Gia tăng ô nhiễm môi trường không khí

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 với chủ đề 'Môi trường đô thị' vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố cho thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị, trong đó có Hà Nội, đang có xu hướng tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Làm gì để cải thiện tình hình này là vấn đề bức thiết đang được đặt ra.

Do hoạt động giao thông là chủ yếu

Tại Hà Nội, quận Hà Đông là địa bàn đang triển khai nhiều dự án xây dựng đô thị. Ví dụ: Trên tuyến đường Vạn Phúc kéo dài chỉ vài trăm mét nhưng có 4 đến 5 dự án đô thị mọc lên. Theo quy định, các xe chở vật liệu khi lưu thông phải che chắn không để rơi vãi ra đường; khi ra vào công trường phải rửa xe. Tuy nhiên, nhiều chủ phương tiện không thực hiện nghiêm quy định trên nên không khí tại các khu vực này thường xuyên bụi bặm. Tương tự, những ngày qua, nhiều xe chở đất đá rơi vãi gây bụi bẩn trên đường Võ Chí Công - trục đường chính từ Sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố - làm mất đi hình ảnh đẹp của Thủ đô.

Xe chở đất không che đậy kỹ làm rơi vãi đất trên cầu Nhật Tân trong đêm 6-7 vừa qua.

Báo cáo môi trường quốc gia cũng cho thấy, có đến 70% lượng khói bụi gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội là do hoạt động giao thông. Với hơn 4 triệu phương tiện giao thông, hoạt động giao thông chiếm tới 85% lượng khí thải CO2 và 95% lượng các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi mà mắt thường không nhìn thấy được. Mặt khác, quá trình xây dựng, các cơ sở sản xuất công nghiệp, hoạt động đun nấu, quá trình xử lý rác thải và các nguồn ô nhiễm từ ngoại thành chuyển vào cũng là một trong những áp lực phát sinh khí thải gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội.

Trạm quan trắc môi trường không khí tự động đặt tại Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (17 Trung Yên 3) cho thấy, các chỉ số ô nhiễm không khí tại Hà Nội nhiều thời điểm ở mức cao. Tỷ lệ bụi cao hơn từ 1 đến 2 lần, nhất là tại các nút giao thông hay xảy ra ùn tắc, công trình đang xây dựng tỷ lệ bụi cao gấp 5-6 lần cho phép. Đặc biệt, tại khu vực nội thành Hà Nội, số ngày trong năm có nồng độ bụi PM10, PM2,5 vượt ngưỡng cho phép chiếm tỷ lệ hơn 20%.

Do môi trường không khí bị ô nhiễm nên các bệnh liên quan đến vấn đề này có xu hướng tăng cao như hen suyễn, nhiễm khuẩn đường hô hấp, lao, viêm phổi, gây nhiều thiệt hại về kinh tế do phải chi trả chi phí khám chữa bệnh.

Trách nhiệm không của riêng ai

Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện nay việc đánh giá chất lượng không khí của Hà Nội còn hạn chế. Số lượng trạm quan trắc tự động liên tục về môi trường không khí tại Thủ đô còn ít. Ngoài trạm quan trắc đặt tại số 556 đường Nguyễn Văn Cừ của Tổng cục Môi trường và số 8 Láng Hạ của Đại sứ quán Mỹ, đến đầu năm 2017, thành phố mới lắp đặt 10 trạm quan trắc nhưng chỉ có 2 trạm cung cấp đầy đủ các thông số nhằm đánh giá tổng hợp chất lượng môi trường không khí và công bố thông tin cho cộng đồng. 8 trạm còn lại chỉ quan trắc một số thông số cơ bản nhằm giám sát chất lượng môi trường không khí.

Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng: Để đánh giá đầy đủ, toàn diện chất lượng không khí, cần tăng cường số lượng trạm quan trắc không khí tự động trên địa bàn thành phố và bảo đảm duy trì vận hành liên tục. Đề cập đến những khó khăn hiện nay, bà Lưu Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, việc đầu tư lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng bảo trì các trạm quan trắc môi trường tự động hoạt động một cách liên tục cần nguồn kinh phí lớn. Chủ trương của thành phố hiện nay là đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia trong lĩnh vực này.

Ông Thái Minh Sơn, Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường (Đại học Xây dựng) đề xuất, cần có quy hoạch môi trường độc lập với quy hoạch của các lĩnh vực khác và việc bảo vệ môi trường phải có sự chung tay của cộng đồng, chứ không riêng nhiệm vụ của một đơn vị nào mới hy vọng có những chuyển biến tích cực.

Mặt khác, các chuyên gia cho rằng cần ban hành Luật Bảo vệ không khí sạch, đưa ra các giải pháp cụ thể giảm phát thải nhiệt điện than, dùng năng lượng tái tạo, giảm phát thải từ phương tiện giao thông; điều chỉnh, cập nhật các tiêu chuẩn về chất lượng không khí tương đương với tiêu chuẩn quốc tế; tăng mật độ hệ thống quan trắc. Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách thúc đẩy ứng dụng tiến bộ công nghệ năng lượng sạch trong đời sống, bảo đảm an ninh năng lượng; thông tin công khai các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng; biểu dương các mô hình bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng không khí.

Minh Phú

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/875536/gia-tang-o-nhiem-moi-truong-khong-khi