Giải pháp nâng cao vị trí của tỉnh trong các bảng xếp hạng

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 4/11/2021 của Tỉnh ủy về Đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025 và nhiều văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh Quảng Trị đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương, tuy nhiên, so với thực tế phát triển trong tình hình mới, công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Thể hiện rõ nhất là các chỉ số về CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đều có tình trạng năm sau tụt thứ hạng so với năm trước. Ví dụ như Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2020 xếp thứ 34, năm 2021 xếp thứ 46, năm 2022 xếp thứ 55/63; Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020 xếp thứ 6, năm 2021 xếp thứ 28, năm 2022 xếp thứ 37/63; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 xếp thứ 41, năm 2021 xếp thứ 41, năm 2022 xếp thứ 59/63.

Trước thực trạng này, thời gian qua tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị tìm nguyên nhân, bàn giải pháp cải cách, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính (TTCH), nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Đặc biệt, ngày 11/12/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 35-CT/TU về Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác CCHC, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; UBND tỉnh đã tổng hợp ý kiến của các sở, ngành, địa phương chuẩn bị ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Theo đánh giá của tỉnh, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tụt thứ hạng trong các bảng đánh giá, xếp loại quốc gia trong những năm qua có phần do người đứng đầu ở một số địa phương, đơn vị chưa thực sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, chấn chỉnh nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đề cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong thực thi công vụ.

Chất lượng tham mưu, hiệu quả triển khai thực hiện nhiệm vụ và trình độ năng lực có mặt chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; có tâm lý né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Sự phối hợp giữa một số ngành, đơn vị, địa phương trong tham mưu, giải quyết hồ sơ, TTHC liên thông chưa đồng bộ, thống nhất nên dẫn đến tình trạng trễ hạn trong giải quyết và trả kết quả hồ sơ; chưa ràng buộc trách nhiệm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có biểu hiện tiêu cực, gây phiền hà, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan, thực tế việc cải thiện vị trí trong các bảng xếp hạng, đánh giá quốc gia sẽ ngày càng khó khăn và đòi hỏi sự nỗ lực cao hơn bởi các tỉnh, thành phố khác cũng rất chú trọng cải cách nhằm nâng cao vị thế của địa phương mình trong xu thế phát triển chung của đất nước.

Mặt khác, có những chỉ số phải nỗ lực liên tục trong nhiều năm mới có thể cải thiện được, nhất là các chỉ số liên quan đến hạ tầng, nhân lực, môi trường, xã hội... Vì vậy, cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và tăng tốc hơn nữa của các sở, ngành, địa phương trong CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh cũng như sự chia sẻ, hợp tác từ phía cộng đồng doanh nghiệp, người dân.

Để có sự đột phá, cải cách mạnh mẽ nền hành chính công, tăng tỉ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện, nâng cao vị trí của tỉnh trên các bảng xếp hạng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, thì bên cạnh việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quyết định, kế hoạch của trung ương, của tỉnh về cải thiện môi trường, xúc tiến đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cần đẩy mạnh CCHC, đổi mới phương thức, lề lối làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý; rà soát, đơn giản hóa TTHC theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Chú trọng thực hiện phân cấp, ủy quyền trong quản lý nhà nước và giải quyết TTHC theo quy định, giảm tối đa tầng nấc trung gian, thời gian giải quyết TTHC, tránh gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các cơ quan phụ trách/chủ trì thực hiện các chỉ số thành phần của PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI cần chủ động đề xuất và thực hiện các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số thuộc ngành, lĩnh vực cơ quan, đơn vị mình phụ trách.

Chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức tập trung nghiên cứu, tìm hiểu nội dung chi tiết của từng chỉ số thành phần của các bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng trên để tham mưu đề xuất giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn; chủ động kết nối với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các tổ chức thực hiện việc đánh giá xếp hạng, tạo lập kênh phối hợp để cung cấp, cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin nhằm đánh giá, xếp hạng khách quan, chính xác.

Đặc biệt cần đổi mới tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Muốn thay đổi, trước hết người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần quán triệt và lãnh đạo đội ngũ chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, sử dụng hiệu quả thời gian làm việc ở cơ quan; cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được giao; kiên quyết khắc phục những yếu kém, trì trệ, né tránh trách nhiệm trong thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong lãnh đạo, quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị, lĩnh vực phụ trách; phân công, giao việc cho cấp dưới phải gắn với kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhằm kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh, định hướng giải quyết, tháo gỡ những vấn đề phát sinh trong quá trình xử lý công việc.

Cần tăng cường tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp và ứng xử cho đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như người dân khi thực hiện các giao dịch liên quan đến TTHC. Đối xử công bằng, bình đẳng, khách quan đối với các doanh nghiệp, không phân biệt, ưu ái giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, giữa doanh nghiệp có đóng góp và doanh nghiệp không có đóng góp (về lao động, thuế, tài trợ/ hỗ trợ khác) trong quá trình thực thi công vụ.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-de-binh-luan/giai-phap-nang-cao-vi-tri-cua-tinh-trong-cac-bang-xep-hang/183641.htm