Giải mã hiện tượng Rodrigo Duterte (bài 2)

Suốt chiều dài lịch sử, Philippines thường xuyên bị các thế lực ngoại bang lừa dối, chà đạp và bỏ rơi. Bọn thực dân thẳng tay đàn áp những người dân mà chúng cho là "mọi rợ" để giữ chặt lấy phần lãnh thổ cực kỳ thuận lợi cho các hoạt động thương mại và quân sự với châu Á.

Xác người dân Philippines bị lính Mỹ sát hại

Lịch sử giành độc lập của Philippines

Suốt chiều dài lịch sử, Philippines thường xuyên bị các thế lực ngoại bang lừa dối, chà đạp và bỏ rơi. Kể từ khi được Fernando Magellan phát hiện năm 1521, Philippines trở thành lãnh thổ của Tây Ban Nha. Tên gọi Philippines được đặt năm 1543, khi quần đảo này được chuyển giao cho một thuộc địa của Tây Ban Nha ở Nam Mỹ - Phó vương quốc Tân Tây Ban Nha. Như vậy, Philippines trở thành thuộc địa của thuộc địa.

Người Anh, người Trung Hoa cũng từng tuyên bố chủ quyền đối với phần lãnh thổ này của Tây Ban Nha. Đôi khi người dân địa phương đã cố gắng vùng lên giành độc lập, nhưng lần nào cũng bị dìm trong máu. Thực dân thẳng tay đàn áp những người dân mà chúng cho là "mọi rợ" để giữ chặt lấy phần lãnh thổ cực kỳ thuận lợi cho các hoạt động thương mại và quân sự với châu Á.

Cơ hội cho Philippines giành độc lập đã xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX, khi xảy ra cuộc chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ. Nhân cơ hội, người Philippines tiến hành cuộc đấu tranh giành độc lập, đồng thời ra sức giúp đỡ người Mỹ để đổi lấy sự công nhận độc lập từ phía Mỹ. Mỹ cũng hứa chấp nhận việc trao đổi đó, nhưng hành động theo kiểu khác: năm 1898 Hoa Kỳ đã mua Philippines và một số vùng lãnh thổ khác từ Tây Ban Nha với giá 20 triệu USD, và dĩ nhiên, lập tức quên ngay lời hứa của mình.

Kết quả là từ năm 1899-1902 đã diễn ra cuộc chiến tranh Philippine-Mỹ và lính Mỹ thẳng tay giết chết hơn 200.000 thường dân. Đó chính là một cuộc diệt chủng. Năm 1901, nhà báo Ledger của báo Philadelphia đã mô tả các hành động của quân đội Mỹ như sau:

"Binh lính của chúng ta thẳng tay giết chết những người đàn ông, phụ nữ, trẻ em, quân nổi dậy có vũ trang, tóm lại là tất cả những ai bị nghi ngờ, bao gồm cả trẻ em trên mười tuổi. Lính Mỹ cho rằng người Philippines không hơn gì những con chó đang bươi đống rác. Binh lính của chúng ta bắt bớ những người trong tay không tấc sắt, không cần biết họ có tham gia nổi dậy hay không, bắt họ đứng sắp hàng trên cầu, bắn từng người một rồi hất xác xuống sông. Những thây người bị đạn bắn nát trôi vật vờ gieo rắc kinh hoàng mọi nơi mọi lúc…".

Hãy xét đến một sự tương đồng: trong cuộc chiến chống ma túy, tổng thống Duterte cũng cho phép bắn chết bọn tội phạm mà không cần xét xử và "ném xác xuống nước cho cá ăn". Ngày trước người Mỹ cũng làm y như vậy với dân Philippines, tại sao bây giờ Washington lại bất bình với ông Duterte? Tổng thống Philippines hành động theo đúng cách thức của Mỹ cơ mà. Chỉ có khác nhau ở chỗ người Mỹ hồi đó chống lại toàn bộ dân chúng Philippines, còn ông Duterte giờ đây cũng thực hiện các biện pháp như vậy, được coi là khá "phương Tây và văn minh", nhưng chỉ dành cho bọn tội phạm.

Tuy nhiên, xin hãy trở lại với lịch sử. Chiến tranh kết thúc vào năm 1902 với sự thất bại của quân đội Philippines, nhưng một số đơn vị du kích vẫn hoạt động cho đến tận năm 1913. Trong cuộc chiến này, chính phủ Mỹ đã tiêu tốn 600-700 triệu USD. Đây là một khoản tiền khổng lồ thời đó. Vì vậy, người Mỹ phải tìm mọi cách “thu hồi vốn”, dù có phải thu hồi từng xu một.

(còn tiếp)

Nguồn PetroTimes: http://petrotimes.vn/giai-ma-hien-tuong-rodrigo-duterte-bai-2-484846.html