Gia Lai: Xây dựng chỉ dẫn địa lý để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm chủ lực

Những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Gia Lai chú trọng xây dựng chỉ dẫn địa lý (CDĐL) nhằm nâng cao giá trị hàng hóa, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm chủ lực của địa phương trên thị trường. Hiện tại, Sở đang tiếp tục xây dựng CDĐL cho sản phẩm 'Cà phê Gia Lai' và 'Chanh dây Gia Lai'.

Yêu cầu cấp thiết

Gia Lai có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khá phù hợp cho cây cà phê sinh trưởng, phát triển. Đây cũng là cây công nghiệp chủ đạo, mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, hiện nay, trên 90% sản lượng cà phê của tỉnh sau thu hoạch chỉ được chế biến thô rồi xuất khẩu hoặc bán cho các doanh nghiệp trong nước.

Thời gian qua, nhiều thương hiệu cà phê rang xay ở Gia Lai đã được hình thành, phát triển như: Thu Hà, Phiên Phương, Thanh Thủy, Classic, Baka, L’amant... Trong đó, nhiều nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp lại có hướng tiếp cận, giới thiệu sản phẩm ra thị trường với các tiêu chí và thông tin khác nhau, phần nào ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm cà phê Gia Lai.

Ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-cho biết: “Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu, chúng tôi đang chờ đợi có CDĐL để sản phẩm có giá trị cao hơn và thị trường nước ngoài sẽ biết đến cà phê Gia Lai nhiều hơn, đặc biệt là các nước châu Âu. Về việc xây dựng CDĐL, Công ty Vĩnh Hiệp luôn đồng hành và mong muốn sớm được áp dụng”.

Chanh dây là 1 trong 9 loại cây ăn quả chủ lực của tỉnh đang được Sở KH-CN thực hiện xây dựng chỉ dẫn địa lý. Ảnh: Ngọc Thu

Chanh dây là 1 trong 9 loại cây ăn quả chủ lực của tỉnh đang được Sở KH-CN thực hiện xây dựng chỉ dẫn địa lý. Ảnh: Ngọc Thu

Tương tự, theo Quyết định số 320/QĐ-UBND của UBND tỉnh, chanh dây là 1 trong 9 loại cây ăn quả chủ lực của tỉnh với định hướng phát triển tập trung trên địa bàn 13 huyện, thị xã. Với giá trị kinh tế cao và thị trường tiêu thụ nhiều tiềm năng, một số doanh nghiệp đã tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chanh dây như: Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty cổ phần Nafoods, Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm… Hiện nay, sản phẩm chanh dây Gia Lai không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra một số thị trường ở châu Á, châu Âu.

Bà Đỗ Thị Mỹ Thơm-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm (xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang) chia sẻ: “Để đảm bảo đầu ra, sản phẩm đến tay khách hàng an toàn, chúng tôi hợp đồng với những thành viên làm đầu mối liên kết sản xuất dưới sự giám sát của Hợp tác xã. Những thành viên tham gia phải đảm bảo 100% mặt hàng có chất lượng tốt nhất, sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Chúng tôi mong muốn được áp dụng CDĐL để sản phẩm tăng giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ”.

Đẩy mạnh xây dựng CDĐL

Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Sản phẩm được bảo hộ CDĐL khi đáp ứng các điều kiện như: có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với CDĐL; có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu được quyết định bởi điều kiện địa lý của vùng bảo hộ được dẫn chiếu tới khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với CDĐL. Trong giai đoạn 2016-2020, Sở KH-CN đã hỗ trợ và chủ trì lập hồ sơ xác lập quyền cho 9 sản phẩm địa phương. Hiện nay, CDĐL cho cây cà phê và chanh dây Gia Lai đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ.

Cà phê Gia Lai đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ xây dựng chỉ dẫn địa lý. Ảnh: Ngọc Thu

Cà phê Gia Lai đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ xây dựng chỉ dẫn địa lý. Ảnh: Ngọc Thu

Ông Nguyễn Ngọc Cường-Phó Giám đốc Sở KH-CN-cho biết: “Sản phẩm chanh dây, cà phê của Gia Lai đã có vị trí nhất định trên thị trường về đặc tính, chất lượng. Đồng thời, diện tích canh tác và sản lượng không ngừng nâng cao đã khẳng định tiềm năng phát triển của các sản phẩm này trên thị trường. Vì vậy, sản phẩm chanh dây, cà phê đáp ứng các điều kiện để đăng ký bảo hộ CDĐL theo quy định với khu vực địa lý tương ứng là toàn tỉnh Gia Lai. Sở KH-CN đã chuẩn bị các mặt căn cứ pháp lý và khảo sát thực tế tại các công ty về khả năng xây dựng CDĐL hiệu quả và bền vững”.

Mới đây, tại hội nghị đánh giá khả năng bảo hộ CDĐL “Gia Lai” cho sản phẩm chủ lực, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã ghi nhận những giá trị và kiến nghị về xây dựng CDĐL cho sản phẩm chủ lực của địa phương.

Ông Lưu Đức Thanh-Giám đốc Trung tâm thẩm định CDĐL và nhãn hiệu quốc tế (Cục Sở hữu trí tuệ) khẳng định: “Khi xây dựng CDĐL thì chúng ta sẽ đảm bảo sản phẩm được kiểm soát theo quy trình nghiêm ngặt từ khâu sản xuất ra thị trường và đến tay người tiêu dùng, từ đó người tiêu dùng sẽ yên tâm sử dụng. Mặt khác, nhờ xây dựng được thương hiệu, chúng ta mới có thêm cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Về những kiến nghị của các doanh nghiệp, hợp tác xã ở Gia Lai, chúng tôi sẽ đề xuất lên cấp trên để sớm triển khai xây dựng CDĐL cho sản phẩm chủ lực tại địa phương”.

NGỌC THU

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/744/202010/gia-lai-xay-dung-chi-dan-dia-ly-de-tang-suc-canh-tranh-cho-san-pham-chu-luc-5703172/