Gia tăng tỉ lệ áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại

Mới đây, Tổng Cục Dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế đã tổng kết 5 năm công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2015, kết quả cho thấy một số mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra đã đạt đúng tiến độ. Trong số đó có thể kể đến mục tiêu quy mô dân số đến năm 2015 là dưới 93 triệu người; tỉ lệ tăng dân số bình quân hàng năm đạt khoảng 1%... Có được những kết quả này không thể không nhắc đến vai trò của việc áp dụng các biện pháp tránh thai.

Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, thuận lợi trong thực hiện mục tiêu dân số là có gắn kết truyền thông với cung ứng dịch vụ KHHGĐ nhằm tăng nhanh số cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai-nhất là các biện pháp tránh thai hiện đại.

Ngày càng nhiều người lựa chọn các phương tiện tránh thai hiện đại.

Trong giai đoạn 2011-2015, tỉ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai luôn ở mức mức cao, cơ cấu sử dụng các biện pháp tránh thai thay đổi theo xu hướng tích cực. Trong vòng 5 năm, tỉ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai ở Việt Nam luôn trên 76%, trong đó các biện pháp tránh thai hiện đại (sử dụng bao cao su, viên uống tránh thai, thuốc tránh thai khẩn cấp) luôn trên 66%. Cơ cấu sử dụng các biện pháp tránh thai cũng thay đổi theo xu hướng tích cực, đúng với định hướng - gia tăng tỉ lệ tránh thai hiện đại. Cụ thể, tỉ lệ sử dụng bao cao su tăng từ 10% (năm 2006) lên 14,7% (năm 2013); cùng thời gian này, tỉ lệ sử dụng viên uống tránh thai tăng từ 13,2% lên 17,6%. Việc sử dụng các biện pháp tránh thai như trên đã giúp cho Việt Nam giữ vững được mức sinh thay thế trong thời gian qua.

Một trong những giải pháp để đạt được các mục tiêu dân số là Bộ Y tế cũng như ngành dân số đã quan tâm đến công tác này; không ngừng thực hiện các quy định về tăng cường các biện pháp tránh thai, trong đó có thúc đẩy hình thức tiếp thị xã hội và xã hội hóa dịch vụ dân số. Điều này được thể hiện rõ nét qua nhiều văn bản, chính sách liên quan đến tiếp thị xã hội, xã hội hóa các loại phương tiện tránh thai và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ đã được ban hành trong 5 năm qua. Có thể kể đến hàng loạt các văn bản như: Thông tư liên Bộ Y tế-Tài chính năm 2013 quy định chế độ tài chính đối với việc thực hiện hoạt động tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai, phòng chống HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục; Quyết định ban hành Quy định về tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai trong chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ; Quyết định phê duyệt đề án tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ… Gần đây nhất là Quyết định 818/QĐ-BYT năm 2015 về phê duyệt đề án xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản tại khu vực thành thị và nông thôn giai đoạn 2015-2020.

Nhờ có những chỉ đạo sát sao, sự quan tâm, tạo cơ chế chính sách nên đã khuyến khích, thu hút được ngày càng nhiều cá nhân, tổ chức, DN tham gia cùng Nhà nước thực hiện các hoạt động tiếp thị xã hội, xã hội hóa dịch vụ KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản, nâng cao chất lượng dân số nói riêng và dịch vụ dân số nói chung. Trong giai đoạn 2011-2015 đã tiếp thị xã hội gần 10 triệu vỉ viên uống tránh thai, gần 80 triệu bao cao su, gần 200 nghìn vòng tránh thai, gần 30 nghìn lọ thuốc tiêm và hơn 1,5 nghìn liều thuốc cấy…

Đồng thời, nội dung, địa bàn triển khai của chương trình tiếp thị xã hội, xã hội hóa ngày càng được mở rộng nhằm tăng sự đa dạng, cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đa dạng của người dân cũng như các hoạt động tiếp thị xã hội, xã hội hóa các loại phương tiện tránh thai. Điều này khẳng định tính đúng đắn và xu hướng tất yếu của tiếp thị xã hội, xã hội hóa dịch vụ KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản nói riêng cũng như dịch vụ dân số nói chung trong chương trình dân số của Việt Nam.

Tuy nhiên, hình thức tiếp thị xã hội và xã hội hóa phương tiện tránh thai vẫn còn mới mẻ. Người dân vốn quen với việc sử dụng phương tiện tránh thai và dịch vụ DS-KHHGĐ được cấp phát miễn phí. Trong khi đó, nguồn vốn về phương tiện tránh thai còn hạn chế, thực tế những năm qua cho thấy ngân sách Trung ương chỉ đáp ứng chủ yếu cho đối tượng cấp miễn phí theo quy định, chưa tính đến phương tiện tránh thai cho tiếp thị xã hội. Vì thế, việc tiếp thị xã hội và xã hội hóa phương tiện tránh thai chậm sẽ dẫn đến thị trường thương mại chưa phát triển, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng với chi phí thấp cho đông đảo người dân có thu nhập dưới mức trung bình. Từ đó, dễ ảnh hưởng đến tình trạng sử dụng biện pháp tránh thai với các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, ảnh hưởng đến mục tiêu duy trì mức sinh và chiến lược DS-KHHGĐ giai đoạn tới.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/doi-song/gia-tang-ti-le-ap-dung-bien-phap-tranh-thai-hien-dai-114598