Giá vàng hôm nay 16/2: Bật tăng mạnh sau dữ liệu kinh tế

Giá vàng hôm nay (16/2), giá vàng thế giới đảo chiều tăng mạnh so với phiên trước. Ngày 15/2 nhiều nền kinh tế lớn công bố các dữ liệu kinh tế như Mỹ, Anh, Nhật Bản. Thông tin kinh tế kém tích cực đã khiến giới đầu tư quay lại mua vàng.

Giá vàng thế giới tăng mạnh. Ảnh minh họa.

Lúc 6 giờ 10 phút sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay ở ngưỡng 2.003 USD/ounce, tăng mạnh hơn 11 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.

Chốt phiên đêm qua – rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường Mỹ đứng ở mức 2.004 USD/ounce, tăng mạnh 12 USD/ounce so với chốt phiên trước đó.

Thị trường vàng trong nước sáng ngày 15/2 đã mở cửa hoạt động kinh doanh trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Buổi sáng, giá vàng miếng SJC đã giảm mạnh về dưới ngưỡng 76 triệu đồng/lượng chiều mua và dưới mốc 78 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Mất đến 900.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước đó.

Tuy nhiên, giá vàng SJC và vàng nhẫn đều tăng mạnh mẽ vào chiều qua. Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh, giá vàng SJC đứng quanh mức 76,5 – 78,8 triệu đồng/lượng (mua – bán).

Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC trong khoảng 76,5 – 78,82 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 500.000 đồng/lượng chiều mua và 800.000 đồng/lượng chiều bán so với mức thấp nhất trong ngày. Chênh lệch mua – bán ở mức 2,3 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji trên thị trường Hà Nội, mua - bán quanh mức 76,35 – 78,75 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 2,3 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng tại mức 76,7 – 78,7 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua – bán ở mức 2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, đứng ở mức 64,78 – 65,88 triệu đồng/lượng (mua – bán), giảm 150.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua - bán ở mức 1,1 triệu đồng/lượng.

Vàng nhẫn Doji 9999 của Tập đoàn Doji tại thị trường Hà Nội đứng ở mức 64,2 – 65,25 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua nhưng giảm 300.000 đồng/lượng chiều bán. Chênh lệch mua – bán ở mức 1,05 triệu đồng/lượng.

Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới là Nhật Bản rơi vào suy thoái kỹ thuật, khi tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 4/2023 bất ngờ giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước và chỉ số giảm phát GDP tính theo năm giảm 3,8% với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, quý 3/2023 GDP của Nhật Bản đã giảm 0,8% so với quý 2. Số liệu này thấp hơn nhiều so với mức tăng 1,4% dự báo trước đó. Sau 2 quý GDP giảm liên tiếp, theo phân tích kỹ thuật nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đã rơi vào suy thoái và đặc biệt là Nhật Bản đã “nhường” vị trí thứ 3 cho Đức.

Cùng với Nhật Bản, nền kinh tế Anh cũng được coi là rơi vào suy thoái, khi tăng trưởng GDP quý 4 đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức dự báo giảm 0,1%.

Trước đó, quý 3/2023 GDP của Anh đã giảm 0,1%. Theo phân tích kỹ thuật thì Anh sau khi có 2 quý giảm tăng trưởng cũng đã rơi vào suy thoái.

Tại Mỹ, doanh số bán lẻ tháng 1 đã giảm từ mức 0,4% tháng trước xuống âm 0,8% và thấp hơn nhiều mức giảm 0,2% dự báo trước đó. Doanh số bán lẻ lõi tháng 1 cũng đã giảm từ 0,4% tháng trước xuống âm 0,6%, thấp hơn nhiều mức dự báo tăng 0,2%.

Chỉ có số đơn đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tích cực kìm hãm vàng tăng giá. Cụ thể, số đơn đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua giảm từ mức 220.000 đơn tuần trước đó xuống 212.000 đơn, thấp hpn mức 219.000 đơn dự báo.

Để khẳng định Anh và Nhật Bản đã chính thức rơi vào suy thoái hay chưa thì các chuyên gia còn nhiều phân tích. Tuy nhiên, nhìn vào các dữ liệu kinh tế kể trên cho thấy bức tranh kinh tế toàn cầu đang có những diễn biến kém tích cực và khó lường, khi 2 nền kinh tế khá lớn đã có dấu hiệu suy thoái.

Cùng với đó, doanh số bán lẻ tại Mỹ cũng sụt giảm mạnh. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất và kinh doanh, khi tiêu dùng bị thu hẹp. Các nền kinh tế lớn cho thấy dấu hiệu kém tích cực, dự báo rủi ro gia tăng trên thị trường tài chính. Do đó, giới đầu tư đã quay lại mua vàng nhằm phòng ngừa rủi ro và tìm kiếm cơ hội sinh lời dòng vốn.

Hôm nay, thị trường tiếp tục đón nhận khá nhiều thông tin như chỉ số giá sản xuất PPI tại Mỹ. Đây là số liệu liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng và tác động lên quyến định chính sách tiền tệ của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Số liệu này sẽ khiến giá vàng biến động mạnh, do đó giới đầu tư nên quan sát kỹ thị trường để có quyết định chính xác.

Bích Hời

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/gia-vang-hom-nay-16-2-bat-tang-manh-sau-du-lieu-kinh-te.html