Giải Báo chí tỉnh Tây Ninh lần thứ XXII năm 2023: 25 tác phẩm đạt giải

Giải Báo chí tỉnh Tây Ninh là hoạt động mang tính truyền thống của Hội Nhà báo tỉnh được duy trì liên tục 22 năm qua và trở thành Giải Báo chí chính thức của tỉnh, được trao thưởng theo chế độ thi đua - khen thưởng bằng kinh phí từ ngân sách Nhà nước.

Lãnh đạo Hội Nhà báo tỉnh Tây Ninh và Báo Tây Ninh trao giải cho các tác giả đạt giải Nhì Giải Báo chí tỉnh lần thứ 21 năm 2022.

Tham dự giải năm nay, Ban Thư ký 3 Chi hội trực thuộc Hội Nhà báo tỉnh tuyển chọn 66 tác phẩm, cụm tác phẩm báo chí của 36 tác giả (nhóm tác giả) đã đăng trên Báo Tây Ninh, phát trên sóng Đài PTTH Tây Ninh từ Ngày Báo chí 21.6.2022 đến 30.5.2023 (so với năm 2022 tăng 1 tác phẩm).

Đài PTTH Tây Ninh có 29 tác phẩm của 20 tác giả, nhóm tác giả. Trong đó, 21 tác phẩm truyền hình, 8 tác phẩm phát thanh. Báo Tây Ninh có 37 tác phẩm tham dự của 16 tác giả (nhóm tác giả). Trong đó, 28 tác phẩm báo in, 9 tác phẩm báo điện tử.

Về nội dung cho thấy báo chí Tây Ninh năm qua đã có sự tiếp cận, phản ánh cuộc sống xã hội gần gũi hơn, thiết thực hơn. Đội ngũ phóng viên chịu khó tiếp xúc nhiều với thực tế, mạnh dạn xông vào những nơi khó khăn và tác nghiệp một cách nghiêm túc, cẩn trọng để có được những tác phẩm thực sự có chất lượng.

Cụ thể là những tác phẩm thông tin chính xác, quan điểm rõ ràng, đối chiếu thông tin khách quan, nhiều nguồn, có tính phản biện xã hội, có sức thuyết phục, hấp dẫn người đọc người nghe, người xem trong và ngoài tỉnh.

Điểm qua các tác phẩm đạt giải cao, cho thấy nhiều tác phẩm về đề tài xây dựng Đảng, xây dựng nông thôn mới, những đổi thay trên đất Tây Ninh, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Bên cạnh việc phản ánh những tấm gương tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các bài viết cũng mạnh dạn nêu lên những tiêu cực, tồn tại. Tác phẩm đạt giải đặc biệt (Báo in) tác giả đã đi sâu tìm hiểu, điều tra đường dây chạy giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn TP. Tây Ninh của tác giả Huỳnh Tấn Hưng.

Từ dư luận phản ánh thời gian qua trên địa bàn Thành phố nếu nhờ người khác tự thiết kế để xin giấy phép xây dựng thì bị “làm khó”. Đến liên hệ với người có nhiệm vụ nhận hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thành phố Tây Ninh, người này sẽ giới thiệu người thiết kế để xin phép được thuận lợi hơn. Người mà dư luận nhắc đến là một người phụ nữ không công tác trong đơn vị, tổ chức nào, nhưng lại “chạy” được giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ một cách thuận lợi….Bằng nghiệp vụ báo chí, tác giả đã điều tra, phỏng vấn làm rõ vấn đề để UBND Thành phố chấn chỉnh, xử lý những cán bộ, viên chức tiếp tay cho việc làm này.

Loạt bài: Khởi sắc nông thôn mới 20 xã biên giới Tây Ninh (Báo in) của nhóm tác giả Nguyễn Ngọc Hồng Thắm - Nguyễn Thị Phương Thúy. Tác giả đã dày công đi đến các xã biên giới để tìm hiều, phản ánh những đổi thay sau hơn 40 năm kể từ khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước và kết thúc chiến tranh biên giới Tây Nam ở các xã biên giới. Tác giả đã nêu bật được những giá trị của chương trình xây dựng NTM mang lại sự phát triển của 20 xã biên giới, góp phần bảo vệ chủ quyền anh ninh biên giới Tây Ninh nói riêng, cả nước nói chung.

Loạt bài 3 kỳ (Phát thanh): Đổi mới, nâng cao hoạt động mô hình hợp tác xã theo Nghị quyết của Đảng của Triệu Quang Khải. Tác giả có đầu tư thời gian, công sức, đầu tư hậu kỳ, lồng nhạc thu hút người nghe. Có nhiều phát biểu, phỏng vấn làm nổi bật vấn đề phóng sự đề cập trong đổi mới, nâng cao hoạt động mô hình hợp tác xã theo Nghị quyết của Đảng. Hay tác phẩm truyền hình 30 năm theo Đảng, tác giả Triệu Quang Khải cũng đã đầu tư thời gian, công sức, kết hợp âm thanh, hình ảnh, nói lên được sự vượt khó vươn lên và một lòng tin theo Đảng của người dân Kinh Bắc trên đất Tân Châu.

Loạt phóng sự điều tra truyền hình về phòng, chống phá rừng của Hồ Sỹ Công. Phóng sự điều tra, mang tính phát hiện, có sự đầu tư, có những phỏng vấn hay để làm rõ vấn đề trách nhiệm của những người liên quan. 2 tác phẩm báo in và truyền hình đề cập về một chủ đề: Ký túc xá bỏ hoang ở Trường Cao đẳng sư phạm Tây Ninh đều đạt giải do các tác giả có sự đầu tư, đề cập đến vấn đề ký túc xá bỏ hoang và giải quyết được vấn đề đặt ra mà dư luận quan tâm. Tất cả những tác phẩm trên đã thể hiện rõ sự dấn thân, tinh thần trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo.

Một số tác phẩm nổi bật của Báo Tây Ninh như: Họ đã sống những năm tháng như thế (tác giả Việt Đông - Hoàng Yến); loạt bài: Gắn kết quân đội với đồng bào dân tộc, tôn giáo (nhóm tác giả Võ Huỳnh Phương Thảo - Bùi Ngọc Diêu); loạt bài: Trí thức người dân tộc thiểu số: Họ đã vươn lên như thế (tác giả Việt Đông - Hoàng Yến); loạt bài: Tỷ phú tiền ảo, hoa hồng bạc triệu hay con nợ tiền thật? (tác giả Vũ Thị Nguyệt).

Đối với các tác phẩm Phát thanh, truyền hình nổi bật có các tác phẩm: Người đảng viên hết lòng với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (tác giả Lâm Sơn Vương); tác phẩm: Vững tin theo Đảng (tác giả Bùi Công Điều); tác phẩm: Ông Lực của đồng bào Khmer ở Tầm Phô (nhóm tác giả Trần Thị Xuân Vũ - Lê Văn Hà); tác phẩm phản ánh Trường hợp không được cấp đổi sổ đỏ sau hiến đất (nhóm tác giả: Ngô Thị Hồng Minh - Lê Vũ Đông).

Hội đồng Giám khảo và Ban Tổ chức đã chọn 25 tác phẩm đạt giải, bao gồm 1 giải đặc biệt, 3 giải nhất, 5 giải nhì, 6 giải ba và 10 giải khuyến khích của các loại hình: báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình.

Nhìn chung, các tác phẩm của báo in, báo điện tử và phát thanh, truyền hình đã đi sâu, bám sát đời sống thực tế, quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, QPAN, gương người tốt, việc tốt cổ vũ công cuộc đổi mới, làm cho phong trào thi đua yêu nước lan tỏa trong đời sống xã hội, để cho xã hội ngày càng tốt hơn, đẹp hơn.

Các tác phẩm đã phản ánh được hơi thở của cuộc sống hằng ngày cũng như sinh hoạt chính trị nổi bật. Một số tác phẩm có tính phát hiện và phản biện cao, cho thấy bản lĩnh chính trị, năng lực nghiệp vụ, sự dấn thân của phóng viên tiếp tục được phát huy. Tham gia giải lần này có nhiều tác phẩm phát thanh, truyền hình của những phóng viên trẻ, có tác giả tham gia giải lần đầu nhưng đã đạt giải cao, cho thấy những cầm bút trẻ chịu khó lăn lộn, tìm tòi, dám xông vào những nơi khó khăn, nguy hiểm và kiên trì đến cùng để làm rõ sự việc, cho ra đời những tác phẩm được đánh giá cao.

Tuy nhiên, một số tác phẩm, đề tài không còn mới, được khai thác nhiều lần và nay lại tiếp tục khai thác. Có tác phẩm đề tài hay, mang tính phát hiện nhưng cách thể hiện lại không thuyết phục người đọc, người xem. Chưa chú trọng đến đặc điểm, thế mạnh của từng loại hình báo chí. Một số tác phẩm phát thanh, truyền hình thời lượng quá ngắn nên vấn đề được đặt ra không sâu, chưa giải quyết được vấn đề nên không thuyết phục, thiếu tính hấp dẫn.

Năm nay được sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh nâng kinh phí Giải Báo chí tỉnh lên 120 triệu đồng, tuy không bằng những tỉnh, thành khác, song là một nguồn động viên không nhỏ đối với những người làm báo Tây Ninh, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh.

Chuyển đổi số không chỉ đơn giản là số hóa nội dung đưa lên nền tảng số mà phải tạo ra cả một quy trình sản xuất mới, sản phẩm thông tin mới mẻ, thậm chí tạo ra văn hóa trong tòa soạn cho phù hợp với môi trường chuyển đổi số. Người làm báo cũng phải tích cực, không ngừng rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực tác nghiệp, phải trăn trở, phải biết vui với niềm vui của người dân, phải biết buồn và có trách nhiệm với những tiêu cực tồn tại trong xã hội để có thể có những tác phẩm đạt yêu cầu cuộc sống đặt ra, có tính phản biện xã hội sâu sắc góp phần đắc lực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà nói riêng, đất nước nói chung.

Nguyễn Thế

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/giai-bao-chi-tinh-tay-ninh-lan-thu-xxii-nam-2023-25-tac-pham-dat-giai-a159723.html