Giá rau xanh tăng mạnh do thời tiết bất lợi

Do thời tiết bất lợi, sâu bệnh hại phát triển, nhiều diện tích rau xanh của người dân bị ảnh hưởng, khiến giá rau tại các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh tăng chóng mặt.

Diện tích rau mầm đá của người dân thị xã Sa Pa bị táp lá do thời tiết bất lợi.

Diện tích rau mầm đá của người dân thị xã Sa Pa bị táp lá do thời tiết bất lợi.

Thời tiết nồm ẩm sau đó chuyển rét đậm đột ngột khiến vườn rau rộng hơn 4.000 m2 của gia đình anh Nguyễn Xuân Hưng, thôn Soi Cờ, xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng) chậm phát triển, hỏng nhiều. Diện tích trồng rau súp lơ kém phát triển, bông nhỏ, nhiều cây không cho bông. Nhiều luống rau cải ngọt, cải bẹ, các loại rau ăn lá khác cũng bị nấm, táp lá, chậm phát triển, khiến lứa rau của anh Hưng không kịp cung ứng ra thị trường.

Anh Nguyễn Xuân Hưng cho biết: Năm nay thời tiết khắc nghiệt, việc trồng và chăm sóc rau gặp rất nhiều khó khăn do sâu bệnh, nấm, táp lá, thối nhũn... Hiện tại, giá rau rất cao, nhưng tôi không có rau bán. Gia đình tôi đang nỗ lực chăm sóc để rau phục hồi, kịp bán trong dịp tết Nguyên đán.

Tương tự, trong 2 tuần trở lại đây, ruộng rau hơn 3.500 m2 của gia đình anh Nguyễn Văn Trình, tổ 1, phường Hàm Rồng (thị xã Sa Pa) cũng bị hư hại nhiều do thời tiết, trong đó hơn 2.000 m2 trồng rau mầm đá bị táp lá, mầm rau nhỏ, không đủ tiêu chuẩn bán ra thị trường. Đối với diện tích rau này, anh Trình phải mua thêm phân bón thúc, tưới nước rửa sương muối buổi sáng để rau sớm hồi phục. Còn đối với diện tích rau cải mèo bị táp lá, thối nhũn, anh phải phá để trồng lại lứa rau mới nhằm kịp bán dịp tết Nguyên đán.

Anh Trình tâm sự: Rau hỏng nhiều là do thời tiết rét đậm, rét hại và sương muối kéo dài. Mặc dù chưa có băng giá, nhưng đa số diện tích trồng rau của người dân nơi đây bị thiệt hại, đặc biệt là tình trạng táp lá, kém phát triển. Giá rau mua tại vườn hiện cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021, nhưng nông dân không có rau để bán.

Không chỉ vườn rau của anh Hưng, anh Trình, hầu hết diện tích rau của người dân ở các vùng chuyên canh như huyện Bảo Thắng, thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa… bị ảnh hưởng do diễn biến bất thường của thời tiết, đặc biệt là tình trạng rét đậm, rét hại, sương muối, mưa axit kéo dài thời gian vừa qua. Các vùng trồng bị ảnh hưởng, rau xanh khan hiếm khiến giá bán tại các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh tăng chóng mặt.

Khảo sát một vòng quanh các chợ dân sinh ở thành phố Lào Cai, dễ nhận thấy giá rau xanh tăng mạnh trong những ngày qua. Đa số rau xanh tăng giá 1,5 - 2 lần so với đầu tháng 12. Hiện các loại rau ăn lá (cải ngọt, cải bẹ vàng, cải đông dư, cải thảo, xà lách…) được tiểu thương bán ở mức trung bình từ 20 - 30 nghìn đồng/kg, tăng 10 nghìn đồng/kg; su hào, su su, bí đỏ… cũng có giá tương đương. Giá cao nhất vẫn nằm ở nhóm rau thơm (rau mùi, thì là, rau răm, hành…) với mức 70 - 100 nghìn đồng/kg, tăng 20 - 30 nghìn đồng/kg. Súp lơ được bán với giá 20 - 25 nghìn đồng/bông, tăng 10 nghìn đồng… Rau bí, su su, rau muống, rau ngót, rau cần, cải xoong… có giá 15 nghìn đồng/mớ, tăng 7 nghìn đồng.

Anh Nguyễn Minh Toàn, tiểu thương chợ Kim Tân (thành phố Lào Cai) cho biết: Rau ở các chợ đầu mối rất khan hiếm, vì thời tiết bất lợi không chỉ ảnh hưởng đến các vùng trồng rau trên địa bàn tỉnh, mà còn ảnh hưởng đến diện tích rau ở các tỉnh vùng thấp. Giá rau tăng quá cao, khiến chúng tôi phải hạn chế nhập hàng.

Chị Lê Thị Yến, tiểu thương chợ Pom Hán (thành phố Lào Cai) cho rằng, giá rau xanh phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung và sự điều tiết của thị trường. Nếu thời tiết vẫn tiếp tục bất lợi thì giá sẽ rất khó giảm trong thời gian tới.
Dự báo từ nay đến tết Nguyên đán 2023, thời tiết tiếp tục diễn biến bất lợi, ảnh hưởng đến các vùng sản xuất rau, nguồn cung rau xanh có thể tiếp tục khan hiếm, do đó, giá khó có thể hạ nhiệt vào dịp cuối năm. Ngay từ bây giờ, các cấp, ngành, địa phương cần sớm có giải pháp để có nguồn cung và ổn định giá bán rau xanh trong dịp tết.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/363481-gia-rau-xanh-tang-manh-do-thoi-tiet-bat-loi