Gia Lai: Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học

GD&TĐ - Sở GD&ĐT Gia Lai hướng dẫn thực hiện kế hoạch của Bộ GD&ĐT “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiếu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”.

Theo hướng dẫn này, hằng năm, các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học dành ít nhất hai tuần, trước khi vào năm học mới để trẻ mẫu giáo 5 tuổi, học sinh lớp 1, 2 cấp tiểu học tổ chức cho trẻ được làm quen, được học các kĩ năng nghe, nói tiếng Việt (thời gian bắt đầu kể từ ngày tựu trường theo quy định của UBND tỉnh).

Đối với cấp học mầm non: Nghiên cứu xác định yêu cầu, khung chương trình, xây dựng kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho trẻ; huy động 100% trẻ học hai buổi/ngày; dựa vào thực tế số lượng trẻ còn hạn chế tiếng Việt để xem xét thời lượng tăng cường tiếng Việt trong ngày; khi trẻ đã nghe, hiểu tương đối tiếng Việt giáo viên thực hiện lồng ghép, tích hợp vào các hoạt động trong ngày, linh hoạt sử dụng các tình huống dạy trẻ tiếng Việt. Đối với trẻ 5 tuổi dạy tiếng Việt giáo viên phải dạy đủ câu, phù hợp bảng từ với chủ đề phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Đối với cấp học tiểu học: 100% học sinh lớp một được học 2 buổi/ ngày. Trong năm học, các nhà trường xây dựng kế hoạch và tổ chức dạy học tăng cường tiếng Việt cho học sinh một cách phù hợp, tổ chức dạy học tăng thời lượng môn Tiếng Việt lớp 1 theo phương án tăng từ 350 tiết lên 500 tiết;

Đối với lớp 1 vùng có nhiều học sinh người dân tộc thiểu số chưa biết hoặc ít biết tiếng Việt, nếu chưa đủ điều kiện dạy học tăng thời lượng thì nhà trường chỉ yêu cầu giáo viên tổ chức dạy hai môn Tiếng Việt và Toán; dành thời lượng các môn học khác để dạy tiếng Việt. Đối với lớp 2,3,4,5, tiếp tục triển khai thực hiện việc tích hợp dạy học tiếng Việt vào các môn học và hoạt động giáo dục.

Nâng cao chất lượng dạy học buổi thứ hai ở lớp dạy học hai buổi/ngày, trong đó tập trung vào hai môn Toán, Tiếng Việt; chú trọng tăng cường tiếng Việt cho học sinh đặc biệt là học sinh đầu cấp học.

Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học tổ chức tốt các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo để tạo sân chơi và môi trường giao tiếp tiếng Việt cho học sinh. Tăng cường các hoạt động học tập trải nghiệm sáng tạo cho học sinh dân tộc thiểu số; ứng dụng CNTT trong dạy học, sử dụng linh hoạt các tiện ích, phần mềm, tư liệu, hình ảnh để nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Việt…

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/gia-lai-tang-cuong-tieng-viet-cho-tre-mam-non-hoc-sinh-tieu-hoc-2619382-v.html