Giải mã câu chuyện thành công của Sony và thất bại đau đớn của Kodak

Hai câu chuyện 'một thành, một bại' của Sony và Kodak đã thể hiện rõ vai trò tiên phong và kiên quyết của nhà lãnh đạo và văn hóa doanh nghiệp quyết định quá trình 'sống còn' của doanh nghiệp.

Dưới thời của CEO Kazuo Hirai, Sony đã có bước bứt phá ngoạn mục. (Nguồn: Sony)

Làn sóng Công nghệ 4.0 làm xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới, sản phẩm, dịch vụ mới cũng như cách thức tiếp cận khách hàng mới, kênh truyền thông và kênh bán mới, làm thay đổi rõ rệt hành vi của người tiêu dùng, các doanh nghiệp đều ít nhiều chịu ảnh hưởng rõ rệt.

Câu chuyện Tái cấu trúc trước đây tưởng chừng chỉ là việc của các ông lớn nhà nước, doanh thu hàng trăm ngàn tỷ, giờ đã là vấn đề của mọi doanh nghiệp mong muốn có một mô hình tăng trưởng bền vững.

Theo thống kê của Rand, công ty tư vấn nổi tiếng thế giới, cứ 100 doanh nghiệp hoặc công ty trên thế giới lâm vào tình cảnh phá sản, có 85% nguyên nhân do phương thức quản lý của lãnh đạo.

Chia sẻ Tọa đàm “Giải mã Tái cấu trúc– Vai trò tiên phong của lãnh đạo và văn hóa doanh nghiệp” được tổ chức mới đây tại Hà Nội, bà Đặng Thanh Vân - Chủ tịch Công ty Cổ phần Thương hiệu và Quản trị Thanhs cho biết, khi nói về tái cấu trúc, câu hỏi phổ biến nhất mà bà thường hay gặp là “Chúng tôi cần bắt đầu từ đâu?”

Theo bà Thanh, hầu hết các chủ doanh nghiệp và các nhà tư vấn trước đây thường sa đà vào thời điểm và dấu hiệu bắt buộc thực hiện tái cấu trúc, với các biểu hiện suy thoái rõ rệt ở bên trong tổ chức về doanh thu và lợi nhuận, nội bộ lục đục.

Đánh giá cao vai trò của người lãnh đạo trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, bà Thanh Vân chia sẻ: “Nhiều nhà lãnh đạo lại hay lo lắng đến việc nhân sự phản ứng với sự thay đổi và tìm kiếm giải pháp khắc phục; hơn là việc nhận thức rằng chính bản thân họ đóng vai trò tiên phong khi quyết định thực hiện tái cấu trúc, họ phải là người chuẩn bị tâm – thế - hành động phù hợp đối với quá trình xoay quanh sự thay đổi. Chọn thay đổi hay không, sếp quyết định, sếp tiên phong, sếp kiên quyết thúc đẩy quá trình”.

Câu chuyện “từ chối đổi mới” của Kodak – thương hiệu sản xuất phim cho máy ảnh lớn nhất thế giới với cơ hội phát triển máy ảnh kỹ thuật số đã được chia sẻ tại Tọa đàm như một bài học đắt giá về việc lãnh đạo từ chối đổi mới chiến lược dẫn đến phá sản. Cơ hội mà Kodak bỏ lỡ tương đương với câu chuyện kinh điển của Nokia trong việc phát triển hay không phát triển điện thoại màn hình cảm ứng.

Hai lần liên tiếp, các lãnh đạo của Kodak đã từ chối máy ảnh kỹ thuật số do Steven Sasson (cha đẻ của máy ảnh số) đề xuất. Lần đầu là năm 1975, chiếc máy khi đó cần hiển thị ảnh chụp kết nối với màn hình. Kodak kiên quyết từ chối phát minh này vì cho rằng chẳng ai muốn xem ảnh trên một màn hình lớn như chiếc TV.

Lần từ chối thứ 2 là năm 1989, Steven cùng Robert Hills đã tạo nên chiếc máy ảnh kĩ thuật số có gương lật (DSLR) đầu tiên trên thế giới ( đã có thẻ nhớ bên trong, hình ảnh được trình chiếu nhỏ hơn, tiện cho việc theo dõi).

Khi sản phẩm hoàn thiện hơn, chứng minh tính khả thi và cơ hội thay đổi thị trường, Kodak vẫn từ chối nó. Sau này, mọi người mới biết không phải Kodak không nhìn ra tiềm năng của máy ảnh số, mà họ lo sợ máy ảnh số phát triển sẽ đánh dấu chấm hết cho doanh số bán phim máy ảnh, là doanh thu chính của họ. Kodak không dám đầu tư vào những chiếc máy ảnh có phần mới mẻ mà không kém rủi ro này. Tuy nhiên họ vẫn thu lợi từ bản quyền camera số.

Năm 2012, Kodak đã phải nộp đơn phá sản khi hết tiền từ bản quyền camera số, nguồn thu từ phim giảm sút, kết thúc thời gian dài từng thống trị thị trường.

Trong khi đó, trái ngược với Kodak, Sony từng có thời tụt dốc trong cuộc chiến công nghệ - điện tử đã hồi sinh mạnh mẽ sau quá trình tái cấu trúc chiến lược. Dưới thời của CEO Kazuo Hirai, Sony đã tăng trưởng ngoạn mục với những con số đáng kinh ngạc.

Năm 2016, Sony lãi gần 2,65 tỷ USD, tăng 19% so với dự báo. Lợi nhuận ròng tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2017, Sony công bố lãi gần 6,73 tỷ USD; cao gấp 2,5 lần năm 2016. Lợi nhuận ròng năm 2017 tăng gấp 7 lần, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Năm 2018, lợi nhuận hoạt động 8 tỷ USD, lãi ròng mang về 8,2 tỷ USD. Trong đó nổi bật với đóng góp từ Trò chơi, Âm nhạc ghi nhận tăng trưởng 3 con số, những ngành tập trung phát triển mới theo xu hướng thị trường.

Hai câu chuyện “một thành, một bại” nhưng thể hiện rõ vai trò tiên phong và kiên quyết của nhà lãnh đạo và văn hóa doanh nghiệp quyết định quá trình “sống còn” của doanh nghiệp.

“Máy ảnh không phim” mất hàng chục năm để thay thế thị trường, Kodak đợi 37 năm mới phá sản, Sony mất 20 năm giậm chân và 5 năm nỗ lực cải cách để thay đổi cục diện, tuy nhiên trong “Thời đại 4.0”, không ai chờ bạn và công ty bạn lâu như vậy”, bà Thanh Vân nhấn mạnh.

Ngọc Thanh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/giai-ma-cau-chuyen-thanh-cong-cua-sony-va-that-bai-dau-don-cua-kodak-106930.html