Giải pháp nào cho vấn nạn thiếu thuốc chữa bệnh?

Tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh đã kéo dài suốt 2 năm qua và dường như các giải pháp đang triển khai vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Theo phản ánh từ các cơ sở y tế, các thuốc thiết yếu điều trị tay chân miệng đang thiếu gồm Gamma Globulin, Phenobarbital, Milrinone. Trước đó, cuối tháng 7/2023. Sở Y tế TP.HCM có văn bản gửi Bộ Y tế báo cáo tình hình dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn.

Tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh đã kéo dài suốt 2 năm qua và dường như các giải pháp đang triển khai vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Cùnng với số ca mắc có xu hướng tăng nhanh dẫn đến số ca nặng cũng đang gia tăng, các bệnh viện còn đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu thuốc điều trị.

Theo nhận định của các chuyên gia, sự xuất hiện của biến chủng EV71 và tình hình hạn chế các thuốc thiết yếu trong điều trị bệnh tay chân miệng như Immunoglobulin (IVIG), Phenobarbital truyền tĩnh mạch... tại các tỉnh phía Nam khiến TP.HCM phải tiếp nhận và điều trị nhiều ca bệnh từ các tỉnh, thành phố khác chuyển đến (dao động trong khoảng từ 60 - 80%). Trong đó, nhiều ca chuyển độ nặng rất nhanh và nguy kịch.

Mặc dù đã có sự chuẩn bị về cung ứng thuốc điều trị tay chân miệng, nhưng hiện nay, số thuốc dự trữ của Thành phố dự kiến không đủ đáp ứng trước diễn biến tăng nhanh của dịch bệnh.

Ngoài tay chân miệng, theo Bộ Y tế, dịch đau mắt đỏ đang lây lan nhanh tại nhiều địa phương trên cả nước. Do tính chất lây lan mạnh, nhiều trường học có tình trạng đến nửa lớp lây đau mắt đỏ.

Tại TP.HCM, dịch tăng kỷ lục với hơn 70.000 ca mắc. Đồng thời, dịch bệnh đau mắt đỏ cũng diễn ra tại các tỉnh, thành phố khác như Quảng Nam, Bình Phước, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Bình. Tần suất nhiễm bệnh này trong cộng đồng cao gấp 3-4 lần so với năm ngoái.

Nhiều địa phương, trẻ em đến khám đau mắt đỏ chiếm 50%. Bệnh viện Mắt Trung ương ghi nhận trung bình mỗi tuần có 800 ca đau mắt đỏ đến khám, nhiều ca là trẻ em bị biến chứng nặng do người dân chủ quan tự điều trị tại nhà.

Dù dịch tăng nhưng thời gian qua theo phản ánh tại một số địa phương như Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đà Nẵng… một số loại thuốc điều trị đau mắt đỏ khan hiếm.

Đại diện Trung tâm Y tế huyện Núi Thành tỉnh Quảng Nam cho biết, vừa qua, tại Trung tâm y tế huyện, cơ số thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế để điều trị dịch bệnh đã hết từ nhiều tháng trước.

“Hiện, kết quả đấu thầu thuốc cho năm 2023 vẫn chưa có, trong khi thuốc dự trù của năm 2022 chúng tôi đã dùng hết. Người dân Núi Thành khi đến khám tại Trung tâm y tế huyện phải mua thuốc bên ngoài để điều trị bệnh đau mắt đỏ”, vị đại diện này cho biết thêm.

Tương tự, tại Bệnh viện Mắt Quảng Nam, khi được chẩn đoán đau mắt đỏ do vi-rút, người dân cũng phải tự mua thuốc theo đơn của bác sĩ để điều trị.

Theo đại diện Bệnh viện Mắt Quảng Nam, vừa qua thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế tại đơn vị này để điều trị đau mắt đỏ cũng đã không còn. Còn thuốc cho năm 2023 vẫn mới chỉ ở giai đoạn lập thủ tục đấu thầu.

Trước đó, nhiều ca ngộ độc thực phẩm đã không được điều trị kịp thời do thiếu thuốc giải độc botulinum. Theo đó, vừa qua TP.HCM thiếu nhiều loại thuốc hiếm như Atropin (điều trị bệnh mắt), Acitretin và Dapson phối hợp sắt oxalat (da liễu), thuốc tiêm Mitoxantrone, Idarubicin và Foscarnet trisodium hexahydrate (huyết học)…

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban An toàn thực phẩm TP.HCM cho hay, những thuốc hiếm như BAT, huyết thanh trị độc rắn cắn..., nếu chỉ phó mặc cho các cơ sở điều trị đặt mua thì rất khó và cũng chỉ có thể đặt số lượng rất ít (vì thuốc có hạn dùng ngắn và đắt tiền, khó bảo quản). Chưa kể, việc mua thuốc rất gian nan vì các công ty bán với số lượng ít, lợi nhuận không nhiều.

Nói về vấn đề thiếu thuốc chữa bệnh tại nghị trường, trong phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có nhiều lý giải.

Theo nữ tư lệnh ngành Y, Bộ Y tế đã có báo cáo nhanh về thực trạng và giải pháp mua sắm thuốc, thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Về khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thiếu thuốc, thiết bị vật tư y tế là thách thức dai dẳng, đây không phải là hiện tượng mới.

"Vấn nạn này đặc biệt nghiêm trọng hơn trong và sau đại dịch Covid-19, ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe người dân ngay ở các quốc gia có nền y tế phát triển như các nước như: Anh, Pháp, Ý, Hoa Kỳ. Đặc biệt, các thuốc cho hệ thần kinh, hệ tim mạch, thuốc chống nhiễm trùng, thuốc chống ung thư, thuốc tiêu hóa, thuốc kháng độc bạch hầu, vắc-xin khẩn cấp cho bệnh sốt vàng, các thuốc, sinh phẩm từ huyết tường từ máu người", Bộ trưởng Y tế nói.

Ngày 24/10/2023, Ủy ban Châu Âu EC đã họp bàn và ra thông báo về việc tăng cường các hành động khắc phục thiếu thuốc trầm trọng, và tăng cường an ninh nguồn cung.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, có thể nói, việc này xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó nguồn cung nguyên liệu, hoạt chất trên thế giới khan hiếm, vấn đề biến động giá cả trên quy mô toàn cầu, vấn đề lạm phát, khủng hoảng năng lượng, ảnh hưởng xung đột quân sự… làm tăng cao chi phí đầu vào của việc sản xuất dược phẩm.

Ngoài ra, giá thành sản phẩm tăng cao, chuỗi cung ứng gián đoạn, thiếu động lực khuyến khích các nhà sản xuất, sản xuất các loại thuốc mang lại ít lợi nhuận hơn.

Ở Việt Nam, việc tổ chức đấu thầu thuốc được tổ chức ở cả 3 cấp: Cấp trung ương, đấu thầu tập trung quốc gia chiếm khoảng 16,5-18% số lượng thuốc toàn quốc; cấp địa phương và các cơ sở y tế tự thực hiện việc mua sắm. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong các cơ sở y tế công lập xuất hiện nhiều hơn sau dịch Covid-19.

Về nguyên nhân, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, bên cạnh những nguyên nhân khách quan như đã nói ở trên, còn có nguyên nhân chủ quan như do hệ thống văn bản pháp luật liên quan còn bất cập; việc tổ chức thực hiện mua sắm đấu thầu còn vướng mắc ;

Hay bên cạnh đó, do công tác phối hợp giữa các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện chưa kịp thời, hiệu quả; đặc biệt có tâm lý e ngại, sợ sai ở một số cá nhân, đơn vị, địa phương.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, trong thời gian qua, Bộ Y tế, các bộ ngành đã trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế.

Về cơ chế chính sách, Bộ Y tế đã trình Quốc hội ban hành các luật liên quan đến Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Khám, chữa bệnh và các Nghị quyết của Quốc hội, các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các văn bản của Bộ Y tế, Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư để tạo hành lang pháp lý. Đặc biệt các Nghị quyết 80, Nghị quyết 99 của Quốc hội; Nghị quyết 30, nghị định 07, Nghị định 75 của Chính phủ; các thông tư của bộ ngành, đặc biệt Thông tư 14 của Bộ Y tế.

Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 sẽ giải quyết, tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc về đảm bảo nguồn cung và việc thực hiện mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế. Đến nay các cơ sở y tế đã triển khai theo các quy định.

Về đảm bảo nguồn cung thuốc, thiết bị y tế trên thị trường, Bộ Y tế đã tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn thuốc, đăng ký lưu hành thuốc và thiết bị y tế.

Tổng số thuốc, nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực tại thời điểm hiện nay là trên 22.000 thuốc, trên 100.000 chủng loại trang thiết bị y tế còn hiệu lực.

Bộ cũng chỉ đạo các doanh nghiệp tìm nguồn cung, đặc biệt đối với các thuốc hiếm; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện phân cấp toàn diện việc phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho các đơn vị y tế trực thuộc bộ;

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ mua sắm thuốc, đấu thầu tập trung quốc gia; tăng cường công bố thông tin phục vụ đấu thầu; rà soát các vướng mắc liên quan đến việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế để giải quyết theo thẩm quyền.

Đến nay, việc triển khai đồng bộ các giải pháp đã đạt được kết quả tích cực bước đầu, mặc dù vẫn xuất hiện tình hình thiếu cục bộ tại một số cơ sở y tế địa phương.

Theo báo cáo của 1.076 sơ sở y tế trên toàn quốc với Bộ Y tế trong tháng 10/2023, có 67,41% đơn vị báo cáo đã đủ cung ứng đã thuộc cho hoạt động khám, chữa bệnh. 38,59% đơn vị báo cáo cáo có tình trạng thiếu cục bộ.

Có những đơn vị trước đây rất khó khăn nhưng nay đã thực hiện đấu thầu đảm bảo cơ bản cho công tác khám chữa bệnh (như Bệnh viện Bạch Mai từ đầu năm tới nay đã thực hiện được 35 gói thầu mua vật tư, hóa chất, máy móc ).

"Đối với việc các bệnh hiếm gặp, Bộ Y tế đã trình cơ chế để tháo gỡ trong vấn đề đảm bảo nguồn cung cho các vấn đề thuốc hiếm, đặc biệt, liên quan đến vấn đề cơ chế tài chính ngân sách để đảm bảo thực hiện cho thuốc hiếm", người đứng đầu ngành Y nêu.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/giai-phap-nao-cho-van-nan-thieu-thuoc-chua-benh-d202164.html