Giải pháp nào cho cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái?

Ngày 17/11, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo Giải pháp chống hàng giả, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp (DN). Đây được coi là buổi trao đổi thông tin hiệu quả để tìm ra những giải pháp cho cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái.

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Tuấn Nhật

172.000 vụ gian lận thương mại bị phát hiện

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Ngô Bát Phong, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) TP Hồ Chí Minh cho rằng: Ở góc độ NTD, việc nhận diện các sản phẩm đảm bảo an toàn rất khó khăn. Hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu tràn lan, song song với đó, DN cũng rất khó khăn khi sản phẩm tâm huyết của mình đưa ra thị trường bị làm giả.

Ông Trần Anh Kha, đại diện Công ty NGK Spark Plugs Việt Nam cho biết, sản phẩm bugi xe máy của công ty này cũng bị làm giả. Nếu người bình thường thì không thể phân biệt được đâu là hàng chính hãng, đâu là hàng nhái. Theo khảo sát, có đến 20,5% bugi giả mạo dựa trên tổng số bugi mà NGK Việt Nam thực hiện thu mua. Đây là con số rất lớn không chỉ khiến thị phần và doanh số của NGK Việt Nam giảm sút đáng kể mà còn gây ra những tác hại tiêu cực.

Bugi của Nhật Bản cũng bị làm giả tràn lan. Ảnh: Tuấn Nhật

“Nắm bắt được những nguy cơ mà hàng phụ tùng giả, đặc biệt là bugi giả. Vina CHG - đại diện chính thức công tác chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu cho Tập đoàn NGK Nhật Bản tại Việt Nam, đã xử lý những điểm kinh doanh trái phép, nhái thương hiệu bugi NGK Việt Nam. Cụ thể vừa qua, Vina CHG đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường 5B điều tra, phát hiện một cơ sở kinh doanh phụ tùng xe máy giả ở quận 5”, ông Kha nói.

Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, trong 10 tháng đầu năm 2016, lực lượng chức năng đã xử lý 172.000 vụ liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, tăng 2% so với cùng kỳ 2015, truy thu và nộp ngân sách gần 13.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.

Cũng trong 10 tháng đầu năm nay, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 2.000 vụ liên quan đến hàng giả vi phạm sở hữu trí tuệ, trong đó xử phạt hành chính số tiền lên đến 58 tỷ đồng.

Hội thảo đã đưa ra một số thực trạng của hàng giả, hàng nhái hiện nay. Ảnh: Tuấn Nhật

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho rằng, những số liệu trên chỉ là phần nổi của vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ hiện nay.

Theo ông Thế, trên thực tế, việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái gần như xuất hiện mọi lúc, mọi nơi và chưa thể xử lý hết. Bên cạnh đó, vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có một nguyên nhân là cơ quan quản lý Nhà nước, lực lượng chức năng, hiệp hội và DN, NTD vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ với nhau.

Truy xuất nguồn gốc hàng hóa để minh bạch

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, để giải quyết vấn nạn hàng giả, hàng nhái và tình trạng gian lận thương mại cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, sự chủ động phối hợp của các đơn vị sở hữu thương hiệu trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ. Giải pháp hiệu quả nhất là nâng cao nhận thức của NTD, bởi chừng nào NTD còn chấp nhận hoặc chủ động sử dụng hàng giả thì chừng đó còn có vi phạm.

Ông Đàm Thanh Thế cho rằng, những số liệu trên chỉ là phần nổi của vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ hiện nay. Ảnh: Tuấn Nhật

Theo ông Đàm Thanh Thế, hệ thống pháp luật cần được điều chỉnh hợp lý để tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan thực thi. Đồng thời, cần xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân trong lĩnh vực quản lý. Bên cạnh đó, các DN cần ý thức bảo vệ thương hiệu của mình, áp dụng các biện pháp truy xuất nguồn gốc hàng hóa nhằm đảm bảo tính minh bạch của thị trường và bảo vệ quyền lợi NTD.

Theo đại diện Công ty NGK Việt Nam, để đối phó với vấn nạn này, đơn vị đã chủ động tuyên truyền cảnh báo hàng giả bằng cách đi khắp các địa phương trong cả nước, thâm nhập vào thị trường, phát tài liệu giúp người mua phân biệt được hàng thật và hàng giả. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tự chủ động điều tra những nơi bán hàng giả để nhờ hỗ trợ xử lý.

Ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng Giám đốc Vina CHG cho biết, trên thị trường không cái gì không bị làm giả được, đến đồng USD, tem chứng nhận... cũng bị làm giả. Hiện nay đã có giải pháp chống hàng giả bằng tem thông minh. Loại tem thông minh này ứng dụng 5 công nghệ chống hàng giả trên một con tem. Từ con tem này, giúp quản trị bán hàng cho DN và NTD có thể kiểm tra được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

“Những thông tin bao gồm xuất xứ, đặc tính, giá, đơn vị sản xuất, nơi phân phối, ngày xuất kho cũng như số điện thoại, địa chỉ liên hệ… hiện lên smartphone. Trên con tem cũng có mã code, NTD có thể nhắn tin về tổng đài (miễn phí) để nhận lại thông tin sản phẩm”, ông Hồng nói.

Chu Tuấn - Cảnh Nhật

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/thi-truong/giai-phap-nao-cho-cuoc-chien-chong-hang-gia-hang-nhai_t114c1067n112157