Giải pháp nào để du lịch biển đảo Nam Bộ bứt phá?

Nam Bộ là vùng sở hữu nhiều lợi thế để phát triển du lịch biển đảo. Tuy nhiên, nhiều tài nguyên, tiềm năng liên quan đến loại hình du lịch này lại chưa được khai thác xứng tầm.

Chưa khai thác hết tiềm năng

Du lịch biển đảo là “thỏi nam châm” hấp dẫn rất nhiều du khách. Việt Nam là quốc gia biển, các điểm du lịch biển đảo trải dài từ Bắc đến Nam với nhiều vịnh, đảo, bãi tắm được vinh danh hàng đầu thế giới.

Nam Bộ là vùng có nhiều điểm đến nổi tiếng như thành phố biển Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), thành phố Hà Tiên và đặc biệt là đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) nằm trong Top 100 điểm đến tuyệt với nhất thế giới năm 2023 theo kết quả Tạp chí Time của Mỹ bình chọn.

Đảo Phú Quốc được mệnh danh là thiên đường biển xanh, cát trắng, nắng vàng.

Cụ thể, ở khu vực Đông Nam Bộ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang tập trung phát triển mạnh nhiều sản phẩm du lịch gắn với biển, đảo. Với đường bờ biển dài, bãi cát thoai thoải, nước biển xanh trong, thành phố biển Vũng Tàu và huyện đảo Côn Đảo gồm nhiều hòn đảo lớn, nhỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều điểm đến thu hút du khách.

Còn tại Đồng bằng sông Cửu Long bên cạnh các điểm đến gắn với miệt vườn đồng bằng, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau đều là những địa phương có biển, bước đầu đã có những sản phẩm du lịch gắn với biển như tham quan thắng cảnh, di tích, thưởng thức đặc sản ẩm thực gắn với biển khơi.

Đặc biệt, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có Khu Dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang và Khu Dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau đều nằm ở vùng ven biển. Vườn Quốc gia U Minh Hạ và Vườn Quốc gia U Minh Thượng vị trí gần biển. Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau ở ven biển và Vườn Quốc gia Phú Quốc ở trên đảo. Đây chính là những điểm đến du lịch dành cho những du khách yêu thích du lịch khám phá, trải nghiệm.

Tuy sở hữu nhiều lợi thế về du lịch biển đảo như vậy, song nhiều địa phương tại vùng Nam Bộ vẫn còn các tiềm năng chưa được khai thác xứng tầm. Nhiều sản phẩm chưa thực sự hấp dẫn, chưa thể hiện bản sắc, quy mô còn nhỏ. Bên cạnh đó, một số nơi cơ sở hạ tầng và các dịch vụ du lịch biển, đảo còn hạn chế, thiếu đồng bộ, chưa có các dịch vụ du lịch biển chất lượng cao để du khách lưu trú thời gian dài, chi tiêu nhiều.

Thực tế hiện nay theo nhiều chuyên gia, điểm đến du lịch biển đảo thu hút khoảng 70% tổng lượng du khách quốc tế, 55% du khách nội địa. Tài nguyên du lịch biển đảo ở một số địa phương cũng hơn hẳn nhiều điểm đến ở nước ngoài. Tuy nhiên, các yếu tố để khai thác tài nguyên phục vụ phát triển du lịch như chất lượng dịch vụ, hạ tầng lại chưa đáp ứng, sản phẩm du lịch đơn điệu, thiếu chỗ vui chơi giải trí.

Đơn cử như Cần Giờ - huyện duy nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh giáp biển, có rừng ngập mặn được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam. Nhiều du khách đến Cần Giờ bày tỏ mong muốn hành trình từ trung tâm thành phố đến huyện đảo thuận lợi hơn, sản phẩm du lịch đa dạng, có nhiều trải nghiệm hơn để họ có thể ở lại 2-3 ngày thay vì đa số về ngay trong ngày hoặc chỉ nghỉ lại một đêm như hiện nay.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Ngọc Xuân cho rằng, hạ tầng giao thông kết nối giữa Cần Giờ với nội thành và các tỉnh lân cận chưa đồng bộ. Hệ thống nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú còn nhỏ lẻ, dịch vụ phục vụ du khách còn hạn chế. Khu vui chơi, giải trí, mua sắm về đêm còn thiếu nên chưa “giữ chân” du khách ở lại…

“Các tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch ở Cần Giờ hiện có rất nhiều, chẳng hạn kết nối, khai thác các sản phẩm đặc sản gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng của người dân trên đảo là một hướng đi khả thi cần được đẩy mạnh trong thời gian tới”, ông Xuân nhận định.

Còn với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều điểm đến ven biển ở các địa phương mới chỉ thu hút du khách đến check-in, thưởng thức đặc sản, tham quan “gói gọn” trong ngày chứ chưa có nhiều sản phẩm, dịch vụ bổ trợ phù hợp để du khách ở lại lâu hơn.

Chị Nga – một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, chị đã đến tham quan các vườn cây ăn quả, đi xuồng trên kênh rạch và tới một số điểm du lịch ven biển như Khu Du lịch biển Ba Động, Khu Di tích bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu tại Trà Vinh và có những tấm hình đẹp gắn với công trình điện gió trên biển rất độc đáo. Nếu có nhiều trải nghiệm, có nhiều điểm đến được kết nối thuận tiện, hợp lý hơn trong cùng một lộ trình, chắc chắn thời gian tới, chị và nhiều du khách lưu lại vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long sẽ dài hơn.

Giải pháp tạo bứt phá cho du lịch biển đảo Nam Bộ

Để tận dụng tốt những lợi thế tạo sự bứt phá cho vùng Nam Bộ, theo nhiều chuyên gia, các tỉnh ven biển cần đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng như giao thông, cấp thoát nước, cơ sở xử lý chất thải. Đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động du lịch ven biển. Đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn đầu tư để tôn tạo các danh lam, thắng cảnh, phát triển làng nghề, phục dựng các lễ hội. Ngoài ra, xây dựng các khu vui chơi giải trí hiện đại, đẩy mạnh phát triển và khai thác các loại hình sản phẩm du lịch mới như du lịch chữa bệnh, du lịch tham quan kết hợp hội thảo, mua sắm...

Côn Đảo sở hữu nhiều hòn đảo lớn, nhỏ nên có rất nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch biển đảo.

Về vấn đề này, theo Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng, thành phố hiện có hơn 30.000 phòng nghỉ phục vụ du khách, trong đó khoảng 17.000-18.000 phòng đạt tiêu chuẩn 5 sao trở lên, nhiều khu du lịch, khu vui chơi giải trí nổi tiếng. Phú Quốc có cảng biển Quốc tế, cảng hàng không quốc tế, tàu cao tốc từ đất liền ra đảo và ngược lại tiện lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch.

“Để thu hút du khách, thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, du lịch, tăng cường kiểm tra, chú trọng đảm bảo giá các dịch vụ như lưu trú, ẩm thực, vận tải, dịch vụ ca nô, du thuyền…, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách trong thời gian nghỉ dưỡng tại Phú Quốc với chi phí, giá cả hợp lý. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học đối với khách du lịch và người dân tham gia dịch vụ du lịch”, ông Hưng thông tin thêm.

Tương tự, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết, tỉnh đang tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các vùng phát triển du lịch của địa phương. Đồng thời, tỉnh phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng, qua đó tăng cường liên kết các hoạt động du lịch nói riêng, kinh tế-xã hội nói chung với các địa phương trong vùng và khu vực.

“Tỉnh đang đẩy mạnh phát triển các đô thị, nhất là đô thị du lịch ven biển theo mô hình đô thị xanh, bền vững, hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, môi trường sống an toàn, trong lành, chất lượng vượt trội, hấp dẫn du khách. Đồng thời, phát triển các cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, đẳng cấp; tập trung phát triển loại hình, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí trở thành sản phẩm mang tính đặc trưng, phát triển khu du lịch phức hợp, đẳng cấp quốc tế…”, ông Thọ chia sẻ thêm.

Hiện nay, hoạt động du lịch đang trên đà khởi sắc, lượng du khách cùng doanh thu từ dịch vụ lưu trú, lữ hành, ẩm thực dần được phục hồi ở nhiều địa phương. Nhưng các địa phương đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực có kinh nghiệm, chất lượng cao. Ở bất kỳ giai đoạn nào, ngành du lịch nói chung, các địa phương, từng doanh nghiệp du lịch nói riêng phát triển thuận lợi, đúng hướng hay không phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ nhân lực.

Chính vì vậy, theo nhiều chuyên gia, để giải quyết bài toán nhân lực du lịch hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp du lịch cần tăng cường phối hợp với các cơ sở đào tạo. Các doanh nghiệp có thể tham gia xây dựng chương trình đào tạo và thực hiện đào tạo để thị trường sẽ được cung cấp nguồn nhân lực sử dụng được ngay.

Thanh Vũ

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/giai-phap-nao-de-du-lich-bien-dao-nam-bo-but-pha-78812.html