Giải ngân vốn đầu tư công rất thấp: Giải pháp cấp bách

Tính đến hết ngày 15.5, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ ngành chỉ đạt 8,58% kế hoạch vốn được giao.

Thông tin trên được ông Võ Hữu Hiển - Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (DMEF, Bộ Tài chính) đưa ra tại hội nghị ngày 21.5 về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài các tháng đầu năm 2024 để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ.

Tình hình giải ngân vốn đầu tư công đang rất chậm - Ảnh: IT

Tình hình giải ngân vốn đầu tư công đang rất chậm - Ảnh: IT

Theo báo cáo của các bộ ngành trung ương và số liệu từ hệ thống Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc), tính đến hết ngày 15.5, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ ngành chỉ đạt 8,58% kế hoạch vốn được giao.

Trong đó 2 bộ có tỷ lệ giải ngân trên 10% (Giao thông vận tải, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn), 8 bộ ngành chưa giải ngân kế hoạch vốn 2024 (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Tài nguyên - Môi trường).

Dự kiến đến hết tháng 6.2024, tỷ lệ giải ngân của các bộ ngành có thể đạt khoảng 15 - 17%, ở mức trung bình so với cùng kỳ các năm trong thời kỳ 2021-2023.

Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại đánh giá tỷ lệ giải ngân của các bộ ngành 6 tháng đầu năm 2024 thấp hơn so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2023 (27,2%), 6 tháng đầu năm 2022 (15,9%) và cao hơn so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2021 (12,11%). Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân này còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch vốn theo chỉ đạo của Chính phủ.

Mặc dù số lượng các dự án/tiểu dự án được giao kế hoạch vốn của 10 bộ ngành là 31 nhưng mới chỉ có 14/31 dự án/tiểu dự án đã giải ngân, 17 dự án/tiểu dự án đã được giao dự toán nhưng chưa giải ngân.

Năm 2024, các địa phương được giao tổng kế hoạch vốn là 24.172,86 tỉ đồng, trong đó vốn đầu tư công là 9.456,86 tỉ đồng (53/63 địa phương), vốn vay lại là 14.716 tỉ đồng (51/63 địa phương). Tính đến ngày 15.5 vừa qua, tỷ lệ kế hoạch vốn các địa phương đã phân bổ và nhập Tabmis cho các dự án đối với vốn đầu tư công ngân sách trung ương là 91,7% kế hoạch vốn được giao, vốn vay lại là 84,2% kế hoạch vốn được giao.

Lũy kế giải ngân vốn nước ngoài của các địa phương tính đến 15.5 là 5,7% kế hoạch vốn được giao (tính cho cả kế hoạch vốn cấp phát và vay lại) cao hơn cùng kỳ năm 2023 là 4,9%. Mới có 5/53 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%, 28/53 địa phương chưa giải ngân vốn ngân sách trung ương cấp phát bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Bộ Tài chính lý giải nguyên nhân nổi cộm dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công là vướng mắc trong khâu điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, gia hạn giải ngân, gia hạn thời gian thực hiện, sử dụng vốn dư. Nguyên nhân chính các dự án phải xin gia hạn thời gian thực hiện, thời gian giải ngân do các công tác triển khai dự án chậm trễ và chưa kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh. Khi có phát sinh vướng mắc về việc các dự án nhóm B sau khi địa phương hoàn thành thủ tục gia hạn giải ngân dự án (thuộc thầm quyền của HĐND tỉnh) thì phải thực hiện thủ tục gia hạn thời gian bố trí vốn.

Vướng mắc trong công tác triển khai thực hiện và giải ngân: Nhóm vướng mắc này khá đa dạng, gồm: các vướng mắc trong khâu đầu thầu hoặc hợp đồng thương mại, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, vướng mắc do điều chỉnh thiết kế, chậm tiến hành công tác nghiệm thu, thanh toán. Đây là những vướng mắc thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh và các ban quản lý dự án.

Vướng mắc do thiếu kế hoạch vốn (cả cấp phát và vay lại): Năm 2024, có một số địa phương đã lúng túng trong việc lập kế hoạch vốn, không dự kiến được tiến độ thực hiện dự án và số vốn cần giải ngân nên đã lập kế hoạch vốn không sát với thực tế, đặc biệt với các dự án có năm 2024 là năm giải ngân cuối cùng dẫn đến việc thiếu hoặc không có kế hoạch vốn để giải ngân.

Để tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thời gian tới, Bộ Tài chính đề xuất các địa phương cần tiến hành rà soát, đánh giá chi tiết, cụ thể về khả năng giải ngân của từng dự án, đặc biệt lưu ý các dự án có năm lập kế hoạch là năm giải ngân cuối cùng để đảm bảo đủ vốn cho các dự án, tránh việc phải gia hạn giải ngân, gia hạn thời gian thực hiện, phát sinh nhiều thủ tục hành chính.

Đối với các trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đặt ra, phải cắt giảm, chuyển giao kế hoạch vốn đã được giao, cần có văn bản đề xuất cắt, giảm, điều chuyển gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 30.6 để phối hợp thực hiện.

Đối với các dự án có vướng mắc trong công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án, các địa phương, ban quản lý dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án; hoàn thiện các thiết kế kỹ thuật, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc đấu thầu hợp đồng; sớm xử lý các vướng mắc phát sinh trong từng khâu thực hiện dự án.

Bộ Tài chính đảm bảo thời gian xử lý đơn rút vốn đúng quy định, tổ chức các đoàn trực tiếp làm việc, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, trong đó tập trung các dự án lớn, các địa phương được giao nhiều kế hoạch vốn. Đồng thời, cần tiếp tục trao đổi với các nhà tài trợ nhằm tháo gỡ các vướng mắc về phía nhà tài trợ như rút ngắn thời gian và đơn giản hóa thủ tục cho ý kiến không phản đối.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/giai-ngan-von-dau-tu-cong-rat-thap-giai-phap-cap-bach-217483.html