Giải mã văn Nguyễn Bình Phương

Được đánh giá là nhà văn đương đại hàng đầu Việt Nam, văn chương của Nguyễn Bình Phương vẫn luôn là một bài toán khó với đa số độc giả.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương. Ảnh: Thành Duy.

Năm 2021, tiểu thuyết Một ví dụ xoàng của Nguyễn Bình Phương đã được trao tặng Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Một năm sau nhân sự kiện này, Viện Văn học và Hội Nhà văn Việt Nam đã phối hợp tổ chức tọa đàm Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong chuyển động của văn học Việt Nam đương đại. Đông đảo các nhà văn, nhà lý luận, phê bình văn học tham dự tọa đàm đã phân tích, đánh giá một cách khách quan văn nghiệp Nguyễn Bình Phương từ những hướng tiếp cận mới mẻ, hiện đại.

Đó là cơn cớ để cuốn sách Nguyễn Bình Phương, những mê lộ nghệ thuật ra đời. Ngoài một số tham luận tiêu biểu trong tọa đàm, “bộ giải mã văn chương Nguyễn Bình Phương” này còn bổ sung một số bài viết của các nhà văn, nhà phê bình về tác giả Mình và họ để giúp bạn đọc hiểu hơn về sự đa dạng trong sáng tác của anh.

Nhiều người đọc văn Nguyễn Bình Phương thường có cảm giác không theo kịp lối viết phức tạp và đầy biến ảo của tác giả. Đó cũng là một trong những nguyên do khiến người ta có cảm giác văn Nguyễn Bình Phương khó hiểu. Theo giải thích của PGS.TS Lê Dục Tú, đó chính là lối viết “phản truyền thống” mang tính biểu đạt cao với một hệ thống cấu trúc từ vựng và cấu trúc ngữ pháp câu mang những nét đặc trưng riêng biệt.

TS Đỗ Hải Ninh cũng cho rằng: “Nếu dùng những công cụ lý thuyết truyền thống để đọc Nguyễn Bình Phương thì sẽ không giải quyết được bởi rất khó để trả lời tác phẩm của ông có phản ánh đúng hiện thực hay không, viết về đề tài gì, cốt truyện ra sao, nhân vật điển hình nào?”.

Vậy thì làm sao để có thể lý giải và chạm vào thế giới văn chương của Nguyễn Bình Phương? Theo TS Đỗ Hải Ninh, việc dùng đến những công cụ lý thuyết mới như hậu hiện đại, phân tâm học, huyền thoại học, lý thuyết biểu tượng, lý thuyết chấn thương, lý thuyết diễn ngôn, lý thuyết trò chơi... là cần thiết. Và rằng đây không phải là “gán vào” hay “phong thánh” cho tác giả, mà là những cách giải mã một hiện tượng văn chương phức tạp trong một giai đoạn văn chương mới.

Với mỗi một bài viết trong sách, người đọc sẽ được cung cấp một chìa khóa để mở cánh cửa nghệ thuật được đánh giá là “phức tạp, mê hoặc, dẫn dụ, tầng tầng lớp lớp nghĩa” trong văn và cả thơ Nguyễn Bình Phương.

Đơn cử, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp khi nói về tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương đã nhấn mạnh đến tính nhịp điệu của truyện kể.

Ông cho rằng: “Đó là thứ nhịp điệu gắn liền với mỹ học thăm dò vô thức của Nguyễn Bình Phương. Nhịp điệu tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương có chức năng bộc lộ những mạch chảy khác nhau của đời sống, trong đó, phần lớn là mạch chảy của đời sống vô thức, nơi diễn ra những giấc mơ không đầu không cuối. Trong sáng tác của Nguyễn Bình Phương, bóng đêm được nhắc đến nhiều lần. Cũng bởi không có gì bí ẩn bằng đêm, không có gì gợi dục và ma quái như đêm. 'Đêm' cũng là loại không gian đồng lõa/tương thích với trạng thái mộng du, kích hoạt những ẩn ức được giấu kín bởi 'ngày'. Đây là cách Nguyễn Bình Phương thám hiểm cuộc sống ở tầng đáy của nó. Tầng sâu thẳm ấy của hiện thực, dĩ nhiên, khó có thể tìm thấy trong cách miêu tả theo hệ quy chiếu của chủ nghĩa hiện thực truyền thống”.

“Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương đầy ám ảnh, tượng trưng. Đọc nó ta phải chuẩn bị tâm thế tự hỏi và tự đáp cái gì, vì sao”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định. Ông cũng cho rằng: “Thơ Phương chối bỏ lối luận lý, giãi bày, anh nhấn sâu vào vùng cảm liên tưởng, để những hình ảnh tự cho người đọc nắm bắt”.

Nguyễn Bình Phương là tác giả duy nhất cho đến nay được nhận hai giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Hà Nội trao tặng, một cho thơ và một cho văn. Tập thơ đoạt giải Buổi câu hờ hững của Nguyễn Bình Phương được Phạm Xuân Nguyên bình luận: “Đó là một thứ văn thơ không đơn giản, không rõ ràng theo kiểu thẳng đuột, dễ hiểu, mà có tính chất dẫn dụ, khơi gợi, đi vào bề sâu thực tại và tinh thần. Anh có ý cách tân thơ nhưng không ồn ào ở hình thức mà chú trọng ở cái nhìn, đem lại cho thơ một vẻ đẹp trầm tư”.

Trên thực tế, khi Nguyễn Đình Chính tiên đoán “Sẽ chẳng có ma nào đọc Ngồi” (Ngồi là tên một tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương) thì thực tế diễn tiến hoàn toàn ngược lại.

TS Đỗ Hải Ninh công bố: “Theo quan sát của chúng tôi, tại Thư viện Đại học Sư phạm Hà Nội có khoảng 40 luận văn, bài viết về Nguyễn Bình Phương được lưu trữ, tại Thư viện Đại học Sư phạm Hà Nội 2 có khoảng 17 luận văn nghiên cứu Nguyễn Bình Phương hoặc so sánh Nguyễn Bình Phương với các nhà văn đương đại. Các tác phẩm của Nguyễn Bình Phương hầu như đều đã được tái bản 2-3 lần, điều đó cũng cho thấy nhu cầu đọc Nguyễn Bình Phương của công chúng không ít”.

Đạt Nhi/Tiền Phong

Nguồn Znews: https://znews.vn/giai-ma-van-nguyen-binh-phuong-post1446779.html