Giải 'cơn khát' siêu thị, trung tâm thương mại cho các huyện ngoại thành Hà Nội

Trong những năm qua, rất nhiều trung tâm thương mại hiện đại đã được khai trương ở TP Hà Nội, thay đổi diện mạo về hạ tầng thương mại của Thủ đô. Mặc dù vậy, ở một số huyện ngoại thành, việc phát triển các trung tâm thương mại hiện đại vẫn đang là bài toán nan giải.

Tháng 9 tới, Trung tâm thương mại Lotte Mall West Lake Hanoi (Lotte Mall Tây Hồ) chính thức khai trương. Ngoài hệ thống gian hàng mua sắm, Lotte Mall Tây Hồ còn có thêm các dịch vụ giải trí như khu vui chơi thể thao và hướng nghiệp, rạp chiếu phim, thủy cung trong nhà lớn nhất Hà Nội, thư viện, phòng trưng bày và phòng hội thảo…

Hệ thống hạ tầng đã thay đổi, hiện đại hơn

Tập đoàn Lotte kỳ vọng, dự án mới này sẽ đạt được thành công, nhận được sự ủng hộ của người dân Thủ đô. “Chúng tôi sẽ tích cực hợp tác với quận Tây Hồ và TP Hà Nội để góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn”, đại diện Tập đoàn Lotte nhấn mạnh.

Trung tâm thương mại Lotte Mall West Lake Hanoi.

Trong khi đó, nối tiếp thành công của hai dự án trung tâm thương mại lớn là Aeon Mall Long Biên và Aeon Mall Hà Đông, Tập đoàn AEON (Nhật Bản) đang đặt mục tiêu tới năm 2026, có thêm cùng lúc bốn trung tâm thương mại tại Hà Nội. Hiện tập đoàn này đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để khởi công xây dựng các trung tâm thương mại tại quận Hoàng Mai và quận Bắc Từ Liêm.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, triển khai Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Sở Công Thương đã phối hợp các sở, ngành và ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện xúc tiến các dự án đầu tư và đưa ra các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các loại hình hạ tầng thương mại hiện đại trên địa bàn.

Giai đoạn 2010, TP Hà Nội chỉ có 10 trung tâm thương mại, 78 siêu thị, thì đến nay đã phát triển được 29 trung tâm thương mại, 135 siêu thị và hơn 2.000 cửa hàng tiện lợi. Diện mạo hệ thống, hạ tầng thương mại tại Thủ đô đã thay đổi, hiện đại hơn.

'Cơn khát' ở huyện ngoại thành

Tuy nhiên, việc phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị ở TP Hà Nội còn chưa đồng đều, chủ yếu tập trung ở khu vực nội thành, khó thu hút đầu tư về khu vực ngoại thành. Đáng lưu ý, tại các huyện chuẩn bị lên quận và các địa phương thực hiện chương trình nông thôn mới nâng cao đang gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chí về hạ tầng thương mại hiện đại.

Nhiều huyện ngoại thành Hà Nội 'khát' siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại.

Trong những năm qua, hạ tầng thương mại được huyện Phúc Thọ đặc biệt quan tâm, đầu tư. Hiện, trên địa bàn huyện đã có 11 chợ. Mặc dù vậy, huyện lại chưa có bất cứ siêu thị và trung tâm thương mại nào. Hệ thống các điểm thương mại, kinh doanh dịch vụ cũng được đánh giá là tương đối nhỏ lẻ, tồn tại xen kẽ trong các khu dân cư và trên các tuyến đường, tuyến phố, cơ bản đảm bảo phục vụ nhu cầu hàng hóa thiết yếu hàng ngày của Nhân dân…

Bà Lê Thị Kim Phương, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ cho biết, song song với những khó khăn, hạn chế, địa phương cũng có những lợi thế nhất định để có thể thúc đẩy phát triển thương mại. Phúc Thọ là vùng chuyển tiếp giữa huyện Đan Phượng và thị xã Sơn Tây - hai địa phương có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và tốc độ đô thị hóa.

Trên địa bàn huyện cũng có nhiều tuyến đường giao thông cấp vùng đi qua như Quốc lộ 32, Tỉnh lộ 417 - 418 - 419 - 420 và 421, với quy mô từ 2 - 4 làn xe, có vai trò kết nối giữa các xã, thị trấn trên địa bàn huyện và giữa huyện với các địa phương lân cận. Đây là tiền đề rất quan trọng để thúc đẩy giao thương hàng hóa.

Theo Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn, phát triển hạ tầng thương mại là một trong những nội dung hết sức quan trọng được đề cập trong đề án “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ và làng nghề trên địa bàn huyện Phúc Thọ giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn huyện Phúc Thọ có sự gia tăng qua từng năm. Nếu như năm 2008, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của địa phương chỉ khoảng 550 tỷ đồng, thì đến năm 2022, con số này đã đạt 5.460 tỷ đồng (theo giá thực tế).

“Hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng tiện lợi cũng đã được huyện đưa vào định hướng quy hoạch. Mục tiêu là thúc đẩy phát triển thương mại gắn với dịch vụ - du lịch, trên cơ sở tận dụng và phát huy hiệu quả những giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa, cũng như làng nghề truyền thống…”, ông Nguyễn Đình Sơn cho hay.

Trong kế hoạch từ nay đến năm 2025, huyện Phúc Thọ sẽ tổ chức đầu tư xây dựng mới 7 chợ trung tâm xã gồm chợ Thượng Cốc, chợ Liên Hiệp, chợ Trạch Mỹ Lộc, chợ Xuân Phú, chợ Vân Hà, chợ Vân Nam, chợ Thanh Đa. Đồng thời, tập trung kêu gọi tổ chức, doanh nghiệp tham gia phát triển 6 siêu thị và 1 trung tâm thương mại mua sắm cấp vùng nhằm thúc đẩy giao thương giữa huyện và các địa phương lân cận.

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các dự án thương mại

Bên cạnh đó, TS. Đinh Thị Mỹ Loan, chuyên gia trong ngành bán lẻ cũng chỉ ra, thời gian qua, hệ thống thương mại của TP Hà Nội vẫn chưa phát huy hiệu quả xứng với tiềm năng sẵn có. Chưa kể, hệ thống hạ tầng thương mại trên địa bàn hiện tồn tại nhiều bất cập, khó khăn. Hầu hết các chợ được xây dựng từ nhiều năm trước, đều đã xuống cấp, không bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ, văn minh thương mại.

Còn các loại hình trung tâm thương mại chủ yếu là trung tâm mua sắm tổng hợp, phục vụ bán lẻ, chưa có các trung tâm thương mại quốc tế, các trung tâm bán buôn và trung tâm logistics lớn. Một số trung tâm mua sắm hiện đại, mới tuy có quy mô lớn hơn, song vẫn chưa đạt tiêu chuẩn của thế giới, nên chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập và chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô.

Thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng thương mại trên địa bàn, xem xét cơ chế hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp phân phối phát triển mạng lưới kinh doanh thương mại, nhất là phát triển về các huyện ngoại thành.

Trong đó, tích cực kêu gọi xã hội hóa đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại, tạo đột phá trong phát triển thương mại-dịch vụ trên cơ sở mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình, nâng cao chất lượng nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng đồng bộ, văn minh.

Minh Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//dia-phuong/giai-apos-con-khat-apos-sieu-thi-trung-tam-thuong-mai-cho-cac-huyen-ngoai-thanh-ha-noi-1094696.html