Giải bài toán nhà ở xã hội: Cần giải quyết đồng thời nhiều nút thắt

Nhà ở xã hội là một vấn đề phức tạp với các nút thắt quan trọng liên qua n đến cơ chế. Điều đó đòi hỏi nhiều cơ quan ban ngành cùng vào cuộc.

Một dự án nhà ở xã hội tại TP.Thủ Đức

Một dự án nhà ở xã hội tại TP.Thủ Đức

Trong đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH) cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP.HCM được giao chỉ tiêu 69.700 căn. Bản thân TP.HCM xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và đặt ra mục tiêu hoàn thành số lượng NƠXH còn cao hơn chỉ tiêu được giao. Tuy nhiên, cho đến nay, việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng NƠXH và việc đưa NƠXH đến đúng đối tượng đều đang rất cần khơi thông.

Vào cuối quý 3, Đoàn giám sát HĐND TP.HCM đã tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện các dự án NƠXH trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 - 2025 tại TP.Thủ Đức.

Theo báo cáo, từ năm 2016 đến tháng 9 năm nay, TP.Thủ Đức có 6 dự án NƠXH hoàn thành, đưa vào sử dụng, cung ứng 5.960 căn hộ. Hiện đang đầu tư xây dựng 2 dự án NƠXH với tổng quy mô 1.490 căn hộ. Nhưng có nghịch lý là dù nhu cầu NƠXH thực tế ở TP.HCM nói chung và TP.Thủ Đức nói riêng rất cao, nhưng số lượng đăng ký mua chưa đến 100 người.

Ông Hà Phước Thắng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM cho rằng cần mở rộng nhóm đối tượng được mua để nhiều người có thể tiếp cận loại hình NƠXH.

Chủ đề đối tượng mua NƠXH tiếp tục được nhắc lại trong buổi họp báo định kỳ cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM tháng 11. Ông Hồ Ngọc Việt, Phó trưởng phòng Quản lý nhà và công sở - Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết những bất cập từ phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 09/2021 của Bộ Xây dựng có nội dung: "Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình".

Như vậy, việc quy định "chưa có nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình" sẽ dẫn đến việc hộ gia đình có nhiều người, nhiều thế hệ cùng đăng ký thường trú khó được hưởng chính sách về nhà ở xã hội. Điều đó trên thực tế cản trở những người có nhu cầu thực sự về NƠXH nhưng lại không thể tiếp cận mua.

Một điều nữa khiến NƠXH chưa đi vào đời sống là số lượng hoàn thành khá ít khiến người có nhu cầu cảm thấy khó có cơ hội chạm tới. Điều này đã tồn tại khá lâu qua những con số.

Cụ thể, giai đoạn 2006 - 2010, 2 dự án được xây dựng hoàn thành với quy mô sử dụng đất gần 0,5 ha, diện tích sàn xây dựng 10.090 mét vuông, 118 căn hộ. Giai đoạn 2011 - 2015, đưa vào sử dụng 10 dự án với quy mô sử dụng đất 10,1 ha, diện tích sàn xây dựng 347.184 mét vuông, 3.768 căn hộ.

Giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn TP.HCM có 93 dự án NƠXH với tổng diện tích đất 256,75 ha, quy mô dự kiến khoảng 126.077 căn hộ với gần 8,7 triệu m2 sàn xây dựng. Trong đó, 62 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư/chấp thuận đầu tư với tổng diện tích đất 147,08 ha, quy mô 68.930 căn hộ với 5.035.468 m2 sàn xây dựng.

Tuy nhiên, số dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng chỉ có 19 dự án NƠXH với tổng diện tích đất 24,67 ha và 1.188.761 m2 sàn xây dựng, quy mô 14.954 căn hộ. Phần lớn các dự án còn lại vẫn chưa được triển khai được chuyển tiếp sang giai đoạn sau.

Giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn TP.HCM có 91 dự án NƠXH với tổng diện tích đất 210,4 ha, quy mô dự kiến khoảng 98.685 căn hộ với gần 6,8 triệu m2 sàn xây dựng. Trong đó có 49/91 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư/chấp thuận đầu tư với tổng diện tích đất 125,87 ha, quy mô 56.200 căn hộ với hơn 4 triệu m2 sàn xây dựng (có 46/49 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn năm 2016-2020).

Tuy nhiên, qua nửa chặng đường của giai đoạn này, TP.HCM mới hoàn thành đưa vào sử dụng 2 dự án với diện tích đất 18.459,6 m2, diện tích sàn xây dựng 59.893 m2, quy mô 623 căn hộ. Ngoài ra, có 7 dự án NƠXH và nhà lưu trú công nhân vẫn đang thi công với quy mô 4.996 căn hộ, tổng diện tích sàn 383.258 m2. Tính đến tháng 9, 82 dự án vẫn đang được thống kê để theo dõi trong kế hoạch phát triển NƠXH.

Như vậy, để NƠXH thực sự được khai thông ở TP.HCM và có lẽ là ở nhiều tỉnh thành khác trên nước ta thì cần phải giải quyết tốt bài toán đối tượng mua nhà và thúc đẩy doanh nghiệp sớm hoàn thành các dự án, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.

Nói đến cái khó của cả doanh nghiệp và khách hàng mua NƠXH hiện nay vẫn là tiếp cận nguồn tiền. Chính phủ đã nhìn ra điều này khi đề ra chương trình cho vay gói 120.000 tỉ đồng cho NƠXH. Nhưng theo Ngân hàng Nhà nước, mới chỉ có 18/63 UBND công bố 53 dự án với nhu cầu vay 27.000 tỉ đồng và số lượng dự án được giải ngân rất hiếm hoi. Ta hãy thử tìm nguyên nhân việc giải ngân thấp gói vay này.

Trở lại TP.HCM, địa phương có nhu cầu rất lớn về dự án nhà ở xã hội chưa giải ngân được đồng nào trong gói này, các chủ đầu tư chưa có cơ hội tiếp cận gói vay do ngân hàng yêu cầu phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi đó, hầu hết chủ đầu tư dự án, sau khi có quyết định giao đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất, lại chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do vậy, các chủ đầu tư này không thể hoàn thiện hồ sơ vay vốn theo yêu cầu của ngân hàng.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, ngay cả những dự án NƠXH đã hoàn thành cũng chưa có dự án nào được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây cũng là yếu tố khiến người dân rụt rè khi đăng ký mua NƠXH như nêu phần đầu bài viết.

Rõ ràng, bài toán NƠXH là một vấn đề phức tạp nhưng các nút thắt quan trọng đều liên quan đến cơ chế. Điều đó đòi hỏi nhiều cơ quan ban ngành cùng vào cuộc, cùng tháo nút thắt liên quan đến lĩnh vực của mình thì vấn đề mới được giải quyết.

Hồ Đông

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/giai-bai-toan-nha-o-xa-hoi-can-giai-quyet-dong-thoi-nhieu-nut-that-208739.html