Giá trị bên trong của hàng hóa

Hiện khách hàng không chỉ để ý đến chất lượng, giá cả, mẫu mã... mà còn quan tâm đến giá trị ẩn bên trong sản phẩm.

Càng ngày người tiêu dùng càng đòi hỏi cao về chất lượng hàng hóa.

Ông Lê Thành Trung - Quản lý thương mại chuỗi giá trị thực phẩm tươi, Central Retail Việt Nam, dẫn chứng, vừa qua có doanh nghiệp (DN) thủy sản ở Cà Mau mang 2 sản phẩm gồm bánh phồng tôm và tôm khô đến Tuần lễ hàng Việt Nam tổ chức tại Thái Lan. Qua khảo sát, DN nhận thấy, trong các sản phẩm bánh phồng tôm bán ở đây tỷ lệ tôm chỉ chiếm 25% trong thành phần, trong khi sản phẩm cùng loại của DN có tới 40% tôm. Đáng chú ý, tôm trong sản phẩm bánh phồng là tôm sinh thái.

Kết quả, hàng hóa của DN thủy sản bán chạy hơn.

Như vậy, để bán được hàng ở thị trường nước ngoài, ngoài kỹ năng cứng là chuẩn bị kỹ hồ sơ, DN cần có kỹ năng mềm là linh hoạt trong việc tiếp cận thị trường như chia sẻ câu chuyện đặc sắc về sản phẩm. Mấy chục năm “đem chuông đi đánh xứ người”, Vifon trở thành thực phẩm đóng gói “made in Vietnam” ở thị trường các nước với hương vị và mẫu mã được người tiêu dùng các nước đón nhận. Theo bà Bùi Phương Mai - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Vifon, mỗi sản phẩm của DN mang theo câu chuyện về những người đầu bếp tận tụy. Những người tạo ra hương vị chân thật giúp người tiêu dùng trải nghiệm được truyền thống ẩm thực đa dạng và phong phú.

“DN nên xây dựng câu chuyện của sản phẩm để kể cho khách hàng thay vì những sản phẩm thông thường. Bởi, ngày nay người tiêu dùng không chỉ lựa chọn sản phẩm chỉ vì chất lượng” - đại diện Vifon nói.

Không chỉ DN xuất khẩu nỗ lực chào hàng, tìm kiếm thị trường để xuất khẩu nông sản, hiện nay nhu cầu tìm kiếm nguồn hàng của các tập đoàn ở nước ngoài cũng rất lớn. Tại Diễn đàn xuất khẩu 2023 vừa tổ chức tại TPHCM, ông Avaneesh Gupta - Phó Chủ tịch Walmart cho biết, Việt Nam là một trong những thị trường cung ứng hàng hóa quan trọng của nhà bán lẻ này và cũng là trung tâm cung ứng cho khắp Đông Nam Á.

Aeon - nhà bán lẻ lớn nhất Nhật Bản với hơn 18.000 cửa hàng, có mặt ở 14 nước trên thế giới cũng muốn hợp tác với các DN Việt Nam. Đánh giá năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam khi tham gia vào các kênh bán lẻ quốc tế, ông Yuichiro Shiotani - Tổng Giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam cho rằng, nếu các nhà cung cấp chỉ làm những việc giống như trước thì sẽ không thể theo kịp xu thế của thế giới. Với sự thay đổi xu hướng tiêu thụ sản phẩm, số lượng lớn dần bị thay thế bằng sự thân thiện với môi trường, hướng tới tương lai như mô hình phát triển bền vững theo xu hướng này mới có nhiều cơ hội cạnh tranh.

THANH GIANG

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/gia-tri-ben-trong-cua-hang-hoa-5739843.html