Giải đấu của những bất ngờ

Kể từ khi World Cup và các giải đấu khác trong hệ thống của FIFA cùng các liên đoàn thành viên ra đời, bộ môn bóng đá nam của Olympic không còn được các quốc gia chú trọng. Với những thay đổi về luật đăng ký cầu thủ bắt đầu từ năm 1992, nó đã trở thành sân chơi của những tài năng trẻ và là cơ hội để họ bước ra ánh sáng.

Đội Olympic Nigeria với tấm Huy chương Vàng lịch sử ở Atlanta 1996. Ảnh: Goal

Đội Olympic Nigeria với tấm Huy chương Vàng lịch sử ở Atlanta 1996. Ảnh: Goal

Tiếng vọng lịch sử

Cho đến trước khi World Cup bóng đá chính thức ra đời và được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1930, bóng đá tại Olympic có thể xem là một giải vô địch thế giới thu nhỏ. Nhưng điều này đã nhanh chóng chấm dứt khi FIFA tổ chức thành công World Cup và chuyên nghiệp hóa bóng đá trên phạm vi toàn cầu.

Sự xung đột về mặt quản lý giữa FIFA (Liên đoàn bóng đá thế giới) và IOC (Ủy ban Olympic quốc tế) cuối cùng đã được giải quyết bằng cách IOC chỉ cho phép các cầu thủ nghiệp dư được thi đấu tại Olympic. Điều này đã dẫn đến sự thống trị trong thời gian dài của các đội bóng Đông Âu, khi các cầu thủ tài năng vẫn được tính là nghiệp dư vì ăn lương bao cấp của nhà nước. Trong khi đó, các nền bóng đá mạnh trên thế giới không còn chú trọng sân chơi Olympic bởi thành tích của các cầu thủ nghiệp dư không ảnh hưởng nhiều đến vị thế của họ.

Mãi đến năm 1984, hai tổ chức mới thống nhất rằng các cầu thủ chuyên nghiệp cũng sẽ được tham dự Olympic. 8 năm sau, tại Olympic Barcelona 1992, lần đầu tiên IOC áp dụng luật các đội bóng dự Olympic chỉ được sử dụng cầu thủ trẻ dưới 23 tuổi. 4 năm sau, tại Olympic Atlanta 1996, luật thêm một lần được cải tiến khi mỗi đội được phép đăng ký tối đa 3 cầu thủ quá 23 tuổi trong đội hình. Tất cả những thay đổi đều nhắm đến mục tiêu là làm cho môn bóng đá nam ở Olympic hấp dẫn và thu hút khán giả hơn.

Mục đích đó đã đạt được ngay ở Olympic Atlanta 1996, khi đội Olympic Nigeria với thế hệ vàng gồm những danh thủ như Kanu, Okocha, Amokachi...đã giành tấm Huy chương Vàng sau khi đánh bại cả hai đội bóng mạnh nhất Nam Mỹ là Brazil và Argentina. Cho đến tận thời điểm này, chiến tích của “Siêu đại bàng xanh” vẫn luôn được nhắc đến như một trong những ấn tượng đẹp nhất của môn bóng đá tại các kỳ Olympic.

Sân chơi cho tài năng trẻ

Có một thực tế không thể phủ nhận là dù đã liên tục cải tiến để trở nên hấp dẫn hơn, môn bóng đá nam ở Olympic sẽ không bao giờ có được sức hút như World Cup hay EURO. Lý do chính là bởi sự thiếu vắng những ngôi sao hàng đầu thế giới. Với đội hình “U23+3”, hầu hết thành viên các đội bóng đều là những cầu thủ trẻ. 3 suất quá tuổi thì thường được dành cho những cầu thủ ít được sử dụng hoặc không có cơ hội ở đội tuyển quốc gia. Chỉ có vài trường hợp hãn hữu như Neymar, ngôi sao sáng nhất của bóng đá Brazil được triệu tập dự Olympic Rio de Janeiro 2016 vì giải đấu này được tổ chức tại quê hương Brazil và nước chủ nhà khát khao có được tấm Huy chương Vàng bóng đá nam lần đầu tiên trong lịch sử.

Không phải các cường quốc bóng đá như Brazil, Đức hay Italia, Hungary mới đang là quốc gia có được thành tích tốt nhất ở môn bóng đá nam tại các kỳ Olympic. Họ đã giành 3 tấm Huy chương Vàng các kỳ Olympic 1952, 1964 và 1968; 1 Huy chương Bạc Olympic 1972 và 1 Huy chương Đồng Olympic 1960.

Tuy vậy, việc trở thành sân chơi cho cầu thủ trẻ tham dự cũng giúp bóng đá nam ở Olympic đáng chú ý hơn, bởi đây có thể là nơi chắp cánh cho nhiều ngôi sao tương lai. Hai ngôi sao lớn nhất của bóng đá thế giới đương đại là Cristiano Ronaldo và Lionel Messi đều đã từng thi đấu ở Olympic. Ronaldo có mặt trong thành phần Olympic Bồ Đào Nha dự Olympic Athens 2004 còn Messi cùng Olympic Argentina còn giành Huy chương Vàng ở Olympic Bắc Kinh 2008.

Ở giải đấu năm nay, khán giả cũng sẽ được chứng kiến những màn trình diễn của các tài năng trẻ hàng đầu thế giới. Nổi bật nhất trong số đó là tiền vệ Pedri của Tây Ban Nha. Cầu thủ sinh năm 2002 đang có những bước thăng tiến vượt bậc trong sự nghiệp khi có suất đá chính ở Barcelona mùa trước và cũng đã thi đấu cực hay ở EURO 2020 vừa rồi.

Với tính chất đặc trưng của các giải đấu dành cho cầu thủ trẻ là sự nhiệt tình và cống hiến, môn bóng đá nam tại Olympic cũng luôn chứng kiến những điều bất ngờ. Ngoài chức vô địch của Nigeria năm 1996, 4 năm sau đó một đội bóng châu Phi khác là Cameroon cũng đã giành tấm Huy chương Vàng ở Olympic Sydney 2000. Những chú ngựa ô luôn luôn xuất hiện là môt yếu tố đặc biệt tạo nên sức hấp dẫn cho bóng đá Olympic.

Hoàng Hải

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/giai-dau-cua-nhung-bat-ngo-post441963.html