Giải 'bài toán' phát triển năng lượng sạch

Phát thải khí nhà kính của TP Hồ Chí Minh chiếm đến 23% tổng phát thải của cả nước, chủ yếu là do năng lượng và giao thông. Đây là vấn đề lớn TP Hồ Chí Minh xác định cần phải tập trung ưu tiên giải quyết để thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

TP Hồ Chí Minh tiêu thụ điện bình quân 25 tỷ kwh/năm và đang ưu tiên phát triển 3 lĩnh vực năng lượng tái tạo gồm: Điện mặt trời, điện sinh khối (điện từ chất thải rắn) và điện gió. Về điện sinh khối, hiện một số dự án đốt rác phát điện đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư với tổng công suất đến năm 2030 là 340 MW. TP Hồ Chí Minh cũng đang kêu gọi đầu tư xử lý rác bằng công nghệ đốt rác - phát điện với mong muốn có những nhà máy xử lý rác thông minh, tạo năng lượng an toàn cho môi trường.

Về điện gió, hiện có 2 nhà đầu tư đề xuất thành phố cho phép khảo sát dự án điện gió tại vùng biển ngoài khơi huyện Cần Giờ với công suất 1.000MW và 6.000MW. Thành phố hiện có hơn 14.200 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt gần 360 MWp, đáp ứng 8% - 10% nhu cầu. Tuy nhiên, hiện nay việc ký hợp đồng mua bán điện mặt trời trên mái nhà đang tạm dừng để chờ cơ chế, chính sách mới của Chính phủ. Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, Nghị quyết 98/2023/QH15 cho phép cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công trên địa bàn được lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà và thành phố đang tiến hành các bước để triển khai.

Trong khi đó, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất rất nhiều DN, nhà đầu tư FDI rất quan tâm đến lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là việc sử dụng điện năng lượng mặt trời áp mái cho nhà xưởng, nhưng chưa được hướng dẫn cụ thể. Ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội các DN Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh (HBA) cho biết, khi triển khai điện mặt trời ở các nhà xưởng, mỗi tháng DN sẽ tiết kiệm được ít nhất 30% chi phí tiền điện, ngoài ra DN cũng có chứng chỉ xanh trong xuất khẩu. Hiện Bộ Công thương mới chỉ có quy định về lắp đặt điện mái nhà ở hộ dân, chưa có hướng dẫn cho nhà xưởng của DN, nên HBA cũng đề xuất với Bộ Công thương về vấn đề này để hỗ trợ DN.

Lắp đặt điện mặt trời áp mái để tạo ra năng lượng sạch, bảo vệ môi trường.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh Phạm Bình An thông tin, Việt Nam đã tham gia và ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, và trong một số các FTA này, có những quy định và cam kết liên quan đến năng lượng tái tạo như: Quy định về giảm thuế nhập khẩu cho sản phẩm và thiết bị năng lượng tái tạo trong hiệp định CPTPP; quy định về các rào cản phi thuế quan đối với thương mại và đầu tư trong sản xuất năng lượng tái tạo trong hiệp định EVFTA. “Chính vì thế, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch ở Việt Nam là vấn đề cần lưu tâm, mang tính quyết định cho tương lai phát triển cho nhiều ngành kinh tế”, ông An nói.

Tại Diễn đàn Kinh tế TP Hồ Chí Minh (tổ chức ngày 13-16/9), TS. Trần Du Lịch khẳng định: “TP Hồ Chí Minh phải tận dụng Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội để chuyển đổi xanh. Trên cơ sở xây dựng khung chiến lược về chuyển đổi, thành phố có thể tận dụng ngay để xử lý vấn đề năng lượng tái tạo”. PGS.TS Vũ Minh Khương, Giảng viên cao cấp Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, TP Hồ Chí Minh và Singapore đều có những điểm tương đồng về tiềm năng lớn khai thác năng lượng mặt trời, làm điện mặt trời mái nhà… Trong chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, TP Hồ Chí Minh cần cấu trúc, tổ chức thực hiện với người chịu trách nhiệm cụ thể, có nguồn lực thỏa đáng để quyết định và chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, Chính phủ cần có một tổ hỗ trợ nhằm tháo gỡ những vấn đề về cơ chế, chính sách cho địa phương, DN. Tại Singapore, Chính phủ bỏ ra 70% khoản đầu tư ban đầu để thúc đẩy các DN thực hiện các dự án xanh, đặc biệt là dự án tiết kiệm điện và có cơ quan chịu trách nhiệm là Tổng cục năng lượng. “Còn TP Hồ Chí Minh, có Nghị quyết 98 rất hay nên vận dụng để làm sao có ít nhất 50% tòa nhà có điện mặt trời”, PGS.TS. Vũ Minh Khương chia sẻ.

Tại diễn đàn, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, TP Hồ Chí Minh là siêu đô thị đang phát triển nên phải đối diện nhiều vấn đề như ô nhiễm môi trường, kẹt xe… Với việc xử lý nước thải, đến cuối năm nay đạt 37%, phấn đấu năm 2027-2028 sẽ thu gom xử lý nước thải 100%. Với rác thải, đây là vấn đề nan giải với đô thị lớn. Hiện công nghệ chôn lấp là chính, công nghệ tiên tiến chỉ hơn 10%, nhưng thành phố xác định chỉ duy trì chôn lấp đến cuối năm 2025. Sau đó sẽ chuyển sang xử lý bằng các hình thức khác, đốt rác phát điện ít gây ô nhiễm. Đến cuối năm 2026, TP Hồ Chí Minh sẽ có các nhà máy xử lý rác thải công suất 12.000 tấn mỗi ngày bằng công nghệ đốt rác phát điện hay các công nghệ khác.

T.Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/giai-bai-toan-phat-trien-nang-luong-sach-i707762/