'Giải cơn khát' miền cực Bắc

BHG - Kỳ cuối: Lời giải “bài toán” thiếu nước mùa khô

Tìm rõ nguyên nhân thiếu nước mùa khô và có giải pháp chiến lược để khắc phục tình trạng này đang được tỉnh ta đặc biệt quan tâm để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, từng bước phát triển kinh tế nông thôn và hướng tới giảm nghèo bền vững.

Cơn mưa đầu mùa chỉ mang lại số nước ít ỏi cho “hồ treo” thôn Mã Pì Lèng, xã Pải Lủng (Mèo Vạc).

Mặc dù nằm ở thượng nguồn 3 lưu vực sông lớn gồm sông Chảy, sông Lô và sông Gâm với tổng chiều dài khoảng 182 km; cùng hệ thống các phụ lưu cấp 1 có chiều dài và diện tích lưu vực lớn như: sông Bạc, sông Con, ngòi Sảo, sông Miện, Nho Quế... nhưng sông, suối ở tỉnh ta có độ nông, sâu không đều, độ dốc lớn, nhiều thác ghềnh, không thuận lợi cho giao thông đường thủy và tích trữ nước. Do đó, tỉnh xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm đó là quản lý, khai thác, sử dụng bền vững, an toàn và hiệu quả, đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, đa mục tiêu trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Tỉnh ta tuy có mật độ sông, suối tương đối dày và trữ lượng nước lớn nhưng phân bố không đều và mất cân đối theo mùa. Đây là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng khô hạn, tình trạng thiếu nước sinh hoạt và nước phục vụ cho ngành Nông nghiệp, đặc biệt là 4 huyện vùng cao phía Bắc và 2 huyện phía Tây. Hiện toàn tỉnh có trên 3.940 công trình cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt, chăn nuôi, nhưng chỉ có trên 2.320 công trình có đầu mối lấy nước ổn định, trên 1.610 công trình là kênh mương thường xuyên bị bồi lấp mùa mưa lũ.

Do hạn hán kéo dài khiến nhiều diện tích ngô của huyện Xín Mần không thể thụ phấn, cây có bắp nhưng không có hạt.

Toàn tỉnh có 59 hồ chứa, trên 2.600 bai đập đã được xây dựng, đây là những công trình cấp nước tưới phòng, chống hạn. Ngoài ra, có 840 hệ cấp nước tập trung tự chảy, 6 động lực và 116 “hồ treo” phục vụ cấp nước, chống thiếu nước sinh hoạt. Tuy nhiên, nhiều công trình đang bị xuống cấp, các hồ chứa nước đã được xây dựng chủ yếu vừa và nhỏ, nằm tại địa bàn các huyện vùng núi thấp. Mặt khác, toàn tỉnh có 987 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn; trong đó, có 140 công trình hoạt động bền vững, 301 công trình tương đối bền vững; không bền vững 329 công trình; không hoạt động 104 công trình.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hoàng Hải Lý: Do đặc điểm địa hình đồi núi nhiều nên nguồn nước mặt và nước ngầm phân bố không đều, dẫn đến thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt, sản xuất vào các tháng mùa khô. Trên địa bàn tỉnh đã xây dựng các hồ chứa thủy điện không hỗ trợ về thủy lợi và cấp nước sinh hoạt; mặc dù việc xây dựng các hồ chứa góp phần tăng lượng nước cấp vào mùa khô nhưng cũng gây ra tình trạng suy giảm dòng chảy ở hạ lưu các hồ chứa, dẫn đến suy giảm chất lượng nước. Mặt khác, sự gia tăng về dân số và phát triển KT – XH nên nhu cầu về nước cho sinh hoạt, sản xuất, dịch vụ, du lịch ngày càng tăng cao, dẫn đến khả năng cấp nước ngày càng thiếu hụt.

Những người phụ nữ ở Cao nguyên đá háo hức gùi bồn nước về nhà. Ảnh: TƯ LIỆU

Các công trình đầu mối không có khả năng điều tiết làm giảm hiệu quả các công trình thủy lợi dẫn đến thiếu nước về mùa khô, không đủ cấp nước sinh hoạt và sản xuất. Hệ thống công trình thủy lợi nhỏ lẻ, khu hưởng lợi không đủ lớn, phân tán, nên khó áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại. Mặc dù đã triển khai không ít giải pháp như “hồ treo”, máng lần, khe nước, các hình thức trữ nước vào mùa mưa như lu, bể chứa... nhưng chỉ đáp ứng phần nào “cơn khát” và phụ thuộc lớn vào thiên nhiên nên không mang tính bền vững, lâu dài. Các “hồ treo” có quy mô công trình nhỏ, dung tích hồ chứa ít, trữ được ít nước nên mới chỉ giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nông nghiệp vào mùa khô đối với các khu dân cư tập trung ít người, các cơ quan hành chính trên địa bàn cấp xã, thôn, bản. Do điều kiện địa hình, địa chất nên các công trình thường xảy ra hư hỏng, việc sửa chữa mất nhiều thời gian và phức tạp, các sự cố hư hỏng ngày càng trầm trọng.

Theo định hướng phát triển trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh ta xác định đến năm 2030, lượng nước cần cấp bổ sung cho các nhà máy nước tại đô thị 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc là 7.700 m3/ngày đêm. Do đó, việc xây dựng các hồ chứa nước lớn, đa mục tiêu là giải pháp hữu hiệu cho “bài toán” thiếu nước sinh hoạt. BTV Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 28, ngày 12.9.2022 về thực hiện Kết luận số 36, ngày 23.6.2022 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 86, ngày 8.3.2023 để triển khai thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý chia sẻ: Tỉnh xác định đến năm 2025 giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất, đặc biệt là các khu vực vùng cao núi đá phía Bắc; cơ bản sửa chữa, nâng cấp, bảo đảm an toàn các đập, hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp; đến năm 2030, hoàn thiện đồng bộ hệ thống hồ chứa đa mục tiêu; đến năm 2045 chủ động được nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển KT – XH... Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách; lồng nghép các nguồn lực trong đầu tư công, xây dựng phương án hỗ trợ cho các vùng khan hiếm nước và vùng thường xuyên xảy ra thiên tai; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý vận hành, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa...

Lời giải cho “bài toán” thiếu nước mùa khô được tỉnh lập trình bằng các giải pháp căn cơ, mang tính chiến lược. Tập trung vào việc xây dựng mới, nâng cấp hồ chứa lớn ở các huyện vùng thấp có khả năng điều tiết nước, chuyển nước liên vùng bằng động lực, thay thế dần các công trình thủy lợi quy mô nhỏ. Xây dựng các hồ chứa nước lớn, có thể điều tiết nguồn nước ở 4 huyện vùng cao phía Bắc và 2 huyện phía Tây, giúp đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất không bị gián đoạn; ngoài ra, các hồ chứa nước lớn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, kết nối các vùng du lịch, danh lam thắng cảnh, đưa các địa danh đơn lẻ thành hệ thống du lịch mang bản sắc. Đẩy mạnh trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, đảm bảo hiệu quả lâu dài và bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như bảo vệ nguồn nước, giảm thiểu nguy cơ thiếu hụt nguồn nước. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đồng bộ, khả thi.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp lưu trữ nguồn nước bền vững, đáp ứng nhu cầu dùng nước cho hiện tại và tương lai để phát triển dân sinh sẽ là nền tảng để tỉnh ta phát triển bền vững KT – XH và môi trường, mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào vùng đất biên cương.

Bài, ảnh: Bùi Thu Hằng

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202306/giai-con-khat-mien-cuc-bac-f7f2952/