Gia nhập CPTPP, Anh 'gặt hái' nhiều hơn một thỏa thuận thương mại

Việc Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) không chỉ đơn thuần là vấn đề thương mại như áp thuế rượu whisky và nhập khẩu thịt bò.

Lợi ích chính từ tư cách thành viên CPTPP của Anh sẽ là quyền phủ quyết hoặc hỗ trợ các đơn xin gia nhập khối của các quốc gia khác. (Nguồn: Aseanbriefing)

Động thái này xác định vị trí của nước Anh thời kỳ hậu Brexit trong thế kỷ XXI. Đây đang được coi là thành tựu thương mại lớn nhất của Vương quốc Anh kể từ khi nước này rời Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 1/2020.

Tuy nhiên, các chuyên gia và quan chức chính phủ Anh cho rằng, lợi ích ngoại giao mà tư cách thành viên CPTPP của Anh mang lại có thể vượt xa lợi ích kinh tế khi gia nhập khối thương mại Thái Bình Dương trị giá 9.000 tỷ Bảng Anh (11.200 tỷ USD).

Nước này đã có các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với 9 trong số 11 thành viên của CPTPP và các nghiên cứu của chính phủ Anh cho biết, tư cách thành viên hiệp định sẽ không bù đắp cho sự sụt giảm thương mại thời hậu Brexit với láng giềng gần nhất là EU.

Chiến lược của Anh nêu rõ rằng, sự can dự “mạnh mẽ hơn và lâu dài hơn” với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ trở thành “trụ cột lâu dài trong chính sách quốc tế của Vương quốc Anh”.

Với sự thay đổi trọng tâm này, Anh trở thành một phần của hai quan hệ đối tác quốc phòng lớn với các đồng minh Thái Bình Dương gồm AUKUS - Liên minh an ninh ba bên Mỹ-Anh-Australia, và Chương trình Không quân Chiến đấu Toàn cầu nhằm phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu với Nhật Bản và Italy.

Trong khi đó, Anh và Pháp đã đồng ý phối hợp triển khai các tàu sân bay ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để tăng cường sự hiện diện trên biển của châu Âu trong khu vực.

Anh cũng đã đảm bảo vị thế “đối tác đối thoại” với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 quốc gia; tham gia một nhóm do Mỹ lãnh đạo thúc đẩy quan hệ kinh tế với các quốc đảo Thái Bình Dương; và thành lập một chi nhánh mới có trụ sở tại Singapore của cơ quan phát triển tài chính Đầu tư Quốc tế Anh.

Mục đích bao trùm của các động thái trên là tăng cường ảnh hưởng của Anh và phương Tây tại khu vực này mà Trung Quốc đang nỗ lực khẳng định mình.

Khi được hỏi về việc gia nhập CPTPP tại một sự kiện của Tạp chí Politico vào tháng trước, Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh Kemi Badenoch đã xác nhận rằng ngoài các lợi ích kinh tế, thỏa thuận này còn nhằm “đảm bảo rằng nhiều quốc gia đang hướng tới tương lai sẽ thực hiện nó theo cách có lợi cho Vương quốc Anh”.

Trong khi đó, một quan chức Bộ Ngoại giao Anh cho hay: “Chính phủ Anh đã thực hiện các bước quan trọng trong việc biến phân tích này thành hiện thực chính sách đối ngoại. Sẽ ngày càng có nhiều kết nối được xây dựng giữa Anh và một phần năng động và ngày càng quan trọng của thế giới”.

Bên cạnh đó, lợi ích chính từ tư cách thành viên CPTPP của Anh sẽ là quyền phủ quyết hoặc hỗ trợ các đơn xin gia nhập khối của các quốc gia khác.

Cả Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đều đã nộp đơn đăng ký gia nhập CPTPP và nguyện vọng này đang được xem xét trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về hòa bình trong khu vực.

(theo Politico)

Việt An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-nhap-cptpp-anh-gat-hai-nhieu-hon-mot-thoa-thuan-thuong-mai-223156.html