Giá rơm tăng cao, các trang trại chăn nuôi Nghệ An gặp khó

Hiện nay, giá rơm dùng làm thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, rơm cuộn có giá từ 42.000-45.000 đồng/cuộn. Theo người dân, đây là giá rơm được ghi nhận cao nhất từ trước đến nay. Giá rơm tăng cao khiến các trang trại chăn nuôi gặp khó khi chi phí đầu vào tăng, trâu, bò rớt giá mạnh…

Thời điểm này, các hộ làm nghề kinh doanh trâu, bò ở xã Đại Sơn (Đô Lương) tăng cường số lượng trâu bò xuất, nhập cũng như các chuyến chuyển, giao “hàng”. Trung bình 2-3 ngày 1 chuyến xuất, nhập với số lượng từ 10-20 con trâu, bò tùy chủng loại to, nhỏ theo đơn đặt hàng của khách.

Cùng với lượng trâu, bò nhập về nhiều hơn, các hộ cũng phải tăng lượng thức ăn để trâu, bò dưỡng sức trong quá trình vận chuyển, đặc biệt là dịp thời tiết khắc nghiệt, giá lạnh để đảm bảo trâu, bò không bị ốm, đói.

Hiện 1 cuộn rơm có trọng lượng 25-30 kg đã tăng thêm 10.000 - 15.000 đồng/cuộn. Ảnh: Hoài Thu

“Thông thường chúng tôi bổ sung thức ăn cho trâu, bò chủ yếu là rơm, rạ. Hàng năm, các mối buôn bán ở đây vẫn duy trì đặt hàng các hộ sản xuất rơm, rạ hoặc các đầu nậu buôn bán rơm cuộn để mua.

Với rơm hộ dân sản xuất, chúng tôi đặt hàng các hộ chủ yếu ở các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, một số xã ở huyện Đô Lương để mua rơm cây. Còn rơm cuộn thì đặt hàng các đầu mối buôn bán ở các huyện Hưng Nguyên, Thanh Chương. Năm nay, thời điểm cuối tháng 12/2023 đến nay, giá rơm cuộn tăng vùn vụt”, bà Trần Thị Thủy ở xóm 1, xã Đại Sơn (Đô Lương) cho biết.

Các trang trại chăn nuôi quy mô lớn gặp không ít khó khăn khi giá rơm tăng cao. Ảnh: Thanh Phúc

Cùng nghề buôn bán trâu, bò, chị Nguyễn Thị Thuận cho hay, từ năm ngoái cho đến khoảng tháng 11/2023 giá rơm cuộn ổn định ở mức 32.000 – 35.000 đồng/cuộn và được giao đến tận nhà, khách hàng không mất phí vận chuyển.

Giá rơm cây mua ở các hộ dân cũng không biến động nhiều, khi mua rơm cây thì chúng tôi đến tận nhà để quan sát rồi mới trả giá, thông thường cây rơm to, cao giá khoảng 3 triệu đồng, cây nhỏ hơn, thấp hơn dao động từ 1,5 – 2 triệu đồng.

Vậy nhưng, từ giữa tháng 12/2023 đến nay, giá rơm cuộn liên tiếp tăng cao. Đầu tháng 1/2024 này, giá rơm cuộn đã lên đến 45.000 đồng/cuộn chưa bao gồm phí vận chuyển.

Rơm cuộn chủ yếu nhập từ các nơi khác về. Ảnh: Hoài Thu

“Với số lượng mua mỗi lần vài chục đến cả trăm cuộn rơm, giá cứ tăng thế này việc buôn bán cũng bị ảnh hưởng, cùng với giá trâu, bò giảm sâu đã 2 năm nay, người buôn chúng tôi cũng phải cân nhắc giảm số lượng hàng. Đồng thời, tìm nguồn thức ăn khác như tự trồng cỏ voi, mua cây ngô, các loại rau cỏ khác ở địa phương thay thế rơm để giảm chi phí”, chị Thủy cho biết.

Nuôi gần 1.000 con bò đực sữa, bò 3B và trâu cùng với hàng trăm con nai, hươu, ông Hồ Sỹ Điều ở xã Nghĩa Tiến (thị xã Thái Hòa) phải tốn 7-8 tấn rơm khô làm thức ăn thô cho gia súc. Nếu như tháng 11/2023, giá rơm mới chỉ ở mức 32.000-35.000 đồng/cuộn, tương đương với 30 kg, thì giữa tháng 12/2023, giá rơm khô tăng dần, đến nay đã vọt lên 42.000-45.000 đồng/cuộn.

Hiện nhu cầu rơm khô tăng cao do bước vào thời điểm giá rét. Ảnh: Thanh Phúc

“Đối với các trang trại lớn, chăn nuôi quy mô từ 500-1.000 con trâu, bò thì nguồn rơm trong tỉnh không đủ mà phải tìm mua ở các tỉnh miền Nam ra hoặc vùng Thái Bình, Nam Định. Do đó, giá rơm còn phụ thuộc vào giá cước vận chuyển.

Hiện nay, để tiết kiệm chi phí, trang trại chúng tôi phải tận dụng xe của gia đình, chở hàng ra nhập và chở rơm về. Còn nếu thuê họ chở về tận nơi thì mức giá đã đội lên 52.000-55.000 đồng/cuộn. Tính ra, mỗi ngày, chỉ riêng tiền rơm đã tốn 9-10 triệu, tăng 2-3 triệu đồng so với trước khi giá rơm tăng”, ông Hồ Sỹ Điều cho biết.

Theo anh Hoàng Văn Anh - một “đầu nậu” chuyên buôn bán rơm cuộn ở xã Hưng Tây (Hưng Nguyên) thì cuối năm, giá rơm thường tăng. Nguyên nhân là do bước vào mùa Đông, thời tiết có những đợt rét đậm, rét hại nên nhiều địa phương gom rơm để chống đói, rét cho đàn vật nuôi với số lượng lớn.

Các hộ chăn nuôi bổ sung thức ăn xanh cho trâu, bò. Ảnh: Thanh Phúc

Mặt khác, cũng bước vào sản xuất nấm, sản xuất vụ đông xuân nên lượng rơm cần làm nguyên liệu cũng tăng cao. Trong khi đó, nguồn cung lại hạn chế vì đã sang mùa “giáp hạt”; vào vụ thu hoạch lại gặp bất lợi của thời tiết, mưa nhiều nên việc gom rơm khó khăn. So với mọi năm thì năm nay, giá rơm tăng mạnh.

Và cũng do giá rơm làm thức ăn cho gia súc tăng nên hiện nay nhiều thương lái đã chở rơm kém chất lượng (ẩm mốc, rơm tủ gốc…) đi rao bán với mức giá thấp hơn. Ông Hồ Sỹ Điều cho biết: "So với loại rơm làm thức ăn cho trâu, bò thì loại rơm tủ gốc, làm giá thể... giá rẻ hơn từ 10.000-12.000 đồng/cuộn. Song loại này, gia súc kén ăn, ăn vào dễ nhiễm bệnh. Do đó, người chăn nuôi cần phân biệt rơm làm thức ăn và rơm nguyên liệu, đừng ham rẻ mà khiến vật nuôi bị bệnh".

Nhiều xe chở rơm cuộn đi bán dạo ở các vùng nông thôn. Ảnh: Hoài Thu

Bên cạnh đó, người dân cần chủ động tăng cường thức ăn xanh cho trâu, bò bằng nhiều loại phụ phẩm khác có sẵn tại địa phương. Chẳng hạn như bổ sung thức ăn xanh gồm cỏ voi, cỏ sữa, thân cây ngô; hoặc sử dụng các phụ phẩm khác để ủ chua làm thức ăn dự trữ, tiết giảm chi phí, hạn chế phụ thuộc vào nguồn rơm cuộn.

Thanh Phúc - Hoài Thu

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/gia-rom-tang-cao-cac-trang-trai-chan-nuoi-nghe-an-gap-kho-post282649.html