Giải pháp lâu dài cho tình trạng ngập úng tại TP.HCM?

Hậu quả của trận ngập lịch sử này chưa thể thống kê, tính toán hết được nhưng trước mắt đã ảnh hưởng rất lớn đến người dân thành phố. Dưới góc nhìn khoa học về quy hoạch thoát nước đô thị, Thạc sỹ Nguyễn Thị Thanh Hương, giảng viên bộ môn nước môi trường, Khoa Kỹ thuật đô thị- trường Đại học Kiến trúc TP.HCM đã chia sẻ với phóng viên Báo Hải quan những vấn đề có liên quan đến ngập và chống ngập tại TP.HCM hiện nay.

Theo bà, nguyên nhân nào gây tình trạng ngập lụt tại TP.HCM?

Thời gian gần đây, sau những trận mưa lớn và triều cường TP.HCM có nhiều tuyến đường bị ngập trầm trọng. Nguyên nhân khách quan là do biến đổi khí hậu dẫn đến mưa lớn, đồng thời với mưa lớn là triều cường tăng cao làm cho việc thoát nước càng chậm hơn. Về nguyên nhân chủ quan là do đô thị phát triển, bê tông hóa quá nhiều, mưa xuống không có chỗ thấm xuống đất gây ra ngập. Mặt khác, hệ thống cống thoát nước quá cũ và đường kính nhỏ, không đủ năng lực thoát nước. Có một số tuyến cống tuy đã được nâng cấp với đường kính lớn nhưng vẫn chưa đủ để thoát nước; tuyến đường ngoại thành chưa được chú trọng tới hệ thống cống thoát nước; các dòng chảy không được nạo vét thường xuyên cũng góp phần vào việc gây ngập lụt. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân từ ý thức của người dân, không giữ gìn xả rác xuống dưới cống, gây giảm tiết diện cống, tắc cống vào mùa mưa.

Vì sao TP.HCM đã hồi sinh những dòng kênh, góp phần tạo cảnh quan và thoát nước nhưng tình trạng ngập vẫn còn và ngày càng trầm trọng hơn. Việc quy hoạch không đồng bộ đã tác động thế nào đến quá trình thoát nước tại TP.HCM ?

Việc quy hoạch không đồng bộ sẽ dẫn đến trường hợp khi thực hiện dự án ở một số khu vực sẽ gây ngập úng ở một số nơi mà trước đây không ngập. Nhưng do diện tích của TP.HCM quá lớn nên việc quy hoạch thoát nước đồng bộ là không thể vì chi phí để làm tốt việc này là một con số khổng lồ! Mặc dù đã hồi sinh được một số dòng kênh nhưng chưa được nhiều, mặt khác một số kênh khi được thay thế bằng cống hộp có năng lực vận chuyển nước thấp hơn so với kênh cũ.

Việc quy hoạch dựa vào cộng đồng có cần thiết trong việc quy hoạch hệ thống thoát nước TP.HCM? Người dân đóng vai trò như thế nào trong việc chống ngập hiện nay?

Chúng ta ai cũng biết, cộng đồng là nơi hiểu rõ về tình trạng ngập úng tại địa phương nhất nên việc quy hoạch thoát nước gắn với cộng đồng là rất cần thiết. Thực chất, ý thức của người dân đóng vai trò rất lớn trong đô thị nói chung và thoát nước đô thị nói riêng, nhưng hiện tại khi người dân tham gia vào các dự án quy hoạch chưa phát huy hết khả năng của mình hoặc chỉ làm cho có nên hiệu quả đạt được chưa cao. Ý thức của người dân nên được tuyên truyền từ khi còn nhỏ để sau này lớn lên thành nếp thì sẽ tốt hơn rất nhiều trong các vấn đề của xã hội.

TP.HCM cần những giải pháp lâu dài nào để thoát khỏi tình trạng ngập như hiện nay?

Để thoát khỏi tình trạng ngập úng như hiện nay thì TP.HCM cần quy hoạch hệ thống thoát nước có tính đến sự phát triển của đô thị trong tương lai nhiều hơn nữa, đặc biệt chú ý tới mức độ tăng cơ học của dân số, và quy hoạch cũng phải hướng tới sự phát triển bền vững; dùng vật liệu tiên tiến (kết cấu vỉa hè và mặt đường thấm nước). Quy hoạch cần có thiết kế các hồ điều hòa dạng ngầm dưới các bãi xe, công viên… để điều hòa nước mưa; thiết kế các cửa ngăn triều phù hợp tại các cửa kênh, rạch nối với các con sông; tuyên truyền cho người dân có ý thức bảo vệ đối với hệ thống thoát nước của thành phố

Xin cảm ơn bà!

Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM (Trung tâm) trận mưa lịch sử tối ngày 26-9 đã gây ngập 59 tuyến đường, với chiều sâu ngập từ 10cm đến 50m, diện tích ngập từ 100m2 đến 30.000m2, lượng mưa đạt phổ biến từ 101 mm đến 204,3 mm. Không chỉ các tuyến đường thấp mà một số tuyến đường đã được đầu tư, nâng cấp hệ thống thoát nước nhưng vẫn bị ngập trong thời gian mưa như: Phan Xích Long, Trường Sơn, Song hành Quốc lộ 22, Phan Văn Hớn, Nguyễn Ảnh Thủ, Tô Ngọc Vân... Trung tâm môi trường cho rằng đây là trận mưa cực đoan, lớn nhất từ đầu năm đến nay, vượt xa tần suất thiết kế hệ thống thoát nước hiện nay. Theo đó, đối với tuyến cống cấp 2 lượng mưa trong 1h30’ ứng với chu kỳ 100 năm chỉ là 137,70mm.

Đối với khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, thời gian mưa từ 16 giờ 30 phút đến 17 giờ 50 phút, lượng mưa đạt 170,3 mm (trạm đo Tân Sơn Hòa) đã xuất hiện ngập cục bộ tại bãi đậu số 11, 12, 13, 14, 15 với chiều sâu ngập 30 cm, thời gian nước rút khoảng 1 giờ sau mưa (tình hình đã cải thiện hơn nhiều so với trận mưa ngày 26-8-2016 do đã cải tạo xong 07 vị trí cống băng ngang đường tuyến mương A41 và đã nạo vét thông thoáng hệ thống thoát nước).

Đăng Nguyên (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/giai-phap-lau-dai-cho-tinh-trang-ngap-ung-tai-tp-hcm.aspx