Giá thịt lợn tiếp tục giữ ổn định

Phó Thủ tướng phê bình Bộ NN&PTNT vì để giá thịt lợn tăng cao Giá thịt lợn liên tục tăng cao, Bộ Công Thương nói gì?

(HNM) - Ngày 20-12, giá lợn hơi trên thị trường Hà Nội tiếp tục giữ ổn định và có ngày thứ 3 liên tiếp không tăng so với đợt đỉnh điểm những ngày trước đó. Nhằm góp phần bình ổn thị trường, các doanh nghiệp bán lẻ đã triển khai chương trình giảm giá đối với mặt hàng thịt lợn cũng như đưa ra sản phẩm thịt lợn đông lạnh với mức giá tốt để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànôịmới ngày 20-12, tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố Hà Nội, giá thịt lợn không tăng do nguồn cung ổn định. Cụ thể, giá thịt lợn tại hệ thống siêu thị Vinmart vẫn giữ ở mức 139.900-199.000 đồng/kg, tùy loại. Giá thịt lợn của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam tại hệ thống siêu thị được giữ vững so với những ngày trước đó, ở mức giá 88.000-230.000 đồng/kg...

Ảnh minh họa.

Còn tại hệ thống thịt nhập khẩu La Maison đang có chương trình bán thịt lợn nhập khẩu giá giảm 4-18%. Cụ thể, thịt ba chỉ Tây Ban Nha có giá 159.000 đồng/kg; móng giò Tây Ban Nha giảm 17%, còn 79.000 đồng/kg; sườn non nguyên tảng Canada giảm nhẹ 4%, còn 155.000 đồng/kg...

Trong khi đó, tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố như chợ Xanh Kim Liên (Đống Đa), chợ Thành Công (quận Ba Đình)… giá thịt lợn vẫn ở mức 160.000-230.000 đồng/kg. Bà Hà Thị Nhung, tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Nguyễn Cao (quận Hai Bà Trưng) phản ánh, giá thịt lợn tăng cao một tuần trước đó khiến quầy hàng của bà hiện khá vắng khách, do không ít người tiêu dùng đã chuyển sang thực phẩm khác thay thế.

Thông tin về nguồn cung thịt lợn, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, để bù đắp nguồn cung bị thiếu, thành phố đã khuyến khích người dân chuyển sang chăn nuôi các loại gia súc khác trong quy hoạch. Ðến nay, đàn trâu trên địa bàn có 24.000 con, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng thịt trâu đạt 1.185 tấn; đàn bò là 136.000 con, tăng 0,7%, sản lượng thịt bò đạt 7.880 tấn, tăng 0,5%; đàn gia cầm có khoảng 36,5 triệu con, tăng 17,7%...

Hiện trên địa bàn Hà Nội có 8 quận, huyện xuất hiện bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày không phát sinh (Hà Đông, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Phúc Thọ, Hoài Đức). Các trang trại chăn nuôi lớn vẫn duy trì tổng đàn, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nên hạn chế được dịch bệnh.

Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Trần Quốc Toản, Giám đốc Hợp tác xã Thành Đạt (tỉnh Hưng Yên) cho hay, với quy mô 5.000 con lợn thương phẩm, hợp tác xã chăn nuôi theo hướng an toàn, dự kiến trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 100 tấn. Hiện hợp tác xã đang liên kết với một số siêu thị, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội để đưa sản phẩm thịt lợn an toàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.

Đánh giá về tình hình cung cấp thịt lợn những ngày tới, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, do Dịch tả lợn châu Phi đã qua giai đoạn đỉnh, số lượng lợn bị bệnh, tiêu hủy đã giảm dần nên đã có một số nơi được phép tái đàn trở lại, sẽ góp phần bù đắp việc thiếu hụt thịt trong thời gian tới. Ngoài ra, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm sẽ nhập khẩu thịt lợn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng giảm áp lực cho nguồn cung trong nước.

"Hà Nội còn đẩy mạnh phối hợp với các tỉnh, thành phố cung cấp nguồn thực phẩm sạch về Thủ đô. Theo đó, từ đầu năm đến nay, tỉnh Hòa Bình đã cấp 2.500 tấn thịt lợn; 1.000 tấn thịt gà; 500 tấn thịt bò; 1.500 tấn cá sông Đà; tỉnh Vĩnh Phúc cung cấp 250 triệu quả trứng gà; thịt lợn 15.000 tấn; tỉnh Hà Nam cung cấp 22.200 tấn thịt lợn... Từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tý nguồn cung thực phẩm tươi sống không thiếu, người dân có thể yên tâm", bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Về vấn đề này, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thông tin, trước tình hình giá thịt lợn tăng cao, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hội nghị kết nối cung cầu, đưa thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối, trong đó chú trọng vào kết nối mặt hàng thịt lợn tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, tỉnh Hòa Bình, tỉnh Hà Nam…

Bộ NN&PTNT vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình cung ứng thực phẩm cuối năm 2019 và đầu năm 2020, trong đó trọng tâm là tình hình nguồn cung thịt lợn. Theo Bộ NN&PTNT, năm 2019, sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 5 triệu tấn, giảm 6,2% so với năm 2018. Tuy nhiên, riêng chăn nuôi lợn gặp khó khăn do bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Sản lượng thịt lợn cả năm 2019 ước đạt 3,3 triệu tấn, giảm 13,5% so với năm 2018. Hiện nay, tổng đàn lợn của các tỉnh còn khoảng 25 triệu con; trong đó, đàn lợn nái 2,7 triệu con, đàn lợn giống nguồn còn 109 nghìn con, cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân giống phục vụ tái đàn lợn...

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/953507/gia-thit-lon-tiep-tuc-giu-on-dinh