Giá thành điện năm 2012 sẽ tăng dưới 5%

Phiên họp Quốc hội chiều nay bắt đầu với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ xung quanh chủ đề “nóng” là chuyện giá xăng, giá điện. Bộ trưởng cho biết dự kiến năm 2012, giá điện sẽ tăng dưới 5%.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ

Cuối phiên họp buổi sáng, nhiều đại biểu đặt một loạt câu hỏi về vấn đề điều hành điện, giá xăng của Bộ Tài chính, đặc biệt là chuyện giá xăng, giá điện trong thời gian tới sẽ được điều hành ra sao? Tại sao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mua điện ở một số nhà máy với giá rất thấp nhưng vẫn bán điện giá cao, trả lương nhân viên cao và công bố lỗ? Các đại biểu cũng yêu cầu công khai minh bạch về cách tính giá điện và giá xăng dầu.

Năm 2012: Giá thành điện có thể tăng 4,6%

Bộ trưởng Vương Đình Huệ bắt đầu phần trả lời bằng việc khẳng định lại nguyên tắc điều hành giá theo cơ chế thị trường, không bao cấp tràn lan và bù chéo, đảm bảo doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp để duy trì sản xuất. Trong khi đó, hiện nay ngành điện đang được mua giá than bằng 57% giá tiêu thụ nhưng đồng thời phải bao cấp cho sản xuất thép và sản xuất xi măng. Lượng điện cung cấp cho hai ngành này chiếm 10% sản lượng của ngành điện với giá 914 đồng/kwh. Đã có hiện tượng các nhà đầu tư nước ngoài nhập phôi thép vào Việt Nam sản xuất thép để tận dụng giá điện rẻ.

Tuy nhiên, Nhà nước cũng sẵn sàng thực hiện các chính sách bình ổn giá để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Trong năm 2011, chúng ta đã vừa phải thực hiện điều chỉnh giá theo nguyên tắc thị trường, đồng thời vẫn đảm bảo ổn định đời sống xã hội. Giá điện trong năm 2011 chỉ tăng một lần vào ngày 1/3, từ 1.077 đồng/kWh lên 1.242 đồng/kWh và đây là việc bất khả kháng. Theo ông Huệ, đợt điều chỉnh này vẫn chưa tính đúng, tính đủ một số yếu tố đầu vào. Một khoản lỗ lũy kế khá lớn tính đến ngày 31/12/2010 đã bị khoanh lại để phân bổ sang các năm tiếp theo.

Sang năm 2012, các Bộ dự kiến sẽ vẫn giữ cách tính giá thành của năm 2011, không tính phần lãi cho EVN và giữ giá than cho EVN bằng 57 - 60% giá thành tiêu thụ than, tạm thời chưa phân bổ các chi phí còn lại của năm 2010. Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, dự kiến giá thành điện năm tới sẽ tăng khoảng 4,6% so với năm 2011, do chỉ phân bổ 1/4 lỗ năm 2010, 1/3 chênh lệch tỷ giá. Như vậy, giá điện năm 2012 vẫn phải tăng nhưng rất kiềm chế. Giá bán cho hộ nghèo và hộ thu nhập thấp vẫn giữ như hiện nay. Với hộ gia đình tiêu thụ ở mức trung bình thì mức tăng cũng thấp hơn mức bình quân chung của giá thành điện.

EVN sẽ thoái vốn nhanh

Về khoản lỗ 23.500 tỷ đồng của EVN, Bộ trưởng cho biết có hơn 15.000 tỷ đồng là do chênh lệch tỷ giá, còn lại 8.040 tỷ đồng là lỗ trong kinh doanh. Theo báo cáo kiểm toán, khoản lỗ 8040 tỷ đồng này hoàn toàn không tính đến những lỗ lãi trong hoạt động kinh doanh ngoài ngành của EVN.

Trong số 8.040 tỷ đồng lỗ, nguyên nhân chính là do mua điện giá cao từ các nhà máy nhiệt điện. Tổng sản lượng điện giá rẻ (thủy điện) chỉ chiếm khoảng 40%. Tuy nhiên trong mùa hanh khô, thiếu nước, EVN buộc phải mua giá điện cao từ nhiệt điện để duy trì hoạt động cung cấp điện. Dự kiến mức lỗ của EVN trong năm 2011 trên 11.000 tỷ đồng. Đây là nỗ lực rất lớn của toàn ngành.

Bên cạnh đó, EVN cũng đã tính toán hết tất cả các chi phí phải giảm trừ. Ví dụ như các khoản chi phí cho thuê cột điện 200 tỷ đồng, thu bán hàng thanh lý 100 tỷ đồng đều được hạch toán giảm chi phí thấp nhất có thể.

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Đặng thị Mỹ Hương về việc EVN mua điện giá rất thấp từ các nhà máy thủy điện, Bộ trưởng Huệ cho biết điều này là hoàn toàn theo nguyên tắc thị trường. Trước đây, các nhà máy này và EVN đã ký kết hợp đồng có khi lên đến 40 năm không điều chỉnh giá.

Tuy nhiên sau một thời gian ổn định, đến thời điểm này có hai vấn đề đặt ra là chênh lệch tỷ giá và lãi suất cao dẫn đến việc giá EVN mua có thể không đủ để bù đắp chi phí. Hầu hết giá mua các nhà máy này là 450 - 500 đồng. Thủ tướng Chính phủ mới đây đã có chỉ đạo phải từng bước điều chỉnh những bất hợp lý. Sắp tới, EVN và các dối tác sẽ cùng thương thảo với nhau và vấn đề quan trọng là dùng nguồn nào để bù đắp cho các nhà máy này.

Liên quan đến hao phí điện năng và tiết kiệm, Bộ trưởng cho biết thất thoát của EVN còn khá cao, tổn thất điện năng năm 2010 ở mức 10,15%, năm 2011 dự kiến ở mức 9,65%. Hiện nay, EVN đã có kế hoạch thoái vốn trong các ngành kinh doanh ngoài ngành để tập trung cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn, giảm thiểu tổn thất điện năng. Bộ trưởng cho biết tổng số vốn đầu tư ngoài ngành của EVN vào khoảng 4.600 tỷ đồng và ông cam kết lộ trình thoái vốn của EVN sẽ nhanh hơn so với các tập đoàn khác.

Sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính là phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.

Dương An

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/newsdetail.asp?catid=26&newsid=259002