ USD xuất khẩu, con số này được dự báo sẽ đạt trên 2 tỉ USD trong năm nay. Dù vậy, để phát triển bền vững ngành hàng được mệnh danh là 'vua trái cây', còn rất nhiều việc cần làm.

Rào cản phát triển sầu riêng

Là một doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm giao dịch với phía Trung Quốc trong lĩnh vực nông sản, Công ty Cánh đồng vàng (Lạng Sơn) có liên kết với một số đối tác nước này để xuất khẩu sầu riêng. Chủ tịch HĐQT Công ty Cánh đồng vàng Nông Ngọc Trung nhận định, Việt Nam đang khá yếu kém về mảng chế biến sầu riêng so với nước bạn Thái Lan.

Đại diện Công ty Cánh đồng vàng cũng nhìn nhận thực trạng một số doanh nghiệp, tổ chức cá nhân không hiểu biết về sầu riêng thi nhau nhảy vào làm, nâng giá, làm xáo trộn ngành sầu riêng. “Đây là sự cạnh tranh không lành mạnh…” - ông Nông Ngọc Trung bày tỏ quan điểm.

Sầu riêng đã mang lại hơn 1 tỷ USD giá trị xuất khẩu cho Việt Nam từ đầu năm 2023.

Chia sẻ tại diễn đàn về phát triển ngành hàng sầu riêng do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 11/9, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ban Mê Green Farm Nguyễn Thị Thái Thanh đánh giá, hiện nay, trong liên kết cùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm, bên cạnh những thuận lợi như điều kiện tự nhiên phù hợp cho cây sầu riêng sinh trưởng và phát triển nhưng ngành hàng này vẫn đang đối diện với một số khó khăn.

Để phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp Nguyễn Quốc Toản kêu gọi phải xây dựng khung chính sách và các tiêu chuẩn phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Ngoài sản phẩm tươi, ngành hàng còn cần phát triển thêm các mặt hàng chế biến, đồng thời quy hoạch chặt chẽ việc phát triển diện tích trồng sầu riêng trên cả nước.

Một số vấn đề điển hình được bà Nguyễn Thị Thái Thanh đưa ra là giao thông không thuận lợi; chi phí logistics cao chiếm 30% chi phí cấu thành giá; chưa có cơ sở kiểm dịch tại vùng nguyên liệu. Cùng với đó, diện tích canh tác còn manh mún nhỏ lẻ, kỹ thuật không đồng nhất; chưa có quy trình chuẩn từ cây giống, sản xuất nên chất lượng chưa thực sự ổn định, còn đối phó. Các liên kết giữa doanh nghiệp - nông hộ sẵn sàng bị bẻ gãy khi giá lên cao…

Ở khía cạnh khác, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông (huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) Nguyễn Hữu Chiến nói “chưa an tâm” về tính bền vững trong công tác cấp, quản lý mã số vùng trồng. Vị giám đốc đặt ra 3 vấn đề băn khoăn. Thứ nhất, một số đơn vị đứng chủ mã số vùng trồng nhưng chưa mua được sản phẩm từ mã số. Tuy nhiên, từ các mã vùng trồng này, một số đơn vị vẫn làm thủ tục xuất khẩu bình thường. Thứ hai, những mã số vùng trồng được làm chuẩn như nhật ký ghi chép, theo dõi, giám sát sinh vật gây hại… thì giá bán cũng ngang bằng, thậm chí thấp hơn những đơn vị khác. Thứ ba, việc tranh mua, tranh bán diễn ra thường xuyên.

“Do các vấn đề trên, nên các thành viên Hợp tác xã Tân Lập Đông mới chỉ đồng ý bán khoảng 20% sản lượng trong tổng số 1.400 tấn. Cùng với đó, Hợp tác xã vấp phải tình trạng rất nhiều thương lái đến hỏi mua sầu riêng mà không quan tâm đến mã số vùng trồng” - ông Nguyễn Hữu Chiến chia sẻ.

Xây dựng chuỗi giá trị bền vững

Thông tin tại diễn đàn phát triển ngành hàng sầu riêng tổ chức ngày 11/9, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, sầu riêng Việt Nam không phải chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc, mà hiện nay sầu riêng tươi của Việt Nam đã xuất khẩu đi 24 thị trường.

8 tháng đầu năm 2023, lượng sầu riêng tươi xuất khẩu đạt hơn 300.000 tấn. Còn với sầu riêng đông lạnh cũng có tới 23 thị trường xuất khẩu. Trong năm 2023, Việt Nam đã xuất đi 10 thị trường đối với sầu riêng đông lạnh. Điều này chứng tỏ thị trường sầu riêng của Việt Nam tương đối đa dạng.

Muốn phát triển ngành hàng sầu riêng, cần tạo được sự kết nối giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân.

“Sắp tới đây, Cục Bảo vệ Thực vật đang tiếp tục mở cửa thị trường cho quả sầu riêng sang thị trường Ấn Độ - một thị trường tỷ dân rất tiềm năng. Như vậy nghĩa là sầu riêng còn nhiều dư địa thị trường để phát triển miễn là chúng ta đảm bảo được tổ chức sản xuất và đảm bảo được chất lượng của thị trường” - Bà Hương nói thêm.

Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Lê Đức Thịnh bày tỏ quan điểm, dù chậm hay nhanh thì nền nông nghiệp hiện đại không thể là nền nông nghiệp tự cạnh tranh lẫn nhau mà phải được tổ chức theo chuỗi giá trị. Trong chuỗi giá trị, yếu tố giá rất khó quản trị, do đó, HTX doanh nghiệp, chính quyền địa phương nên hỗ trợ phúc lợi cho nông dân sẽ tốt hơn so với việc ký hợp đồng đơn thuần.

Ông Thịnh cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần thay đổi phương thức quản trị từ sản xuất tới thu mua, không cắt đoạn giữa chừng để liên kết. Bên cạnh đó, tất cả các chủ thể cần đẩy mạnh công tác truyền thông, minh bạch thông tin, kiểm soát chặt chất lượng sầu riêng.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, muốn ngành hàng sầu riêng phát triển hiệu quả phải bắt đầu từ sản xuất, nghĩa là doanh nghiệp đến với người dân ngay từ khi xuống giống để hướng dẫn, tạo niềm tin; còn nếu liên kết từ khâu tiêu thụ, thì rất dễ rơi vào mối quan hệ thuận mua vừa bán.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, đã đến lúc chúng ta kết hợp giữa việc siết chặt quản lý nhà nước và quản lý nhà nước chuyên ngành ở địa phương. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần thấm nhuần tư tưởng kinh doanh, buôn bán sầu riêng không chỉ vì lợi nhuận mà còn là trách nhiệm với nền nông nghiệp quốc gia. Từ đó, chuyển từ quan hệ thuận mua vừa bán sang quan hệ hợp tác.

“Nông nghiệp của chúng ta là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Do đó, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội phải tham gia từ đầu cùng nông dân để người dân có đầy đủ thông tin để điều chỉnh sản xuất…” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt ra yêu cầu để phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng.

Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng cho rằng, mã số vùng trồng mới dừng ở việc khuyến khích mà chưa bắt buộc, nên tiến tới đây sẽ là yêu cầu bắt buộc. Tất cả phải đi vào tiêu chuẩn, quy chuẩn, không còn tình trạng tự phát. Muốn làm được điều này, trước tiên chính quyền địa phương phải thay đổi tư duy.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ mong muốn, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất sẽ tạo được sự kết nối chặt chẽ giữa với nhau. Bởi lẽ, ngày nào chưa làm được điều này vẫn là tư duy thuận mua vừa bán, chứ chưa phải tư duy hợp tác, thì sẽ rất khó phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng.

“Chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu, đánh giá việc trồng xen sầu riêng với cây trồng khác, tạo cơ sở đàm phán với Trung Quốc để chấp thuận hình thức canh tác này. Bằng không, sẽ rất gay go cho sầu riêng trồng xen. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cần ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn triển khai việc cấp, quản lý mã vùng trồng thay vì chỉ dựa vào tài liệu kỹ thuật như hiện nay; Tích hợp, đồng bộ dữ liệu cấp mã vùng trồng từ Trung ương đến địa phương trên cơ sở dữ liệu quốc gia”

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk Vũ Đức Côn

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giai-phap-nao-phat-trien-ben-vung-nganh-hang-vua-trai-cay.html