Gia sư thất nghiệp thế chỗ những ông hoàng, bà chúa livestream

Sau chính sách cấm dạy thêm, nhiều gia sư tiếng Anh ở Trung Quốc đã chuyển sang bán hàng trên livestream. Công việc này mang lại cho họ nguồn thu nhập ổn định.

Đứng trong căn phòng chật hẹp chỉ 10 m2 với đống khăn quàng cổ đầy màu sắc có logo nổi bật giống Gucci và Louis Vuitton, Chen Huajing bận rộn giới thiệu sản phẩm cho những người xem ở Anh thông qua công cụ phát trực tiếp trên TikTok.

“Nếu có gout thẩm mỹ tốt, bạn xứng đáng với nó”, cô liên tục lặp lại câu chào mời bằng tiếng Anh.

Ngày hôm sau, cô tiếp tục công việc trong một căn phòng khác có diện tích tương tự. Chen ca ngợi những khán giả xem trực tiếp và tặng "hoa ảo" cho họ.

“Khen người khác, ngay cả khi họ chỉ tiến bộ một chút, là một kỹ năng khắc sâu vào xương của tôi khi làm gia sư”, cô gái 25 tuổi, người đã dạy ngoại ngữ trong 3 năm cho công ty YES, bên ngoài thành phố Hàng Châu (Trung Quốc), nói với Sixth Tone.

Chen không bao giờ có ý định trở thành người bán hàng. Cô chỉ muốn là một giáo viên tốt. Đây là ước mơ của Chen từ thời thơ ấu và cô đã thực hiện ngay sau khi tốt nghiệp vào năm 2018.

Chen Huajing chuyển từ nghề gia sư sang bán hàng online. Ảnh: Sixth Tone.

Buộc phải đổi nghề

Vào năm ngoái, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã cấm những dịch vụ dạy thêm thu lời sau giờ học và hạn chế các công ty huy động vốn trên thị trường chứng khoán, theo Sixth Tone.

Điều này đã làm sụp đổ ngành công nghiệp dạy thêm ở đất nước tỷ dân, buộc nhiều nơi phải ngừng kinh doanh và cắt giảm nhân sự. Thu nhập hàng tháng của Chen chỉ còn 2.000 nhân dân tệ (295 USD).

Công ty YES đang cố gắng xây dựng một mô hình mới với những giáo viên nói tiếng Anh lưu loát và giúp gã khổng lồ truyền thông xã hội ByteDance đưa mốt mua sắm trực tiếp của Trung Quốc trở thành xu hướng toàn cầu thông qua nền tảng video ngắn.

Các công ty công nghệ từ Bắc Kinh đến Seattle (Mỹ) đều đang trông cậy vào họ để xây dựng thứ mà nhiều người tin rằng sẽ là thị trường trực tuyến khổng lồ tiếp theo của thế giới.

Những người phát trực tiếp nổi tiếng nhất như “nữ hoàng livestream” Viya và “ông hoàng son môi” Li Jiaqi đã là các KOL có hàng triệu lượt theo dõi.

Nền tảng livestream phát triển mạnh ở Trung Quốc. Ảnh: VEJA.

Trong bối cảnh của đại dịch cùng các đợt phong tỏa kéo dài, sự kết hợp giữa mua sắm tại nhà và giảm giá mạnh đã thu hút được hàng trăm triệu người tiêu dùng Trung Quốc. McKinsey dự đoán ngành này sẽ đạt doanh thu 423 tỷ USD trong năm nay.

Amazon, YouTube, Instagram, Facebook, Pinterest và Alibaba đều đã bắt đầu thử nghiệm bán hàng qua livestream ở phương Tây. Thị trường mua sắm trực tuyến của Mỹ đã thu về 11 tỷ USD vào cuối năm ngoái.

Cùng trong thời gian đó, TikTok cũng mở cửa ở Anh và Indonesia cho các thương gia Trung Quốc buôn bán xuyên biên giới thông qua ứng dụng “TikTok Shop”. Dịch vụ này gần đây được ra mắt tại Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Philippines và Singapore.

Những người như Chen và công ty cô đang cố gắng thu hút người mua ở xứ sở sương mù bằng các sản phẩm giá rẻ như khăn quàng cổ, bông tai, đồ trang trí móng tay, bút chì.

Livestream để kiếm sống

Khi Zhang Xiaojun lần đầu tiên nghe nói về phát trực tiếp xuyên biên giới, cô đã rơi vào tình cảnh tuyệt vọng. Tháng 11/2021, cô đang phải vật lộn với công việc trong biên chế và gần như ngày nào cũng mất ngủ.

Khi một công ty có tên Meipin ngỏ lời mời gia nhập, Zhang nhanh chóng chớp lấy cơ hội.

“Chúng tôi đạt được thỏa thuận chỉ sau một tách cà phê. Tôi cuối cùng cũng tìm ra lối thoát cho mình bằng khả năng ngôn ngữ”, Zhang nói.

Tuy nhiên, với Chen, việc chuyển đổi giữa 2 vai trò không hề dễ dàng.

“Sau chính sách này, ngành công nghiệp dạy thêm đã đi vào ngõ cụt. Nhưng gác lại ước mơ để làm công việc có thể kiếm sống dù không thích khiến tôi cảm thấy mất mát. Thú thật, tôi bán hàng không giỏi lắm”, Chen chia sẻ.

Cô gái 25 tuổi từng sợ hãi khi nghĩ đến những khán giả người Anh phía sau màn hình, lo lắng họ sẽ đánh giá khả năng của cô.

Deng Yahui, người sáng lập Homietech, công ty tiếp thị thương mại điện tử xuyên biên giới có trụ sở tại Hàng Châu, nói rằng việc chuyển từ dạy học sang bán hàng là một bước nhảy vọt đối với các gia sư.

“Trước đây họ truyền kiến thức cho học sinh. Giờ đây, họ không chỉ là người giới thiệu sản phẩm mà còn phải thúc đẩy người tiêu dùng đặt hàng một cách linh hoạt, khéo léo”, Deng nói.

Chen phải tham gia các khóa đào tạo để tăng hiệu quả công việc. Vào tháng 3, cô mới có đủ tự tin để lên sóng một mình trong suốt 2 giờ.

Trong vài tháng đầu năm, những người livestream chỉ bán được 400 bảng Anh/ngày từ khăn quàng cổ trong 2 buổi phát sóng, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 3.000 bảng Anh/ngày, theo lời Hu Liang, giám đốc của công ty Meipin.

Các gia sư bị cắt giảm 10% đến 20% doanh thu, có nghĩa là hầu như không có bất kỳ khoản thu nhập bổ sung nào từ công việc bán thời gian.

Ed Sander, một nhà quan sát công nghệ, cho biết những nỗ lực phát trực tiếp hiện tại ở châu Âu, Mỹ đều quá gần với các mô hình Trung Quốc và chưa đủ chặt chẽ.

Hơn 70% người mua trực tuyến ở xứ tỷ dân kiếm được ít hơn 5.000 nhân dân tệ/tháng, khoảng một nửa so với mức thu nhập trung bình của quốc gia này và hầu hết sống ở các thành phố cấp thấp với ít lựa chọn mua sắm, giải trí.

Nhưng nhiều người cũng không đưa ra được lý do khiến các buổi livestream trở nên hấp dẫn. Một số cho rằng là do người dẫn chương trình lôi cuốn, bài giới thiệu bắt tai. Trong khi số khác sợ bỏ lỡ cơ hội sở hữu các sản phẩm đáng mơ ước.

Thầy giáo tiếng Anh trở thành hiện tượng mạng khi vừa livestream bán hàng, vừa dạy học. Ảnh: The Paper.

Đối với các gia sư tiếng Anh ở Đồng Lư (tỉnh Chiết Giang), công việc này là một trong những lựa chọn tốt nhất họ có sau khi bị cấm dạy thêm.

Rebecca, một livestreamer 32 tuổi tại Meipin với 10 năm kinh nghiệm dạy kèm tiếng Anh, đã chuyển đổi vai trò suôn sẻ trong vài tháng qua. Kỷ lục bán chạy nhất của cô đạt hơn 900 bảng Anh trong gần ba giờ.

Cô thường kiếm được 300 bảng Anh trong một chương trình trực tiếp, vượt qua các đồng nghiệp của mình. Rebecca cho rằng thành tích này là do tính cách hướng ngoại và có nhiều kinh nghiệm sống.

“Phát trực tiếp cho khách hàng là một quá trình dịch vụ ngắn hạn hơn nhiều so với việc dạy học sinh. Bạn chỉ cần tổ chức buổi livestream và đảm bảo rằng họ sẽ nhận được hàng”, cô chia sẻ.

Cô đang cân nhắc chuyển sự nghiệp sang dẫn chương trình TikTok toàn thời gian, hy vọng nó có thể mang lại thu nhập hàng năm hơn 400.000 nhân dân tệ. Nhưng Rebecca vẫn gắn bó với công việc gia sư và mức lương ổn định cho đến khi cô thấy việc bán hàng online thực sự thành công.

“Nếu làm việc chăm chỉ ở giai đoạn đầu, tôi có thể tận hưởng thành quả sau này”, Rebecca khẳng định.

Thảo Ngân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gia-su-that-nghiep-the-cho-nhung-ong-hoang-ba-chua-livestream-post1338443.html