Giải đáp thắc mắc của khách hàng về việc tiền điện tăng cao

Phó Tổng Giám đốc EVNSPC cho biết nguyên nhân chính của việc tiền điện tăng cao là do điện năng sử dụng của khách hàng tăng cao.

Ngày 23-3, Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực Tây Nam Bộ phối hợp với Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) tổ chức tọa đàm "Cung ứng điện mùa nắng nóng".

Tại buổi tọa đàm, PGS-TS Lê Anh Tuấn - cố vấn khoa học Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường ĐH Cần Thơ - cho biết theo thông báo của đài khí tượng thủy văn, mùa khô năm nay sẽ kéo dài đến giữa tháng 5. Hiện nhiệt độ đo được ngoài trời lúc lên đến 36 độ C, kèm theo tia UV trong không khí rất cao, tạo nên cảm giác rất oi bức và khó chịu.

-Quan cảnh buổi tọa đàm

Theo ông Bùi Quốc Hoan, Phó Tổng Giám đốc EVNSPC, với ảnh hưởng của hiện tượng nắng nóng kéo dài, cùng với việc nền kinh tế trong nước đã dần phục hồi, vì thế sản lượng điện tiêu thụ trong năm 2024 tăng rất cao.

Tại tọa đàm, ông Võ Hải Ngọc Tài (ngụ quận Cái Răng, TP Cần Thơ) đặt câu hỏi: "Tháng 2 vừa qua, tiền điện gia đình tôi tăng cao mặc dù không sử dụng điện quá nhiều so với tháng trước. Tôi muốn biết nguyên nhân do đâu? Giá điện có tăng không?".

Lý giải về vấn đề này, ông Hoan cho biết nguyên nhân chính của việc tiền điện tăng cao là do điện năng sử dụng của khách hàng tăng cao.

"Cụ thể, nguyên nhân điện năng tăng cao đến từ việc sử dụng các thiết bị làm mát. Trong đó, máy điều hòa chính là thiết bị khiến việc sử dụng điện tăng cao nhất. Bởi lẽ, việc điều hòa không khí trong nhà ở nền nhiệt độ cao sẽ làm tăng sản lượng điện tiêu thụ hơn so với việc điều hòa không khí trong nhà trên nền nhiệt độ thấp. Đây chính là nguyên nhân hóa đơn điện của bà con thường sẽ cao hơn trong mùa nắng nóng" - ông Hoan giải thích.

Ông Nguyễn Thanh Điền (ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) tỏ ra băn khoăn: "Điện của chúng ta hiện nay chủ yếu là thủy điện. Với tình trạng biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay thì liệu thủy điện có bền vững không? Trong tương lai, nguồn nước có cạn kiệt không?".

Giải đáp vấn đề trên, PGS-TS Lê Anh Tuấn cho rằng hiện tại, ngoài điện cung cấp từ các nhà máy thủy điện, ngành điện cũng đã có những giải pháp từ việc sản xuất điện tái tạo từ năng lượng mặt trời, gió. Điều này ngoài việc làm giảm tải cho thủy điện và giảm lượng khí thải carbon thì còn góp phần bảo vệ môi trường.

Việc sử dụng nguồn điện tái tạo từ năng lượng mặt trời và gió góp phần chia sẻ gánh nặng cho ngành điện trong mùa nắng nóng hiện nay

"Chúng tôi khuyến khích doanh nghiệp và người dân lắp đặt các hệ thống điện năng lượng mặt trời để tiết kiệm chi phí sử dụng điện, cũng như chia sẻ bớt gánh nặng cho ngành điện trong những giai đoạn cao điểm như hiện nay" - PGS-TS Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Đối với khách hàng là doanh nghiệp có lượng tiêu thụ điện lớn, ông Hoan cho biết ngành điện thực hiện các chương trình dịch chuyển phụ tải nhằm khuyến khích khách hàng sắp xếp lại việc sản xuất của mình nhằm dịch chuyển từ khung giờ cao điểm sử dụng điện sang các khung giờ khác.

Tin - ảnh: Lê Hoàng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giai-dap-thac-mac-cua-khach-hang-ve-viec-tien-dien-tang-cao-196240323185110477.htm